Bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn chia sẻ: Khi nào thì nên nâng ngực, những ai nên và ai không nên nâng ngực?

Tiểu Nguyễn, Theo Helino 11:35 26/08/2019
Chia sẻ

Nếu tự ý nâng ngực làm đẹp có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Tái tạo nâng ngực thành công cho bệnh nhân bị dị dạng mao mạch vùng ngực trái

Theo BS Tạ Thị Hồng Thúy (khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn), bệnh viện mới tiếp nhận trường hợp một bệnh nhân bị dị dạng mao mạch vùng ngực trái (tiền sử bệnh u máu khi mới 1 tháng tuổi) – đây là bệnh lý bẩm sinh với tình trạng biến dạng lồng ngực, teo lép tổ chức cơ và tuyến vú, sẹo xấu xơ dính ngực trái xuất hiện sau khi xạ trị vùng ngực trái để điều trị dị dạng mao mạch.

Bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn chia sẻ: Khi nào thì nên nâng ngực, những ai nên và ai không nên nâng ngực? - Ảnh 1.

Ban đầu, bệnh nhân chỉ có mong muốn được cải thiện hình thể tuyến vú, cân đối lại vòng 1, đỡ mất tự tin trong cuộc sống nhưng kết quả phẫu thuật thành công ngoài mong đợi.

Được biết, cách đây 12 năm, bệnh nhân đã đi phẫu thuật đặt túi độn ngực dạng nước biển trong tình trạng lồng ngực lõm bên trái, teo lép tổ chức cơ và tuyến vú trái, sẹo xơ dính. Tuy nhiên, sau sinh, một bên ngực có sự sa trễ, thay đổi hình dáng khiến người phụ nữ này rất mất tự tin, trong khi một bên ngực không phát triển. Chị quyết định tìm đến khoa Phẫu thuật Tạo hình của Bệnh viện Xanh Pôn để phẫu thuật lại bằng túi độn dạng silicon.

Ban đầu, bệnh nhân chỉ có mong muốn được cải thiện hình thể tuyến vú, cân đối lại vòng 1, đỡ mất tự tin trong cuộc sống nhưng kết quả phẫu thuật thành công ngoài mong đợi khi mang lại cho chị sự nữ tính, tự nhiên, đầy đặn cho khuôn ngực.

Bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn chia sẻ: Khi nào thì nên nâng ngực, những ai nên và ai không nên nâng ngực? - Ảnh 2.

Nâng ngực – Khi nào được khuyến khích và điều chuyên gia lưu ý trước khi thực hiện

Rất nhiều người luôn có suy nghĩ rằng nếu có bộ ngực khiêm tốn thì hãy đi nâng ngực để to đẹp hơn. Thực tế, BS Thúy cho biết, nâng ngực được khuyến khích trong các trường hợp bệnh nhân mắc một số bệnh lý dị tật bẩm sinh vùng ngực như hội chứng Poland, sẹo bỏng vùng ngực, chấn thương gây mất tổ chức vùng ngực, sau phẫu thuật điều trị ung thư tuyến vú, sau viêm nhiễm vùng ngực bẩm sinh có can thiệp gây teo lép tuyến vú và sẹo xơ…

"Bên cạnh đó, những bệnh nhân có bệnh lý toàn thân thì không được phép nâng ngực để tránh tổn hại sức khỏe. Bệnh nhân có các bệnh lý tim mạch nặng, HIV, viêm gan C, bệnh nhân có biểu hiện tâm thần, đái tháo đường… không được nâng ngực. Nếu tự ý nâng ngực làm đẹp có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc", BS Thúy chia sẻ.

Bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn chia sẻ: Khi nào thì nên nâng ngực, những ai nên và ai không nên nâng ngực? - Ảnh 3.

Bệnh nhân có các bệnh lý tim mạch nặng, HIV, viêm gan C, bệnh nhân có biểu hiện tâm thần, đái tháo đường… không được nâng ngực.

Với những trường hợp không có bệnh lý, GS.TS Trần Thiết Sơn (Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn) chia sẻ, trước khi quyết định nâng ngực, chị em cần phải trả lời câu hỏi: "Liệu mình có thực sự cần nâng ngực không, với những trường hợp vú teo nhỏ, sa trễ (bẩm sinh hoặc sau sinh), phì đại, làm đẹp vòng 1 là nhu cầu chính đáng".

Tuy nhiên, để nâng ngực thế nào cho phù hợp nhất, chị em cần đến thăm khám và tư vấn bởi bác sĩ thẩm mỹ để chọn ra biện pháp nâng ngực tốt nhất với mình. Khi nâng ngực, việc tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ cũng đóng vai trò cực quan trọng để đảm bảo quá trình nâng ngực thành công, không có biến chứng trong và sau khi thực hiện.

Muốn nâng ngực thành công, không biến chứng, lời khuyên chung của giới chuyên gia là nên tới những bệnh viện uy tín, cơ sở có chuyên môn tốt, được đào tạo chính quy về phẫu thuật tạo hình. Tránh trường hợp tự ý nâng ngực tại những nơi không đảm bảo chất lượng có thể khiến tiền mất tật mang, vô cùng đáng quan ngại.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày