Ăn bao nhiêu đồ ăn nhanh mỗi ngày sẽ gây bệnh gan nhiễm mỡ?

TT, Theo Tổ quốc 19:00 17/01/2023
Chia sẻ

Chất béo chuyển hóa có trong thức ăn nhanh có thể gây ra nhiều chất béo tích tụ trong gan của bạn.

Có thể nói, mặc dù tiện lợi nhưng thức ăn nhanh có rất nhiều tác dụng phụ tiêu cực, thậm chí tàn phá sức khỏe của bạn nếu tiêu thụ thường xuyên. Về ngắn hạn, thực phẩm này được biết là có thể gây tăng đột biến lượng đường trong máu, tăng huyết áp và góp phần dẫn đến ăn uống vô độ. Về lâu dài, việc tiêu thụ thức ăn nhanh liên tục có thể dẫn đến tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim và tiểu đường loại 2.

Và gần đây, các nhà nghiên cứu còn cho biết rằng loại thực phẩm này cũng có thể góp phần gây ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD).

Ăn bao nhiêu đồ ăn nhanh mỗi ngày sẽ gây bệnh gan nhiễm mỡ? - Ảnh 1.

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Clinical Gastroenterology and Hepatology đã phát hiện ra mối liên hệ giữa thức ăn nhanh và NAFLD, đặc biệt ở những người béo phì hoặc tiểu đường. Đối với những người tham gia mắc bệnh béo phì hoặc tiểu đường, mức độ mỡ trong gan của họ tăng lên đáng kể nếu 1/5 chế độ ăn hàng ngày của họ có đồ ăn nhanh. Đối với những người không mắc các bệnh này, tiêu thụ cùng một lượng thức ăn nhanh như vậy mỗi ngày khiến lượng chất béo trong gan của họ tăng lên ở một lượng vừa phải.

Nói cách khác, nếu thức ăn nhanh chiếm ít nhất 20% khẩu phần ăn hàng ngày của bạn, nó có thể dẫn đến sự tích tụ chất béo ở mức độ trung bình đến nghiêm trọng trong gan. Theo tác giả chính của nghiên cứu Ani Kardashian, những phát hiện này rất quan trọng vì đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối liên hệ cụ thể giữa thức ăn nhanh và bệnh gan nhiễm mỡ.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập thông tin từ Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia 2017-2018 tại Hoa Kỳ. Trong đó họ đặc biệt thu thập bảng câu hỏi của 4.000 người tham gia, bao gồm các phép đo gan nhiễm mỡ của họ. Sau đó, họ lấy những người này và so sánh sức khỏe gan của những người này với mức tiêu thụ thức ăn nhanh thường xuyên của họ.

Ăn bao nhiêu đồ ăn nhanh mỗi ngày sẽ gây bệnh gan nhiễm mỡ? - Ảnh 2.

Sau khi nghiên cứu 4.000 người tham gia, các tác giả nhận thấy rằng 52% thỉnh thoảng tiêu thụ ít nhất một số đồ ăn nhanh và 29% trong số đó tiêu thụ thức ăn nhanh nhiều hơn 20% lượng calo hàng ngày. Thật thú vị, những người tiêu thụ thức ăn nhanh chiếm ít nhất 20% lượng calo mỗi ngày là những người tham gia khảo sát duy nhất thấy mỡ gan tăng lên.

Theo Mayo Clinic, quá nhiều chất béo được lưu trữ trong gan của bạn có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, một thuật ngữ áp dụng cho vô số bệnh về gan. Đây là dạng bệnh gan mãn tính phổ biến nhất xảy ra ở Hoa Kỳ.

Nhưng chính xác thức ăn nhanh dẫn đến mỡ thừa trong gan như thế nào?

Câu trả lời nằm ở chất béo chuyển hóa. Theo một báo cáo được công bố trên tạp chí Nutrition & Diabetes (Dinh dưỡng & Bệnh tiểu đường), axit béo chuyển hóa góp phần làm tăng lượng chất béo được lưu trữ trong gan. Loại chất béo này có trong bơ thực vật, nhiều loại pizza đông lạnh, đồ nướng đã qua chế biến và thức ăn nhanh. Nó thường được gọi là "dầu hydro hóa một phần".

Ăn bao nhiêu đồ ăn nhanh mỗi ngày sẽ gây bệnh gan nhiễm mỡ? - Ảnh 4.

Khi nói đến khả năng tích tụ chất béo trong gan của bạn, điều quan trọng là phải nhận ra rằng loại chất béo bạn tiêu thụ tạo ra sự khác biệt. Như Amanda Lane, người sáng lập Healthful Lane Nutrition, đã từng nói với Eat This, Not That! trong một báo cáo trước đây về Thói quen ăn uống tốt nhất số 1 để giảm mỡ trong gan thì "Không phải tất cả các chất béo đều được tạo ra như nhau".

Trên thực tế, một nghiên cứu ngẫu nhiên có kiểm soát khác được trình bày tại Đại hội Gan Quốc tế năm 2022 ở London và được Medscape biên tập đã phát hiện ra rằng chế độ ăn ít carb cũng chứa nhiều chất béo lành mạnh thực sự có thể giúp giảm mỡ gan. Tuy nhiên, điều này dựa trên chất béo lành mạnh, chẳng hạn như chất béo có trong các loại hạt, cá hồi, bơ hoặc dầu ô liu - không phải chất béo chuyển hóa có trong thức ăn nhanh. Nghiên cứu khác, bao gồm nghiên cứu Chất dinh dưỡng đánh giá tác động của những thay đổi dinh dưỡng đối với NAFLD dựa trên loại chất dinh dưỡng, cũng nhấn mạnh mối tương quan giữa tiêu thụ chất béo chuyển hóa và khả năng phát triển NAFLD.

Amanda Lane cho biết: "Chất béo đã qua chế biến cao như chất béo chuyển hóa hoặc thậm chí chất béo bão hòa không tốt cho cơ thể như chất béo không bão hòa".

Ăn bao nhiêu đồ ăn nhanh mỗi ngày sẽ gây bệnh gan nhiễm mỡ? - Ảnh 5.

Tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với những người thích ăn đồ ăn nhanh?

Mặc dù những phát hiện này có thể khiến bạn cảm thấy choáng ngợp về những nguy cơ tiềm ẩn khi ăn loại thực phẩm này, nhưng phần lớn nó phụ thuộc vào số lượng tiêu thụ của bạn. Thức ăn nhanh rất tiện lợi và giá cả phải chăng nên nhiều người khó có thể loại bỏ nó hoàn toàn khỏi chế độ ăn uống của mình. Tuy nhiên, ăn điều độ mới là chìa khóa.

Trong số các thành viên tham gia nghiên cứu, những ai chỉ thỉnh thoảng ăn thức ăn nhanh không nhận thấy tác động đối với chất béo trong gan của họ. Trong khi những người ăn thức ăn nhanh thường xuyên lại thấy mỡ gan tăng lên, điều này cuối cùng làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không liên quan đến rượu.

Để chăm sóc gan của bạn và ngăn ngừa sự tích tụ quá nhiều chất béo, hãy cố gắng hạn chế tiêu thụ thức ăn nhanh ở mức thỉnh thoảng, không thường xuyên và tập trung vào việc duy trì chế độ ăn uống cân bằng mọi lúc có thể.

Theo Eat This, Not That!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày