Thành công của đài HBO với Game of Thrones đã khuyến khích nhiều kênh truyền hình khác phát triển các series truyền hình giả tưởng hoành tráng tương tự. Đó rất có thể cũng là động lực để Amazon thúc đẩy dự án đưa Lord of the Rings lên màn ảnh nhỏ.
Bộ ba (trilogy) Chúa Nhẫn từng làm mưa làm gió màn bạc ra mắt trong ba năm từ 2001 đến 2003, nay sẽ có cơ hội sống lại trên kênh truyền hình với diện mạo mới.
Bộ ba Chúa Nhẫn đem về 17 giải Oscar trong tổng số 30 đề cử từng được Viện Hàn Lâm trao.
Kinh phí của ba phần phim Chúa Nhẫn là 281 triệu đô, trong khi trilogy của Hobbit được ra đời sau này lên tới 623 triệu, tức là một tập của The Hobbit cũng đã ngang ngửa tiền làm ba phần phim đầu. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi Amazon phải đầu tư cả núi tiền nếu muốn series truyền hình của thương hiệu này "ra ngô ra khoai".
Tờ Reuters cho biết ngoài việc chi ra 250 triệu đô cho tiền bản quyền, kênh truyền hình đã phải lên kế hoạch phát triển hai mùa phim hoặc nhiều hơn với hầu bao độn lên tới 500 triệu đô. Số tiền này cao gấp đôi kinh phí mà Amazon chi ra cho hai mùa đầu của The Man in the High Castle (Thế Giới Khác) - một series khá thành công khi khai thác câu chuyện về nước Mỹ sau khi Hitler nắm quyền.
"The Man in the High Castle" (Thế Giới Khác) lên sóng từ tháng 11 năm 2015 được giới chuyên môn đánh giá cao
Số tiền đầu tư này cũng "khủng" hơn cả Game of Thrones khi tính trung bình mỗi tập của Trò Chơi Vương Quyền tốn của HBO 15 triệu đô. Amazon và Netflix hiện nay đang nổi lên như một thế lực của dịch vụ trực tuyến (streaming) không chỉ cạnh tranh với các nhà đài truyền thống mà còn đe doạ cả các studio điện ảnh bởi tiềm lực mạnh mẽ và việc không ngừng nâng cao chất lượng cho mỗi tập phim truyền hình của mình.
Tương tự hiệu ứng mà Jaws hay Star Wars vào những năm 70 đem lại cho màn ảnh rộng, Game of Thrones đã khơi mào một cuộc đua trên màn ảnh nhỏ để xem phim của ai hoành tráng hơn, bạc tiền hơn. Và thế là kỷ nguyên của phim truyền hình bom tấn bắt đầu như thế đấy.
(Nguồn: Reuters)