Phát biểu tại cuộc họp, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, quyết tâm tìm kiếm nguồn gốc Covid-19 không phải để đổ lỗi, mà để nâng cao hiểu biết của con người về cách đại dịch này bắt đầu như thế nào, qua đó giúp thế giới có thể ngăn ngừa, chuẩn bị và ứng phó với các dịch bệnh và đại dịch trong tương lai. Đây chính là lý do WHO đã đang và sẽ không từ bỏ bất kỳ kế hoạch nào để xác định nguồn gốc của đại dịch Covid-19.
Tiêm chủng Covid-19 cho người cao tuổi (Ảnh: Tân Hoa xã)
Ông Tedros đồng thời kêu gọi các nước chia sẻ thông tin: "Tổ chức Y tế thế giới không từ bỏ bất kỳ kế hoạch nào nhằm xác định nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các nước chia sẻ dữ liệu và tiến hành các cuộc điều tra cần thiết cũng như chia sẻ kết quả về dịch bệnh".
Vào tháng 10/2021, Tổ chức Y tế thế giới đã thành lập một nhóm nghiên cứu gồm 26 chuyên gia để tìm hiểu nguồn gốc Covid-19. Nghiên cứu chung của Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới được công bố đầu năm ngoái loại trừ giả thuyết Covid-19 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm, nghiêng về giả thuyết virus lây nhiễm sang người một cách tự nhiên, có thể do buôn bán động vật hoang dã.
Phát biểu tại cuộc họp, bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục nhấn mạnh, Tổ chức Y tế thế giới sẽ tiếp tục điều tra tiếp về nguồn gốc Covid-19 theo kết luận đã nêu. Điều quan trọng là phải xem virus đã lây nhiễm ở động vật như thế nào và cách thức con người tiếp xúc như thế nào với động vật dẫn đến tình trạng lây nhiễm:
Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét các nghiên cứu ở người, xem xét các nghiên cứu trên động vật, xem xét các nghiên cứu về giao diện động vật-người, cũng như xem xét các vi phạm tiềm ẩn về an toàn sinh học và an ninh sinh học đối với bất kỳ phòng thí nghiệm nào đang làm việc với virus corona, đặc biệt là các trường hợp đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc hoặc các nơi khác.
Ba năm đã trôi qua kể từ khi các ca bệnh Covid-19 lần đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay, Tổ chức Y tế thế giới cho rằng dịch Covid-19 vẫn là tình trạng y tế khẩn cấp gây lo ngại trên toàn cầu. Sự xuất hiện của các biến thể mới khiến số ca tử vong và số ca mắc vẫn gia tăng ở nhiều nước trên thế giới.