Thủ tướng Anh Boris Johnson tới thăm một phòng thí nghiệm ở Bedford. Ảnh: Getty Images
Theo báo Anh Dailymail, các tình nguyện viên có thể được trả khoản tiền 3.500 bảng Anh (tương đương 106 triệu đồng) nếu chấp thuận tham gia công trình nghiên cứu này.
Trung tâm Sáng chế Queen Mary BioEnterprises có trụ sở tại London đã bắt đầu đăng tin tuyển 24 người tình nguyện tham gia. Những người này sẽ được tiêm hai chủng virus corona yếu hơn, có tên gọi 0C43 và 229E, đều biểu hiện triệu chứng về hệ thống hô hấp tương tự virus SARS-CoV-2.
Trung tâm trên sẽ thử nghiệm một loại thuốc tiêm của công ty Hvivo. Các bệnh nhân sẽ phải cách ly trong hai tuần và sinh hoạt theo chế độ nghiêm ngặt để xem liệu vaccine đó có thành công hay không. Các bệnh nhân không được phép liên lạc với bất kỳ ai. Bác sĩ mặc đồ bảo hộ sẽ kiểm tra sức khỏe bệnh nhân phản ứng với virus hàng ngày.
Hiện tổng cộng có khoảng 35 loại vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận là đang được nghiên cứu để ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng virus SARS-CoV-2 gây ra. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo sẽ không sớm xuất hiện một loại vaccine nào kịp ngăn chặn tình hình dịch bệnh hiện nay, trong bối cảnh hơn 110.000 người trên thế giới đã bị nhiễm COVID-19.
Hvivo không phải là công ty đầu tiên nghĩ ra phương án tuyển người để bị nhiễm virus nhằm nghiên cứu chế tạo vaccine. Theo Tạp chí Phố Wall, các nhà nghiên cứu tại Seattle (Mỹ) cũng bắt đầu tuyển những tình nguyện viên khỏe mạnh để tham gia thử nghiệm lâm sàng cho một loại vaccine của công ty công nghệ sinh học Moderna Therapeutics. Cuộc thử nghiệm dự kiến khởi động vào cuối tháng Tư và mất 14 tháng để hoàn thành. Tuy nhiên, những người tham gia không cần phải cách ly. Kết thúc thử nghiệm, họ sẽ nhận được 1.100 USD (25 triệu đồng).
Các công ty đều khẳng định họ tuyển người tham gia chương trình hoàn toàn dựa trên nguyên tắc tình nguyện.
Tất cả những loại vaccine đưa ra thử nghiệm vẫn đang trong giai đoạn tiền lâm sàng, có nghĩa là nó chưa được nghiên cứu trên con người. Thường phải mất vài năm để phát triển phương pháp chữa trị cho một bệnh vì các loại thuốc mới phải được nghiên cứu toàn diện qua các giai đoạn.
Tính đến thời điểm hiện tại, 115 quốc gia xác nhận có các ca nhiễm COVID-19. Trong 24 giờ qua, 8 vùng lãnh thổ mới đưa tin có người nhiễm COVID-19 là Bulgaria, Costa Rica, Quần đảo Faroe, French Guiana, Maldives, Malta, Martinique, và Cộng hòa Moldova.
Ngày 10/3, giới chức y tế Anh xác nhận số ca mắc COVID-19 tại quốc gia lên tới 321 trường hợp. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp ngày 9/3 để thảo luận về các phương án đối phó bệnh dịch. Chính phủ Anh cam kết chi thêm 46 triệu bảng Anh cho cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2. Anh cũng được cho là chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xảy ra 100.000 ca tử vong vì COVID-19.
Trong tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp, giới chức y tế Anh còn phải đối mặt với nhiều chỉ trích khi xuất hiện những người đi từ vùng dịch Italy – hiện có hơn 7.000 ca nhiễm – khẳng định họ có thể nhập cảnh vào Anh mà không gặp khó khăn gì.
Trước đó, hành khách trên các chuyến bay từ các quốc gia như Trung Quốc, Malaysia đều phải bị kiểm tra qua các biện pháp giám sát tăng cường.
Cơ quan Y tế công cộng England cho biết từ ngày 4/3, các biện pháp giám sát tăng cường chỉ được áp dụng cho các chuyến bay từ miền Bắc Italy – vùng tâm dịch, và không mở rộng cho các chuyến bay bay từ miền Nam Italy. Điều này có nghĩa là vẫn có người từ Italy vào Anh có thể mang theo virus mà không bị phát hiện.