Ấn Độ: Sinh con gái, người phụ nữ bị gia đình chồng dùng gậy đánh cho thừa sống thiếu chết

Trang Đỗ, Theo Thời Đại 09:48 17/07/2017

Đoạn video quay lại cảnh tượng người phụ nữ Ấn Độ bị các thành viên trong gia đình nhà chồng dùng gậy đánh liên tiếp vào người. Nguyên nhân của vụ việc là do cô... sinh con gái đồng thời giữa cô và gia đình nhà chồng đang xảy ra tranh cãi số tiền hồi môn lên tới 8.300 bảng Anh (250 triệu đồng).

Đoạn video được chụp lại từ trên tầng cao của tòa nhà gần nơi xảy ra vụ việc cho thấy người phụ nữ đáng thương đang gào khóc khi phải hứng chịu những cú đánh liên tiếp từ phía 2 người đàn ông, 1 là anh chồng và 1 là bạn của gã đàn ông này.

Nạn nhân, được xác định là cô Meena Kashyap (35 tuổi) đến từ Patiala, Punjab. Sự việc xảy ra vào tuần trước sau khi gia đình nhà chồng phát hiện cô đã tố cáo việc mình bị đánh đập với chính quyền vào tháng Tư.

Theo báo cáo, do sinh con gái nên sau khi lâm bồn, cô thường xuyên phải hứng chịu các trận đòn roi đau đớn từ các thành viên trong gia đình chồng. Ngoài ra, giữa cô và gia đình chồng cũng đang xảy ra tranh cãi vì số tiền hồi môn lên tới hơn 700.000 rupees (8.300 bảng Anh), số tiền mà cha mẹ cô dâu phải đưa cho gia đình thông gia vào lễ cưới.

Ấn Độ: Sinh con gái, người phụ nữ bị gia đình chồng dùng gậy đánh cho thừa sống thiếu chết - Ảnh 2.

Hai người đàn ông dùng gậy liên tục phang vào người phụ nữ.

Tại Ấn Độ, khi con gái đi lấy chồng, cha mẹ phải chuẩn bị của hồi môn để đưa cho con đem theo về nhà chồng. Nó cũng thể hiện tình yêu của các bậc cha mẹ đối với con cái. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, do lòng tham của con người mà nhiều gia đình nhà trai đã lợi dụng và coi đó là "nguồn thu nhập chính", tạo ra gánh nặng đè lên vai các gia đình có con gái.

Trong trường hợp không mang đủ số tiền hồi môn theo yêu cầu, các cô gái sẽ phải sống trong sự khinh bỉ và bạo hành của gia đình chồng. Và khi không thể chịu đựng nổi, các cô dâu buộc phải tìm đến cái chết để giải thoát bản thân khỏi tình cảnh "sống không bằng chết". 

Cục Báo cáo Tội phạm Quốc gia Ấn Độ ước tính, hàng năm, 8.000 người đã thiệt mạng vì tục lệ trao của hồi môn này.