Ấm lòng cụ bà bệnh tật được đôi vợ chồng nghèo nhận về cưu mang, chăm sóc như mẹ ruột ở Sài Gòn

Văn Tiên - Anh Vũ, Theo Báo dân sinh 07:06 03/10/2020

"Bà có đứa con gái nhưng mà bị bệnh nên đi làm chỉ đủ lo cho bản thân. Lúc trước nó cũng tới lui thăm bà, còn giờ thì không thấy nữa, may ở đây mọi người thương tình giúp đỡ, chứ không bà đã chết rồi", bà Út bắt đầu câu chuyện bằng cái giọng nghèn nghẹn, chua xót.

Người ta thường bảo, người già sẽ được sống hạnh phúc, sum vầy bên con cháu. Nhưng đâu đó trong cuộc đời này, vẫn còn có những cụ già không gia đình, con cái, hàng ngày vẫn lầm lũi trong sự cô độc, đói nghèo. Và nếu không có tình thương, sự cưu mang của những người xa lạ, có lẽ cụ bà dưới đây đã chẳng có một mái nhà để nương náu hay một bữa cơm để sống tiếp trên đời...

Quán nước ven đường Nguyễn Văn Linh (đoạn qua quốc lộ 50) là nơi cô Lợi cùng bà Út sinh sống

Một ngày đầu tháng 10, chúng tôi tìm đến xóm trọ nằm ở địa chỉ B3/5, đường Nguyễn Văn Linh (thuộc ấp 2, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) để thăm hoàn cảnh bà Bùi Thị Út (81 tuổi). Mấy tháng qua, bà Út trở thành một thành viên không thể thiếu trong xóm trọ nghèo, được vợ chồng cô Nguyễn Thị Lợi (56 tuổi) nhận về chăm sóc, lo cơm nước sau khi biết được hoàn cảnh éo le của bà Út.

Ấm lòng cụ bà bệnh tật được đôi vợ chồng nghèo nhận về cưu mang, chăm sóc như mẹ ruột ở Sài Gòn - Ảnh 2.

Thấy bà Út một mình không con cái, cô Lợi động lòng thương cưu mang bà dù hoàn cảnh gia đình cô chẳng khá giả gì

Vì thương bà như chính mẹ ruột của mình

Sinh ra ở mảnh đất nghèo Giồng Trôm, Bến Tre, sau khi bố mẹ mất đi, không còn người thân thích, một mình bà Út trôi dạt lên Sài Gòn để tìm kế sinh nhai. Thế rồi bà Út cũng có gia đình, 2 vợ chồng sinh được một người con gái, cùng nhau làm lụng để lo cơm ngày 3 bữa. Đến khi chồng bà Út bị bệnh mất đi, bà sống với người con gái một thời gian thì người con cũng bị bệnh, sau đó bỏ đi làm ăn xa rồi biền biệt chẳng quay về thăm.

Mấy năm nay, một mình bà Út sống cô quạnh trong căn phòng trọ cũ, ngày ngày đi phụ việc, sống lay lắt qua ngày. Do sức khỏe ngày một yếu đi, không thể làm lụng như trước, bà Út đành phải nhờ vào tình thương của mọi người.

Căn phòng trọ nhỏ trong xóm trọ được mọi người góp tiền thuê để cho bà Út có chỗ sinh sống

"Bà có đứa con gái nhưng nó bỏ đi lâu lắm rồi, nó bị bệnh á, lúc trước cũng có lui tới thăm bà, giờ không đến nữa", bà Út nghẹn lời.

Cuộc đời bất hạnh của bà Út tưởng chừng rơi vào ngõ cụt khi ốm đau, bệnh tật chẳng có lấy một người thân để chăm sóc. May mắn thay, biết được hoàn cảnh của cụ bà, vợ chồng cô Lợi mới đưa bà về xóm trọ để tiện bề chăm sóc, cả xóm hùn tiền thuê cho bà Út một phòng trọ nhỏ, riêng việc cơm nước, săn sóc mỗi ngày, cô Lợi nhận lấy làm trách nhiệm của mình.

Ấm lòng cụ bà bệnh tật được đôi vợ chồng nghèo nhận về cưu mang, chăm sóc như mẹ ruột ở Sài Gòn - Ảnh 4.

Cô Lợi chia sẻ về cơ duyên gặp bà Út đến quyết định nhận bà về để săn sóc

Ngồi trước quầy nước nhỏ xíu ven đường Nguyễn Văn Linh, cô Lợi cho biết khoảng 3 tháng trước tình cờ biết được hoàn cảnh của bà Út. Nghĩ thương bà già cả, đi đứng khó khăn, lại không gia đình, con cái ở bên nên tội nghiệp mới đưa bà về xóm trọ nghèo để tiện bề chăm sóc.

"Bà về đây cũng được mấy tháng rồi, nghĩ mà tội, con cái không có ai ở bên cả", cô Lợi bắt đầu câu chuyện bằng giọng trầm buồn.

Việc chăm sóc một bà cụ bệnh tật rất vất vả nhưng cô Lợi chưa bao giờ than trách một lời nào

Từ Bến Tre lên Sài Gòn lập nghiệp hơn 10 năm, chồng thì đi làm thuê cuốc mướn, còn cô Lợi nương nhờ cái quán nước bé xíu ven đường để lo cho cả gia đình cơm ngày 3 bữa. Vài tháng trước, cứ độ vài hôm cô Lợi lại thấy một bà cụ già yếu hay ghé đón xe buýt trước cửa hàng nước. Khi đến bắt chuyện, cô Lợi mới biết bà cụ chỉ còn một mình, không người thân thích, bà bắt xe buýt để đi lấy thuốc uống cầm cự chứng bệnh tim, xương khớp của mình.

Mỗi ngày cô Lợi đều qua phòng trọ để lo cơm nước, thuốc men cho bà Út

"Bà bị bệnh nhiều lắm nên tuần nào cũng phải đi lấy thuốc ở bệnh viện. Thấy bà đi lấy thuốc xa quá lại không có con cháu gì nên thương, 2 vợ chồng cô mới bàn bạc rồi quyết định bảo bà qua đây ở, về đây cô giúp được gì thì giúp", cô Lợi tâm sự.

Xúc động trước lời đề nghị của cô Lợi, bà Út dù rất muốn chuyển qua sống cùng với vợ chồng cô Lợi nhưng lại sợ không đủ tiền trả phòng trọ. Thấy vậy, người dân trong xóm trọ nghèo mới cùng nhau gom góp tiền để thuê cho cụ bà một căn phòng sạch sẽ sát nhà cô Lợi, riêng việc chăm sóc, cơm nước thì "để đó vợ chồng cô lo".

Ấm lòng cụ bà bệnh tật được đôi vợ chồng nghèo nhận về cưu mang, chăm sóc như mẹ ruột ở Sài Gòn - Ảnh 7.

Nụ cười hiền hậu của cô Lợi vì đã giúp đỡ bà Út có chỗ nương tựa lúc cuối đời

Hiện tại, cô Lợi đang sống cùng chồng, con và đứa cháu nội, dẫu vất vả nhưng cô luôn cảm thấy vui vì xem bà Út như mẹ ruột của mình

"Bà lớn tuổi với bệnh nhiều nên cũng không còn làm lụng được nữa. Tiền trọ thì người này người kia cho chứ cô cũng không đủ khả năng trả cho bà. Trọ thì trả không nổi chứ cơm 3 bữa thì cô lo cho bà được, mình ăn gì thì bà ăn nấy. Ở đây cũng cơm với mắm muối chứ không phải cao lương mỹ vị gì", cô Lợi cười nói.

"Vợ chồng cô Lợi thương bà lắm, mọi người ở đây ai cũng tốt cả"

Từ ngày chuyển về xóm trọ này, căn trọ của bà Út không còn lạnh lẽo như trước. Mỗi ngày cô Lợi đều qua dọn dẹp, chăm sóc cho bà, nụ cười cũng xuất hiện nhiều hơn trên khuôn mặt đầy nếp nhăn của bà Út.

Đưa đôi tay vuốt nhẹ lên tấm lưng còng của bà Út, cô Lợi tâm sự: "Thấy bà ở đây cũng vui hơn hẳn. Cô thì không giúp được gì bà nhiều, nhưng một chén cơm tình nghĩa thì cô không thiếu, có thể lo cho bà được. Còn chuyện sau này giúp cho bà cả đời hay không thì cô không dám hứa, nhưng cô sẽ làm hết sức mình, tại dưới quê, cô cũng còn cha già bị bệnh nữa".

Mọi sinh hoạt hàng ngày của bà Út đều do cô Lợi chăm sóc, giúp đỡ

Dù không thân thích, cũng chẳng phải quen biết từ lâu, bà Út chỉ là một người dưng qua đường mà cô Lợi tình cờ gặp phải. Nhưng chẳng hiểu vì lý do gì, cái duyên, cái nợ đã khiến họ dọn về chung sống cùng nhau trong một xóm trọ nghèo.

"Cô không biết nhiều về hoàn cảnh của cụ, cô chỉ biết chồng bà mất còn con gái thì bỏ đi. Thấy bà già nên cô thương thôi", cô Lợi cười hiền hậu rồi vội chạy đi làm nước cho khách qua đường. Phía bên trong nhà, bà Út nhìn cô Lợi, rưng rưng nước mắt.

Ấm lòng cụ bà bệnh tật được đôi vợ chồng nghèo nhận về cưu mang, chăm sóc như mẹ ruột ở Sài Gòn - Ảnh 10.

Bà Út nghẹn lời khi nhắc đến tình cảm của vợ chồng cô Lợi và những người dưng trong xóm trọ nghèo

"Cổ tốt lắm, thấy bà già cả nên giúp đỡ. Nghèo thì nghèo nhưng may vẫn còn người thương, thấy già nua bệnh hoạn nên cổ giúp đỡ, mà hai vợ chồng cổ cũng có khá giả hơn mấy đâu. Lúc cổ bảo bà dọn qua đây ở rồi con giúp đỡ cho, bà cứ nghĩ cổ đùa, có ai lại đi giúp người già nua, bệnh tật như mình đâu", bà Út xúc động.

Theo bà Út, việc chuyển vào xóm trọ sinh sống là điều trước đây bà chưa bao giờ dám nghĩ tới. Mọi việc từ tiền thuê trọ, cơm nước, thuốc men, chở bà đi khám bệnh..., đều do vợ chồng cô Lợi và mọi người quanh xóm hỗ trợ, giúp đỡ.

Đi đứng khó khăn nên để di chuyển ra ngoài quán nước, bà Út cần có sự trợ giúp của cô Lợi

"Bà bị bệnh tim, đi một xíu là mệt không chịu nổi, từ ngày qua đây, bà đi lấy thuốc đều nhờ mọi người chở đi, cô Lợi thì lo cơm nước. Ai cũng thương bà cả, bà sống tới từng tuổi này rồi, đâu còn mong ước nào hơn, vậy là toại nguyện rồi", bà Út nghẹn lời.

Nhờ tình thương của mọi người, bà Út đã có thêm nhiều niềm vui mới trong cuộc sống. Nếu trước kia mỗi ngày bà phải vất vả để chăm lo cho cuộc sống mưu sinh, nhiều lúc chỉ nghĩ đến cái chết để kết thúc chuỗi ngày cơ cực thì giờ đây, mỗi ngày với bà là một niềm vui mới. Bà không chỉ có thêm những người bạn, người con, người cháu mà bà có tất cả tình thương của những con người xa lạ dành cho mình.

Dẫu xóm trọ mỗi người một hoàn cảnh, số phận, người thì bán nước, người đi làm thuê, người bán vé số..., ai cũng vất vả để lo cuộc sống mưu sinh. Tất cả đều nghèo, đều khổ thật nhưng họ chỉ khổ về tiền bạc, còn tình nghĩa thì luôn đong đầy.

Xóm trọ nhỏ vẫn rộn rã tiếng nói cười dù cho ai cũng phải tất bật để mưu sinh

Ấm lòng cụ bà bệnh tật được đôi vợ chồng nghèo nhận về cưu mang, chăm sóc như mẹ ruột ở Sài Gòn - Ảnh 13.

Nụ cười hạnh phúc của bà Út và cô Lợi xuất phát từ lòng bao dung, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống...