Vào ngày 28/3/2023, trường Cao đẳng dành cho nữ sinh Indraprastha thuộc Đại học Delhi, Ấn Độ đã tổ chức một lễ hội lớn. Tại đây có thức ăn, có âm nhạc và đủ các loại trò chơi. Vào tầm 3 giờ chiều, khuôn viên trường chật cứng sinh viên nữ.
Cổng trường đã đóng, tuy nhiên bên ngoài là hàng ngàn người khác cũng đang tụ tập. Hầu hết là đàn ông.
Và mục đích của những gã đàn ông này là tấn công tình dục nhóm nữ sinh!
“Nhiều người phụ nữ đã bị sàm sỡ”, Singh cho biết. Mọi thứ dần căng thẳng và nghẹt thở hơn khi những người đàn ông bên ngoài bắt đầu trèo qua tường, tiến vào khuôn viên trường, khiến đám đông bên trong sợ hãi và hỗn loạn.
Họ quấy rối phụ nữ bằng lời nói, động chạm cơ thể và thậm chí nhổ nước bọt vào các tình nguyện viên vì đã nhốt họ bên ngoài. Theo lời Singh kể thì nhiều người trong số đó còn đang trong tình trạng say xỉn, thiếu tỉnh táo.
Những gã đàn ông trèo tường vào trường
Ban giám hiệu phải nhanh chóng giải cứu nữ sinh bằng cách đưa họ vào ký túc xá rồi khóa cửa lại. “Rất kinh khủng. Chúng em bị nhốt trong phòng ký túc xá. Chỉ có nơi này mới an toàn. Mấy gã đàn ông thì lang thang tự do bên ngoài khuôn viên”, Singh tường thuật lại giây phút kinh hoàng.
Vụ việc đã gây ra một làn sóng phẫn nộ lớn, khiến toàn bộ sinh viên từ khắp các trường Đại học Delhi phải đứng lên biểu tình. Sinh viên yêu cầu trách nhiệm giải trình và đảm bảo an ninh từ chính quyền, bởi tình trạng lạm dụng phụ nữ đã diễn ra quá lâu dài trong khuôn viên trường. Đáng tiếc là những lời kêu gọi này đều không nhận được lời hồi đáp thỏa đáng.
Một nghiên cứu vào năm 2018 do Hội sinh viên quốc gia Ấn Độ thực hiện cho thấy cứ bốn phụ nữ theo học tại các trường thuộc Đại học Delhi thì có một người từng đối diện với hành vi quấy rối tình dục (gồm sờ soạng, bình luận thô tục, cử chỉ tục tĩu và nhìn chằm chằm).
Vụ việc đã gây ra một làn sóng phẫn nộ lớn, khiến toàn bộ sinh viên từ khắp các trường Đại học Delhi phải đứng lên biểu tình.
Ở Ấn Độ, Delhi là thành phố ít an toàn nhất dành cho phụ nữ. Một cuộc khảo sát của UN Women cho thấy 95% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy không an toàn ở những nơi công cộng tại Delhi, trong khi báo cáo năm 2022 của Ngân hàng Thế giới chỉ ra 88% phụ nữ ở Delhi bị quấy rối tình dục nơi công cộng. “Delhi không phải là thân thiện với phụ nữ”, Singh nói.
Nhưng vì sao sinh viên nữ lại là đối tượng “tiềm năng” trong mắt nhiều kẻ quấy rối. Nilabja, một sinh viên khác của trường Indraprastha, nhận định rằng nhiều gã đàn ông có một kiểu “ám ảnh đặc biệt” với các nữ sinh. Cô miêu tả kỹ hơn: “Khi đàn ông xâm phạm vào không gian an toàn dành riêng cho phụ nữ, họ cảm giác đó như một thành tựu”. Cô cũng kể thêm, tuần trước, khi tình huống này diễn ra, một người đàn ông đã bị yêu cầu rời đi, nhưng hắn cương quyết từ chối và không ngại thừa nhận hắn đến đây để được nhìn ngắm phụ nữ.
Sau sự việc, nhà trường đã nộp đơn khiếu nại chính thức cho cảnh sát, nêu rõ các cáo buộc về xâm phạm và quấy rối sinh viên nữ. Trường thành lập một ủy ban để xem xét vụ việc. “Ủy ban cũng sẽ phân tích những sai sót đã xảy ra trong quá trình tổ chức lễ hội và sẽ đề xuất các biện pháp phòng ngừa nhằm đảm bảo sự cố đáng tiếc tương tự không lặp lại trong tương lai”, đại diện trường cho biết.
