Ấn Độ xác nhận 3 ca tử vong vì biến thể Delta Plus đầu tiên

Chuyển động 24h, Theo VTV 14:55 26/06/2021

Giới chức y tế tại Ấn Độ đã xác nhận một bệnh nhân 80 tuổi ở bang Maharashtra là người đầu tiên ở nước này tử vong vì biến thể mới Delta Plus.

Bên cạnh đó, 2 ca tử vong khác do biến thể Delta Plus cũng đã được xác nhận tại bang Madhya Pradesh và đây đều là các trường hợp chưa tiêm vaccine COVID-19.

Hiện đã có hơn 50 ca nhiễm biến thể Delta Plus trên khắp Ấn Độ và con số này đang tăng lên. Giới chức y tế Ấn Độ khuyến cáo, các địa phương cần tăng cường xét nghiệm, ngay cả với những người đã được tiêm vaccine COVID-19.

Ấn Độ xác nhận 3 ca tử vong vì biến thể Delta Plus đầu tiên - Ảnh 1.

Không chỉ nâng cao cảnh giác với các ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2, hệ thống y tế Ấn Độ cũng ghi nhận hàng chục nghìn bệnh nhân COVID-19 vừa được điều trị khỏi lại nhiễm nấm đen. Tuy không phải là bệnh truyền nhiễm nhưng bệnh nấm đen có tỷ lệ tử vong cao và có thể gây mù mắt.

Bác sĩ Brajpal Singh Tyahi, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Harsh Ent ở Ghaziabad, vùng lân cận thủ đô New Delhi của Ấn Độ, cho biết, ông đang điều trị hơn 40 trường hợp nhiễm nấm đen: "Hầu hết các bệnh nhân nhiễm nấm sau khi được điều trị khỏi COVID-19 và họ đều là bệnh nhân tiểu đường, tiểu đường nặng, tiểu đường không kiểm soát được. Hệ miễn dịch của những bệnh nhân này rất kém. Loại nấm này là một bệnh nhiễm trùng cơ hội, nên các trường hợp nhiễm nấm hầu hết là do khả năng miễn dịch thấp".

Bệnh nhiễm trùng nấm đen có nguy cơ tử vong lên tới 50% và thường có các triệu chứng như nghẹt mũi và chảy máu mũi, sưng và đau mắt, sụp mí mắt, mắt mờ và cuối cùng là mất thị lực, thậm chí tử vong. Bệnh nhân thường mắc bệnh này từ 12 - 15 ngày sau khi khỏi COVID-19. Điều đáng lo ngại là các bệnh nhân nhiễm nấm đen chỉ đến khám khi họ đã mất thị lực, nên phải phẫu thuật bỏ mắt để ngăn nhiễm trùng lên não. Một số bệnh nhân còn phải bỏ cả hai mắt, thậm chí mũi và xương hàm để ngăn chặn nấm lây lan ra các khu vực khác trong cơ thể.

Theo các chuyên gia, bệnh nhiễm nấm này bắt nguồn từ việc lạm dụng kháng sinh và Steroid, vốn là những loại thuốc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng. Steroid gây rủi ro làm suy giảm khả năng miễn dịch và khiến bệnh nhân dễ nhiễm mầm bệnh nấm đen.