Hôn nhân là hành trình không dễ dàng, nhất là khi những đồng tiền tiết kiệm được đều đến từ sự chắt bóp, hy sinh của cả hai vợ chồng. Câu chuyện dưới đây là lời cảnh tỉnh đau đớn cho bất kỳ ai đang nghĩ rằng "giúp bạn lúc hoạn nạn" là điều nên làm… mà chưa có biện pháp bảo vệ bản thân.
Mới đây, một người vợ trẻ chia sẻ trên mạng xã hội: "Các chị ơi, em khóc hết nước mắt luôn rồi. Vợ chồng em dành dụm được 350 triệu, định để chuẩn bị có em bé. Một người bạn thân của chồng mượn để đáo hạn ngân hàng. Tin tưởng là bạn bè lâu năm nên không giấy tờ gì, cứ thế đưa tiền.
Giờ bạn ôm tiền bỏ trốn rồi. Hôm qua chồng em tới nhà tìm thì mới biết đó là nhà thuê, người này đã dọn đi từ tuần trước. Ngoài tụi em, bạn ấy còn nợ nhiều người khác nữa, tổng cộng gần 2 tỷ. Em rối quá. Hai đứa chưa có nhà, vào Sài Gòn lập nghiệp. Chồng chạy xe ngày 10-12 tiếng, em làm văn phòng. Ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu, vậy mà giờ trắng tay. Mấy nay đi làm mà em như người mất hồn."
Ảnh minh hoạ
Dòng tâm sự ngắn ngủi, nhưng phía sau là cả một bi kịch. Càng đau hơn khi biết, đó là khoản tiết kiệm đầu tiên sau nhiều năm đi làm của cặp vợ chồng, không dám ăn dám tiêu mà giờ đây lại trở về cảnh tay trắng.
Nhiều người đọc xong không khỏi xót xa trước hoàn cảnh mà gia đình này gặp phải:
"Thôi cố lên bạn ạ. Còn người còn của. Coi như vận hạn vậy" , một người khuyên nhủ.
"Ôm bạn 1 cái. Mình cũng tin tưởng cho vay 8 chỉ vàng cưới cơ. Tiếc lắm nhưng không biết làm thế nào. Đành hi vọng 1 ngày nào đó nó có sẽ trả mình", người khác chia sẻ câu chuyện của mình.
"Không sao bạn. Sau này nó kiếm lại được nó sẽ trả. Nghĩ lạc quan lên bạn (tôi cũng có thằng bạn như vậy, vay 80 triệu rồi mấy tích. 5 năm sau nó chủ động liên lạc lại trả cả gốc lẫn lãi)", một cư dân mạng nhắn nhủ.
"Mình cũng từng mất số tiền rất lớn nên hiểu. Ôm bạn 1 cái. Mình ăn không dám ăn nó ôm tiền đi cay lắm", một người bộc bạch.
Khi bạn cho người thân quen vay tiền mà không giấy tờ, không đảm bảo, bạn đang bước vào một trò chơi rủi ro cao mà phần thua gần như chắc chắn thuộc về bạn. Vậy làm sao để vừa giữ được tình cảm, vừa không biến mình thành "con mồi"?
Dù có thân đến đâu, khoản tiền bạn mang ra cho vay không nên vượt quá 30% số tiền bạn đang sở hữu. Đây là giới hạn an toàn, để nếu lỡ có mất, bạn vẫn còn đường lui.
Ví dụ, bạn có 500 triệu, chỉ nên cho vay tối đa 150 triệu. Còn nếu bạn chỉ có đúng 350 triệu như cặp vợ chồng trên, thì tốt nhất không nên đưa đi toàn bộ, bởi khi mất, đó là cú sốc quá lớn khiến bạn gục ngã tài chính lẫn tinh thần.
Ảnh minh hoạ
Đừng ngại làm hợp đồng vay mượn, dù đối phương là anh em, bạn bè lâu năm. Một tờ giấy trắng mực đen là ranh giới giữa "tình nghĩa" và "lợi dụng".
Nếu số tiền lớn, bạn hoàn toàn có thể ra phòng công chứng để ký giấy vay nợ. Nếu đối phương không chấp nhận điều đó, thì bạn càng nên cẩn trọng, bởi họ không có thiện chí trả ngay từ đầu.
Đây là chiêu thường thấy trong các vụ vỡ nợ dây chuyền. Khi ai đó cần gấp tiền để đáo hạn ngân hàng, đó là dấu hiệu tài chính của họ đang rất bất ổn. Việc bạn đưa tiền chẳng khác nào tự nguyện bước vào vùng nguy hiểm.
Trừ khi bạn là người trong nghề, có thể kiểm tra sổ vay, tài sản thế chấp, và có kinh nghiệm, thì tuyệt đối không nên hỗ trợ kiểu "cứu cháy" này.
"Anh em lâu năm", "Bạn bè thuở hàn vi", "Giúp anh lần này là anh không bao giờ quên" - đó là những lời thoại quen thuộc trước khi một người biến mất cùng số tiền bạn cho mượn.
Tình cảm là thứ quý giá, nhưng đừng biến nó thành cái cớ để người khác trục lợi. Tình nghĩa không nằm ở việc đưa tiền, mà ở sự minh bạch, tôn trọng lẫn nhau.