Bác sĩ mách mẹ: 9 mẹo đối phó với trẻ thích ngậm đồ ăn

Tịnh Tâm, Theo Trí Thức Trẻ 19:39 04/07/2022

Ngậm đồ ăn là thói quen của không ít trẻ nhỏ, nhất là những em bé 2-3 tuổi. Cần làm gì để đối phó với thói quen không tốt này của bé? Hãy cùng lắng nghe những lời khuyên bổ ích từ bác sĩ BV Đa khoa Hồng Ngọc.

Theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thói quen ngậm đồ ăn ở trẻ chủ yếu là do biếng ăn. Bé ngậm đồ ăn trong miệng lâu là muốn kéo dài thời gian ăn để không phải ăn thêm.

Ngoài ra, có một số nguyên nhân khác khiến em bé của bạn có tình trạng ngậm đồ ăn. Nguyên nhân có thể do:

Trẻ bị bệnh

Nếu bé đang mắc một số bệnh về đường tiêu hóa hoặc bệnh ở cổ họng khiến con cảm thấy khó chịu, khó nuốt, nuốt đau… thì trẻ sẽ có tình trạng ngậm đồ ăn. Hệ tiêu hóa gặp vấn đề dẫn đến việc hấp thu dinh dưỡng kém hiệu quả cũng khiến trẻ mệt mỏi, không muốn ăn.

Thức ăn không phù hợp

Món ăn mẹ nấu có thể nhạt quá, mặn quá hoặc có mùi vị bé không thích ăn thì con có thể sẽ ngậm đồ ăn để không phải ăn thêm. Một số đồ ăn dai cứng, quá nguội, có mùi tanh cũng không tạo cảm giác ngon miệng cho bé dẫn đến tình trạng con ngậm thức ăn.

Bác sĩ mách mẹ: 9 mẹo đối phó với trẻ thích ngậm đồ ăn - Ảnh 1.

Ngậm đồ ăn là thói quen xuất hiện ở rất nhiều trẻ

Hoặc trẻ ngậm thức ăn cũng có thể do mẹ không thay đổi thực đơn, ăn đi ăn lại một vài món trong thời gian dài khiến bé không muốn ăn nữa.

Cho trẻ ăn thức ăn xay nhuyễn trong thời gian dài

Ngay từ khi bắt đầu ăn dặm, bé được cho ăn những món xay nhuyễn. Ban đầu, con thấy lạ miệng, thấy ngon nên ăn nhiều nhưng một thời gian sau đó, mẹ vẫn tiếp tục cho bé ăn đồ xay nhuyễn thì không chỉ khiến con cảm thấy chán mà còn làm con không biết nhai nuốt.

Khi trẻ đã mọc được nhiều răng, có khả năng nhai tốt nhưng vẫn được cho ăn món ăn xay nhuyễn thì tình trạng ngậm thức ăn rất dễ xảy ra.

Ngoài những nguyên nhân kể trên, việc vừa cho con ăn, vừa để bé xem tivi, điện thoại, không tập trung ăn cũng dẫn đến tình trạng biếng ăn, ngậm thức ăn.

Bác sĩ mạch mẹ 9 mẹo đối phó với thói quen ngậm đồ ăn của trẻ

Bác sĩ Trần Văn Bàn, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Hồng Ngọc gợi ý cho mẹ 9 mẹo để đối phó với thói quen ngậm đồ ăn của trẻ. Hãy áp dụng những mẹo này ngay nếu con bạn đang rơi vào tình trạng này.

Chế biến thức ăn phù hợp với trẻ

Tùy từng thời điểm phát triển, khả năng ăn nhai của trẻ sẽ thay đổi. Nếu bé bắt đầu ăn dặm, mẹ có thể cho con ăn cháo loãng, ăn bột ăn dặm. Đến 7 - 8 tháng tuổi, mẹ chuyển dần sang cháo đặc hơn. Sau đó một vài tháng, mẹ chuyển dần sang cơm nát, thức ăn mềm cho bé.

Thường xuyên thay đổi thực đơn

Cùng với việc chế biến thức ăn phù hợp, mẹ cũng nên thường xuyên thay đổi thực đơn để con cảm thấy ngon miệng, thấy thích thú với việc ăn món mới. Nếu ăn một vài món liên tục trẻ sẽ chán ăn, ngậm đồ ăn.

Bác sĩ mách mẹ: 9 mẹo đối phó với trẻ thích ngậm đồ ăn - Ảnh 2.

Thay đổi thực đơn thường xuyên để bé ăn ngon miệng hơn

Hôm nay trẻ ăn cá, ngày mai hãy cho bé ăn thịt, ăn tôm… Và trong mỗi bữa ăn, phải đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm dinh dưỡng chính cho trẻ đó là nhóm chất đạm, đường bột, chất béo, chất xơ và bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất khác để bé phát triển toàn diện.

Cho trẻ ngồi ăn cùng gia đình

Trẻ nhỏ có thói quen bắt chước người lớn nên việc cho bé ngồi ăn cùng cả nhà cũng là cách để đối phó với tật ngậm đồ ăn. Khi quan sát mọi người ăn, nhai và nuốt, bé cũng cố gắng để làm theo, không ngậm đồ ăn lâu trong miệng nữa.

