Năm 2000, chị Nguyễn Thị Sen rời quê hương Quảng Nam để vào Sài Gòn làm thuê kiếm sống. Tại đây chị gặp và kết hôn cùng anh Nguyễn Phú Quý. Chồng đạp xích lô, vợ đi làm mướn, thu nhập bấp bênh bữa có bữa không khiến anh chị chẳng đủ tiền để cất được một mái nhà đàng hoàng.
Thấy anh chị khó khăn, địa phương hỗ trợ dựng tạm một túp lều bằng vài tấm tôn cũ để có chỗ che nắng mưa, "ngôi nhà" nằm lọt thỏm trong khu dân cư, không có địa chỉ.
Ngôi nhà không số của chị Sen trên đường Nguyễn Thế Truyện (Tân Phú).
Năm 2005, sau khi chị Sen sinh đứa con thứ 3 thì anh Quý đột ngột qua đời, để lại 4 mẹ con sống lay lắt trong túp lều tạm bợ. Người phụ nữ ấy vẫn ngày ngày làm thuê làm mướn, sớm hôm vất vả chỉ mong đủ tiền nuôi nấng con thơ.
Hoàn cảnh gia đình trở nên khó khăn hơn từ ngày anh Quý qua đời.
Ngày nọ chị Sen cảm thấy lồng ngực đau nhức dữ dội, vào viện khám thì phát hiện chị đã mắc căn bệnh ung thư vú gian đoạn cuối. Thời gian sống chỉ còn đếm từng ngày, người mẹ đơn thân hoang mang không biết liệu các con mình sẽ đi về đâu.
Với mong muốn các con có một cuộc sống tốt hơn, chị Sen đã viết một lá thư tay và đi đến chùa Từ Tân (quận Tân Phú) gặp sư thầy để thỉnh cầu nguyện vọng được gửi các con lại chùa. Đợi cả buổi, cuối cùng chị cũng gặp được sư thầy để gửi gắm các con.
Lá thư tay mà chị Sen gửi cho sư thầy.
Sau khi các con vào chùa, có cuộc sống tốt hơn, chị Sen một mình ở trong căn lều lụp xụp chống chọi với căn bệnh ung thư. Hằng ngày, hàng xóm và gia đình bên chồng vẫn thường ghé qua giúp chị chế ấm nước, nấu chén thuốc vơi đi sự buồn tủi.
Nhưng rồi sức khoẻ chị Sen ngày một yếu, các con của chị là Thanh Thảo (16 tuổi), Phú Trung (15 tuổi), Thanh Tuyền (13 tuổi) đã xin phép sư thầy được trở về nhà chăm lo cho mẹ. Các em về ở cùng chị Sen được 4 tháng thì chị qua đời, để lại 3 đứa trẻ lạc lõng giữa cuộc đời.
Ba đứa trẻ bơ vơ trong căn nhà không số.
Sư thầy kể lại: "Những ngày trước khi chị Sen qua đời, chị có nhắn nhủ với tôi rằng: Sau khi con chết đi con mong sư thầy giúp con thực hiện ba điều. Điều thứ nhất con mong được nghe tiếng kinh sau khi nằm xuống. Điều thứ hai con mong thầy sẽ chăm sóc cho 3 đứa nhỏ đến khi trưởng thành. Và điều cuối cùng con mong tụi nhỏ có một mái nhà đàng hoàng hơn".
Sư thầy đã đồng ý với 2 điều đầu tiên, còn điều cuối cùng thì sư thầy không dám chắc chắn với chị Sen. Ngày chị nhắm mắt một tay sự thầy đã lo hậu sự cho chị, sau đó thường xuyên lui tới nhà để chăm lo cho ba đứa trẻ. Với sư thầy cuộc gặp gỡ của chị Sen ngày đó là một thiên duyên và đã là duyên thì phải làm cho tròn lời đã hứa.
Sư thầy cố gắng thực hiện những ước nguyện cuối cùng của chị Sen.
Điều khó khăn nhất hiện tại là cả ba đứa trẻ đều không có chứng minh thư nhân dân. Vì lúc sinh thời chị Sen và anh Quý về sống chung với nhau nhưng không đăng ký kết hôn, ngôi nhà không số họ đang ở cũng không hợp pháp vì vậy không có hộ khẩu. Chính vì thế thủ tục làm chứng minh thư nhân dân cho 3 đứa trẻ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
"Có nhiều mạnh thường quân liên hệ giúp đỡ ba đứa trẻ nhưng tôi vẫn nhắn nhủ với họ rằng vật chất bây giờ không quan trọng bằng việc hướng đường đi cho các con. Bởi bây giờ chúng không cha, không mẹ không có người nhắc nhở sẽ dễ đi vào con đường sai trái, dễ bị người xấu dụ dỗ. Chính vì thế tôi vẫn nhờ hàng xóm nhắc nhở các con, tụi nó được ở trong chùa một thời gian nên tính nết cũng ngoan hiền" - sư thầy chia sẻ.
Hiện tại sư thầy đã cho các em đi học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Tân Phú. Ngoài giờ đi học, Thanh Thảo đi học nghề may, Phú Trung đi phụ xe tải để kiếm thêm tiền, còn Thanh Tuyền thì ở nhà lo cơm nước cho anh chị. Mảnh đất mà các em đang ở trong tương lai sẽ bị thu hồi vì đây là đất công.
Khó khăn vẫn còn rất nhiều ở phía trước, ba đứa trẻ sẽ còn trải qua nhiều thử thách hơn. Thế nhưng với sự giúp sức hết mình của sư thầy và rất nhiều tấm lòng tốt, mong rằng các em sẽ mạnh mẽ vượt qua những cám dỗ để trở thành những con người lương thiện, như ước mong của mẹ.