Nhưng dường như nhà trường vẫn chưa có biện pháp đủ cứng rắn, bởi sau đó một sinh viên giấu tên đã gọi tuyên bố của trường là một trò đùa và cáo buộc giám hiệu trường đã coi nhẹ sự việc. Cô gái trích lại lời nói phân biệt giới tính của một giáo sư “Cần phải loại bỏ các sinh viên nữ thì đàn ông mới biến mất”, hoặc thái độ hiển nhiên của một giáo viên khi nói “Lễ hội nào cũng xảy ra hiện tượng này mà”.
Bảy người đàn ông đã bị bắt vì xâm phạm trường Indraprastha. Ủy ban Phụ nữ Delhi, một cơ quan chính phủ được giao nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ trong thành phố, đã thông báo với cảnh sát và yêu cầu hiệu trưởng nhà trường hành động. Swati Maliwal, Trưởng ban Phụ nữ Delhi, nhấn mạnh trong một tuyên bố rằng vụ việc như thế này không phải là cá biệt.
Vào tháng 10/2022, Miranda House, một trường đại học dành cho nữ sinh khác thuộc Đại học Delhi, cũng bị những gã đàn ông hiểm ác tấn công. Câu chuyện diễn ra không khác gì trường Indraprastha: Lễ hội do trường tổ chức, kẻ quấy rối trèo tường vào và tấn công sinh viên.
Kinh khủng không kém là vào năm 2018, hai trường học dành cho nữ sinh là Cao đẳng Lady Shri Ram (LSR) thuộc Đại học Delhi và Đại học Jesus và Mary đã bị tấn công bởi bóng bay… chứa đầy tinh dịch. Khi đó, các sinh viên đang tổ chức lễ Holi, lễ hội màu sắc của người Hindu. Không khí vui tươi trong thoáng chốc biến thành địa ngục khi hàng loạt những quả bóng bay chứa tinh dịch bị ném vào khuôn viên trường hoặc ném trực tiếp vào sinh viên.
Hai trường học dành cho nữ sinh đã bị tấn công bởi bóng bay chứa đầy tinh dịch
Về vụ việc của trường Indraprastha, đây không phải lần đầu trường bị tấn công. Một trường hợp tương tự đã diễn ra vào năm 2007, một nhóm nam giới (bao gồm cả những sinh viên chuẩn bị làm bài kiểm tra để học ngành cảnh sát) đã xâm phạm và lạm dụng tình dục sinh viên nữ. Không ai ngờ rằng sau 16 năm, lịch sử tiếp tục lặp lại.
Thái độ coi thường phụ nữ không phải lúc nào cũng diễn ra bên trong khuôn viên trường. Chính những cá nhân thuộc Đại học Delhi cũng có tư tưởng không đứng đắn về nữ giới. Ví dụ như ở trường Cao đẳng Hindu, các nam sinh truyền bá “nghi thức mất trinh”, theo đó họ “tuyên thệ” trước một cái cây là sẽ “mất trinh” trong vòng 6 tháng, nghe thì có vẻ vô hại nhưng điều này đã khuyến khích họ nảy sinh mong muốn tiếp cận với phụ nữ bằng mọi giá. Còn như ở trường Cao đẳng Thánh Stephens, các nam sinh không ngại “tuyên thệ” sẽ giữ tư tưởng coi thường phụ nữ (mysogyny), tuy nhiên “truyền thống” độc hại này đã chấm dứt vào năm 2019.
Ngay cả khi người ta ban hành chính sách bảo vệ phụ nữ thì chính sách này vẫn có thể xuất hiện các quy tắc phân biệt giới. Ví dụ như lệnh giờ giới nghiêm dành cho sinh viên nữ tại các trường thuộc Delhi. Năm 2018, tập thể sinh viên đã phản đối lệnh cấm vô lý trên.
Nilabja, sinh viên trường Cao đẳng Indraprastha bày tỏ: “Các phong trào biểu tình nổ ra nhằm đối đầu với tư tưởng coi thường phụ nữ vốn đã ăn sâu bén rễ, một số người thì bảo ‘tình trạng này vẫn diễn ra suốt ấy mà’, một số khác thì muốn cấm đàn ông khỏi khuôn viên trường. Nhưng đó không phải điều chúng tôi thực sự muốn. Phụ nữ phải được hòa nhập với xã hội một cách bình thường, chứ không phải là các lệnh hạn chế”.
“Phong trào không chỉ dừng ở phạm vi của trường Indraprastha, mà còn hướng đến việc đẩy lùi văn hóa coi thường phụ nữ ở đất nước này”, Nilabja nói thêm.