Để trẻ đói mới cho ăn

Để đối phó với tình trạng ngậm đồ ăn ở trẻ, cho bé ăn khi thật sự đói là một giải pháp tốt. Khi bé biết đói, con sẽ ăn nhanh hơn và thèm ăn hơn. Ba mẹ không nên cho bé ăn vặt nhiều trước bữa ăn vì như vậy con sẽ không có cảm giác đói, không còn hứng thú ăn nữa.

Ngoài ra, nếu nhận thấy trẻ ăn “nhả nhớt”, ngậm đồ ăn thì hãy dừng ngay bữa ăn lại để bé biết rằng, không ăn thì con sẽ bị đói. Dần dần, trẻ sẽ không dám ngậm đồ ăn nữa.

Không trộn chung tất cả thức ăn vào một bát

Nhiều bậc phụ huynh có thói quen trộn hết cơm, canh, thức ăn vào một bát rồi cho bé ăn cùng lúc. Nếu thường xuyên ăn thức ăn hỗn hợp như vậy bé sẽ rất nhanh chán vì không cảm nhận được từng hương vị món ăn riêng biệt, bữa ăn nào cũng giống bữa ăn nào.

Thay vào đó, hãy để riêng từng món ăn ra các bát, đĩa khác nhau như người lớn. Bé sẽ biết chọn món nào mình thích ăn, món nào mình không thích và nhờ đó, mẹ có thể điều chỉnh thực đơn cho những bữa ăn sau, giúp bé thích ăn hơn.

Để trẻ tự xúc ăn

Hãy để trẻ tự xúc ăn càng sớm càng tốt. Có thể ban đầu con chưa biết xúc, xúc rất vụng về, rơi vãi nhiều nhưng nếu được trao cơ hội tập luyện thì một thời gian sau đó, con sẽ xúc ăn thành thạo hơn.

Bác sĩ mách mẹ: 9 mẹo đối phó với trẻ thích ngậm đồ ăn - Ảnh 3.

Hãy để trẻ tự xúc ăn để con cảm thấy vui vẻ trong việc ăn uống

Được tự xúc ăn cũng giúp bé càng thấy hào hứng hơn việc được ba mẹ đút. Hãy cho bé ngồi ăn cùng gia đình để con học theo người lớn cách xúc ăn và tìm thấy được niềm vui khi ăn cùng cả nhà.

Không cho bé xem tivi, điện thoại khi ăn

Đây là thói quen không tốt mà nhiều ông bà, cha mẹ đã tạo cho con với mong muốn cho bé xem điện thoại giúp con ăn ngoan hơn. Tuy nhiên, việc vừa ăn vừa xem khiến con không tập trung vào việc nhai và nuốt thức ăn. Trẻ sẽ ngậm thức ăn mãi không chịu nuốt còn mắt vẫn chăm chú nhìn điện thoại, tivi.

Do đó, khi cho bé ăn, các bậc phụ huynh tuyệt đối không được cho con xem thiết bị điện tử, không cho trẻ ăn rong, hãy tạo cho trẻ thói quen tập trung ăn và mỗi bữa ăn chỉ nên kéo dài 20-25 phút.

Không ép bé ăn

Trẻ nhỏ thường ăn nhanh, ăn mạnh lúc đầu bữa nhưng khi đã lửng bụng thì bắt đầu lười nhai và ngậm thức ăn. Nhiều bậc phụ huynh vì muốn con ăn nhiều nên đã ép con phải ăn, phải nuốt, thậm chí dọa nạt nên khiến con sợ và càng lười ăn hơn.

Thay vì ép trẻ ăn, hãy để trẻ ăn theo nhu cầu. Khi con thấy đói con sẽ ăn nhiều và nếu đã no bụng con sẽ tự dừng lại. Nếu bé ăn lửng bụng rồi dừng, bé sẽ cảm thấy đói khi chưa đến bữa tiếp theo. Dần dần, con sẽ hiểu là mình cần phải ăn no hơn.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho bé

Trẻ ngậm thức ăn có thể do bị bệnh như đau họng, nhiệt miệng, nứt môi, dị tật bẩm sinh lưỡi… Vì thế, ba mẹ nên cho bé đi khám sức khỏe định kỳ để biết được nguyên nhân gây nên tình trạng này và được bác sĩ tư vấn cách điều trị hiệu quả.

Ngậm thức ăn là biểu hiện của sự biếng ăn ở trẻ. Biếng ăn kéo dài có thể khiến con bị thiếu dinh dưỡng, chậm lớn nên việc cho bé đi khám cũng giúp chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe của con.

Với những chia sẻ trên đây từ bác sĩ khoa Nhi BV Hồng Ngọc, giờ đây các bậc phụ huynh có thể yên tâm hơn khi có được những mẹo hay giúp trị chứng ngậm thức ăn ở trẻ, để mỗi bữa ăn của bé sẽ là những tiếng cười, niềm vui và sự phấn khởi.

https://kenh14.vn/bac-si-mach-me-9-meo-doi-pho-voi-tre-thich-ngam-do-an-20220704093025696.chn