Khoảng 3 năm trở lại đây, làn sóng sa thải, cắt giảm nhân sự là những cụm từ mà chỉ cần nghĩ đến, nhiều người đã thấy rùng mình hoảng sợ. “Bỗng nhiên mất việc” không còn là câu chuyện quá xa xôi ngoài kia, mà là hiện thực đang diễn ra ngay bên cạnh mình, với người thân, bạn bè của mình.
Trong bối cảnh đó, nhiều người chỉ biết động viên nhau bằng 2 từ mà trước đây, chúng ta thường chê nó sáo rỗng: Cố lên! Người thất nghiệp thì cố tìm việc, người có việc thì cố giữ việc. Và trong suy nghĩ của không ít người, những ai vẫn còn công việc, còn một nguồn thu nhập ổn định ở thời điểm này, quả thực là quá may mắn. Ừ thì không sai…
Nhưng có lẽ chúng ta nên nhìn sâu hơn để thấy một thực trạng đáng buồn khác: Kể cả khi đang có việc, nhiều người vẫn không chắc mình ổn. Không phải vì họ đứng núi này trông núi nọ, lười làm ham chơi.
Minh Thư (27 tuổi) hiện đang là nhân viên kinh doanh cho một công ty Fintech ở TP.HCM miêu tả mỗi ngày đi làm của mình bằng 1 câu thế này: Thở dài lúc đi, bật khóc lúc về.
Ảnh minh họa
Từ giữa năm 2024 đến giờ, công ty Minh Thư đã trải qua 3 đợt sa thải, tổng số người đã “cắt” cũng lên tới 65% nhân sự. Những người ở lại - trong đó có cô, vốn được coi là may mắn, đương nhiên không thể phủ nhận năng lực và hiệu suất làm việc tốt. Còn công việc, còn thu nhập, ai người ngoài nhìn vào ai cũng nghĩ thế là ổn rồi, nhưng không…
“Việc thì nhiều mà người thì ít, nên những người còn trụ lại như mình, phải làm việc 150-200% công suất thì mới giữ được mức thu nhập như khi còn chưa cắt giảm. Nghĩa là làm nhiều hơn chỉ để giữ được lương chứ không phải để tăng lương. Một vài tháng như thế thì còn cố được chứ mình đã vậy liên tục trong gần 2 năm rồi” - Minh Thư thở dài.
Nhưng nếu không cố được nữa thì sao? Chính bản thân cô cũng chưa biết, và thực ra cũng chẳng còn sức để mà nghĩ nữa. Hiện tại, dù bản thân có khoảng 120 triệu tiền dự phòng, đủ để sống trong khoảng 8 tháng nếu thất nghiệp, nhưng Minh Thư cũng không dám nộp đơn xin nghỉ việc.
“Ngày nào đi làm về mình cũng hoặc là khóc, hoặc là mệt đến mức không còn thiết ăn uống gì nữa, đi ngủ luôn, rồi sáng hôm sau lại tiếp tục đi làm với tâm trạng không có gì là vui vẻ. Nhưng giờ có nghỉ việc thì cũng chẳng nghỉ mãi được, vẫn phải đi làm lại. Chắc gì nghỉ xong đã tìm được việc, nên mệt cỡ nào, chán đến đâu cũng đành chịu đựng” - Minh Thư bộc bạch.
Không riêng Minh Thư, Quốc Trung (28 tuổi) hiện đang là nhân viên marketing cho 1 agency ở Hà Nội, cũng đang trong tình cảnh rã rời tương tự. Trung nói mình không còn thấy hào hứng gì với nghề sau gần 6 năm đi làm. Nhân sự còn lác đác 4 người mà chạy cùng lúc 6-7 dự án 1 lúc, ngày nào cũng như một cuộc đua với feedback, deadline của nhãn hàng…
Ảnh minh họa
Bản thân nhân sự thấy sao lắm việc quá, dự án không thiếu vì chưa xong job này đã tới job khác, vậy mà công ty vẫn cắt người, không cho tuyển thêm và cũng chẳng có dấu hiệu gì là sẽ tăng lương cho những người đang “oằn” mình chạy việc.
“Mình cảm giác các cấp lãnh đạo không quan tâm nhân viên cấp dưới đang ra sao, có quá tải không, cứ giao việc thôi. Không làm được thì cắt tiền hoa hồng, cắt hiệu suất. Biết là mấy năm nay ngành marketing đều khó khăn chung, ai làm cũng đều trong tình cảnh như mình cả, nhưng thực sự cũng không còn biết là sẽ gồng được đến bao giờ” - Trung chia sẻ.
Còn Ngọc Anh (30 tuổi) hiện đang làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng, thì lại phải đối diện với một vấn đề khác. Là người đi tuyển dụng, chính cô cũng nhận ra mức độ cạnh tranh ngoài kia khắc nghiệt đến mức nào.
“Mỗi vị trí đăng tuyển của công ty mình có hơn 400 hồ sơ nộp về. Họ giỏi, có kinh nghiệm nhưng công ty lại đang để range lương không tương xứng với năng lực của ứng viên. Bản thân mình là người đăng tin tuyển dụng, nhiều khi còn thấy cấn tay lúc ghi mức lương… Mình là người trực tiếp cảm nhận được sự chênh lệch của cung - cầu trong thị trường tuyển dụng, trong cả mức thu nhập nữa, nên bản thân mình càng không dám nghỉ dù cũng đuổi lắm rồi” - Ngọc Anh bộc bạch.
Mỗi người một công việc, một ngành nghề nhưng cả Ngọc Anh, Quốc Trung và Minh Thư đều có chung 1 nỗi ám ảnh thất nghiệp. Làm tiếp thì rã rời kiệt quệ, mà giờ nghỉ thì tương lai cũng không biết sẽ về đâu.
Áp lực cơm áo gạo tiền thì chẳng là vấn đề của riêng ai, chỉ là với mỗi người, sức nặng nó đè xuống sẽ khác nhau. Với người đang sống ở các thành phố lớn như 3 bạn trẻ phía trên, áp lực ấy có lẽ cũng không nhẹ nhàng gì.
Ảnh minh họa
Một căn phòng trọ bình thường cũng tốn 4-5 triệu/tháng. Tiền điện tiền nước bị “ốp” theo giá dịch vụ, bật cái điều hòa nhiều khi cũng run tay. Rồi chi phí ăn uống, đi lại,... tất cả khiến họ không dám nghĩ đến chuyện “cân bằng cuộc sống” ở thời điểm này.
“Ngày ăn có 1-2 bữa, chủ nhật chỉ muốn được ngủ 1 giấc mà còn không được vì vẫn phải đi giải quyết khiếu nại của khách hàng. Mình làm sale nên mình biết đó là điều không tránh được, khách hàng cũng chẳng sai, chỉ là thấy việc work-life balance nó xa vời quá” - Minh Thư chia sẻ.
Còn Quốc Trung thì cho biết bản thân bỏ hẳn việc tụ tập với bạn bè từ nửa năm nay, không phải vì không muốn, mà vì không còn sức. 28 tuổi, độc thân cũng gần 3 năm rồi nhưng thậm chí còn chẳng có thời gian mà thèm yêu đương, hẹn hò.
Cảm giác sống trong một thành phố đầy đủ mọi dịch vụ, tiện nghi nhưng không thể tìm nổi một lối đi khiến bản thân có cảm giác “đang được sống đúng nghĩa”. Bế tắc chồng bế tắc. Mệt quá thì nghỉ là điều mà họ cho rằng quá rủi ro, ít nhất là ở thời điểm này. Giải pháp duy nhất có lẽ chỉ là… mặc kệ bản thân một thời gian cho qua đoạn gập ghềnh, rồi tính tiếp…
Không ai muốn phải làm việc đến kiệt sức, nhưng cũng không ai muốn rơi vào trạng thái không biết tương lai sẽ ra sao. Và có lẽ với những người như Quốc Trung hay Minh Thư, thứ họ khao nhất lúc này không phải là mấy lời động viên khích lệ “hãy dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn”, mà chỉ đơn giản là được trả lương đúng với áp lực công việc, hoặc không thì cũng là 1 tuần dứt được cái laptop, điện thoại để ngủ và sống… như một người bình thường.
Vậy thôi, mà có vẻ cũng quá xa vời…