Tiết kiệm được là một chuyện, làm sao để tối ưu khoản tiền đó lại là một chuyện khác. Với những người chưa có kiến thức đầu tư, khẩu vị rủi ro cũng không cao, làm sao để "tiền đẻ ra tiền" là câu hỏi có phần nan giải.
Mới đây, trên MXH Threads, một bạn trẻ cũng trải lòng về tình cảnh này. Vấn đề đau đầu không phải là không tiết kiệm được tiền, mà lại là chẳng biết làm gì với số tiền ấy.
Trong bài tâm sự của mình, bạn trẻ này cho biết hiện tại đang làm freelancer cho công ty nước ngoài, thu nhập trung bình 50 triệu/tháng. Chi phí thuê nhà, đi lại, ăn uống và mua sắm hết khoảng 15 triệu/tháng, vậy là dư được 35 triệu.
"Em thuê nhà hết 2,5 triệu. Ăn uống hết tầm 3 triệu. Mua sắm linh tinh với cả tiền để dành đi du lịch thì trung bình tổng cộng chi hết khoảng 15 triệu/tháng. 35 triệu dư ra thì em đang chưa biết làm gì, tại cũng không có kiến thức hay kinh nghiệm đầu tư nên khá rén. Mong mọi người cho em lời khuyên ạ" .
Ảnh minh họa
Trong phần bình luận của bài đăng, có khá nhiều lời khuyên mà cộng đồng mạng dành cho bạn trẻ này. Có người khuyên nên để dành mua đất, có người lại bảo nên mua vàng nhưng tựu trung lại, "keyword" vẫn là: Chia đều ra .
"Chi tiêu hàng tháng hết 15 triệu thì nên tiết kiệm quỹ dự phòng 90 triệu, bằng tiền sinh hoạt phí trong 6 tháng. Có 90 triệu đó rồi thì tháng tiếp theo em cứ chia đều 35 triệu đó ra: 12 triệu mua 1 chỉ vàng, 10 triệu gửi tiết kiệm dài hạn, 5 triệu mua cổ phiếu, 8 triệu để đầu tư học hành, phát triển bản thân. Vừa đẹp luôn mà an toàn" - Một người khuyên.
"Như này thừa sức trả nợ vay tiền mua nhà rồi, nhưng nếu làm freelancer thì có thể hơi khó đoạn thủ tục giấy tờ xét duyệt khoản vay. Bạn có thể cân nhắc nhờ bố mẹ đứng ra vay giúp xem, vẫn là bạn trả hàng tháng thôi. Mình nghĩ thu nhập tốt vậy nên mua nhà sớm" - Một người khác chia sẻ quan điểm.
"An toàn nhất thì cứ gửi tiết kiệm, lãi ít nhưng được cái chắc chắn không lo mất, đỡ nặng đầu. Còn không thì cứ mỗi tháng 1 chỉ vàng, còn lại tiết kiệm. Vàng để đó cũng chẳng lo mất giá được đâu. Có điều là đi ở trọ thì khâu giữ vàng cũng phải cẩn thận" - Một người cho hay.
Với những người đang đều đặn tiết kiệm được một khoản tiền hàng tháng, việc phân bổ số tiền này vào các kênh khác nhau là việc quan trọng và vô cùng cần thiết. Dù là đầu tư hay tiết kiệm thì việc "không bỏ hết trứng vào 1 giỏ" vẫn là nguyên tắc vàng.
Ảnh minh họa
Ngân sách có thể nhiều, có thể ít, chỉ cần đảm bảo danh mục được đa dạng là yên tâm "tiền đẻ ra tiền".
Quỹ dự phòng đóng vai trò như một chiếc phao cứu sinh, bảo vệ bạn khỏi những biến động bất ngờ của cuộc sống. Bạn có thể cân nhắc cất khoản tiền dự phòng này vào các gói tiết kiệm ngắn hạn, khoảng 1 -2 tháng để tối ưu tỷ suất sinh lời, mà vẫn đảm bảo được tính thanh khoản cao: Có thể rút ra bất cứ khi nào có việc đột xuất, phát sinh.
Sau khi đã xây dựng được khoản quỹ dự phòng tương đương 3-6 tháng tiền sinh hoạt phí cơ bản, bạn có thể cân nhắc phân bổ tiền vào các kênh đầu tư sinh lời an toàn như chứng khoán, chứng chỉ quỹ hoặc vàng.
Ảnh minh họa
Chứng khoán mang đến cơ hội tăng trưởng vốn hấp dẫn, nhưng đòi hỏi bạn phải có kiến thức và khả năng chấp nhận rủi ro. Trong khi đó, chứng chỉ quỹ là lựa chọn phù hợp cho những người muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư nhưng lại chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức. Còn vàng thì quá rõ rồi, là kênh trú ẩn an toàn trong giai đoạn kinh tế có nhiều biến động.
Đầu tư cho bản thân là khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất và bền vững nhất. Đừng bao giờ tiếc tiền nâng cao kiến thức, kỹ năng và mở rộng mạng lưới quan hệ. Tham gia các khóa học chuyên môn, học ngoại ngữ, đọc sách, tham dự hội thảo, hoặc đơn giản là dành thời gian cho những hoạt động giúp bạn phát triển bản thân. Những khoản đầu tư này không chỉ giúp gia tăng thu nhập trong tương lai, mà còn mang lại các mối quan hệ chất lượng, sự tự tin và hạnh phúc trong cuộc sống.