9 bài học "xương máu" từ màn ảnh Hollywood nửa đầu 2018, ôn nhanh kẻo nguội!

Hoài Nam, Theo Trí Thức Trẻ 13:59 08/07/2018

Năm 2018 đánh dấu thành công lớn của điện ảnh Hollywood, thế nhưng vui thôi đừng vui quá, hãy xem màn ảnh nửa năm nay đã rút ra được những bài học gì nhé.

Sau khi trải qua năm 2017 ảm đạm do cả doanh thu lẫn các scandal xấu mặt, Hollywood đang trải qua một mùa phim như mơ, khi hàng loạt kỉ lục doanh thu được lập nên. Tuy vậy, còn đó những mối lo cho các nhà sản xuất. 9 điều sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn điều gì đang xảy ra trong nửa năm đầu điện ảnh 2018.

9 bài học xương máu từ màn ảnh Hollywood nửa đầu 2018, ôn nhanh kẻo nguội! - Ảnh 1.

1. Doanh thu tăng, nhưng quan trọng hơn là lượng vé bán cũng tăng

Từ nào bạn đọc được nhiều nhất trên các trang báo điện ảnh? Chắc chắn là "kỉ lục". Chưa có năm nào mà các kỉ lục doanh thu thi nhau bị phá vỡ như năm 2018. Tính sơ, từ đầu năm đến nay có không dưới 20 kỉ lục đã trở thành quá khứ. Dẫn đầu tất nhiên là nhà Disney với Avengers: Infinity War, bộ phim cán mốc 2 tỉ đô nhanh nhất trong lịch sử. Chỉ riêng tập hợp siêu anh hùng này cũng đã phá đến hơn… 17 kỉ lục lớn nhỏ, theo thống kê của trang Screenrant.

9 bài học xương máu từ màn ảnh Hollywood nửa đầu 2018, ôn nhanh kẻo nguội! - Ảnh 2.

Hollywood đang trải qua những ngày tươi đẹp, với các con số thống kê "lấp lánh". Tính đến tháng 6/2018, doanh thu nội địa Bắc Mỹ đã tăng 9.3% so với cùng kì 2017 với 6,23 tỉ đôla. Một kỉ lục mới. Nhưng điều đáng mừng nhất là lượng vé bán ra cũng tăng, đến 7.4%.

Những năm qua, dù doanh thu tổng có tăng, nhưng các nhà sản xuất vẫn lo sốt vé vì lượng vé liên tục giảm. Để dễ hiểu, điều đó có nghĩa ngày càng ít người đến rạp hơn, dưới ảnh hưởng của các loại hình giải trí khác (bao gồm dịch vụ truyền hình trực tuyến Netflix). Doanh thu tăng phần nhiều chỉ do trượt giá.

2. Siêu anh hùng chưa bao giờ phổ biến đến thế

9 bài học xương máu từ màn ảnh Hollywood nửa đầu 2018, ôn nhanh kẻo nguội! - Ảnh 3.

Mọi người đều biết hiện tại là thời hoàng kim của siêu anh hùng. Điều họ không biết là nó sẽ kéo dài bao lâu và đâu là đỉnh cao. Đã có những dự đoán về sự thoái trào của thể loại này, nhưng mùa hè năm 2018 đã chứng minh một điều: triều đại này sẽ còn kéo dài, rất dài.

Một loạt phim siêu anh hùng/phản anh hùng cả cũ lẫn mới đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu: Black Panther, Avengers: Infinity War, Deadpool 2… Ngay cả một phim siêu anh hùng hoạt hình làm tiếp sau 14 năm như Incredibles 2 cũng tạo ra cơn sốt. Hình ảnh các suất chiếu cháy vé hàng tuần liền không còn xa lạ. Có vẻ khán giả chưa bao giờ thấy đủ với những người anh hùng đeo mặt nạ.

9 bài học xương máu từ màn ảnh Hollywood nửa đầu 2018, ôn nhanh kẻo nguội! - Ảnh 4.

Với phần 2 của Infinity War vào năm 2019, một loạt tác phẩm mới mẻ hấp dẫn như Captain Marvel, Venom, X-Force… Có vẽ những kẻ ganh ghét sẽ phải chờ một thời gian rất dài nữa, 2020 hoặc hơn, để thật sự thấy được dòng phim này xuống sức.

3. Phim đại diện cho nhóm thiểu số lại thành công lớn

Chiến công lịch sử của Black Panther, phim siêu anh hùng đầu tiên về người da màu, đã đạp đổ mọi sự nghi ngờ về các nhóm khán giả nhỏ. Từng có một lời nguyền ở Hollywood, rằng siêu anh hùng da màu không bao giờ thành công, có lẽ xuất phát từ thất bại thảm hại của Catwomen (Miêu nữ, 2004), do nữ diễn viên Halle Berry vào vai chính. Giờ thì sao? Hãy quên tất cả đi!

9 bài học xương máu từ màn ảnh Hollywood nửa đầu 2018, ôn nhanh kẻo nguội! - Ảnh 5.

Khán giả hiện đại không quan trọng màu da, họ chỉ muốn những thứ mới mẻ. Một nền văn hóa mới, những câu chuyện mới, nhân vật mới, không khí mới. Black Panther mang đến cho họ tất cả những điều ấy.

Không chỉ da màu, những chủ đề khác tưởng tượng nhỏ lẻ cũng ăn nên làm ra. Phim lấy đề tài đồng tính học đường Love, Simon thu hút cả khán giả trong và ngoài giới bởi sự đáng yêu chân thực. Phim mang về cho Fox 62 triệu đô, trong khi chỉ mất vỏn vẹn 17 triệu đô kinh phí. Còn phụ nữ và nữ quyền thì sao? Hãy nhìn vào Ocean’s 8 với dàn chân dài đủ mọi độ tuổi, chủng tộc, đang kiếm được 217 triệu đô và chưa dừng lại.

9 bài học xương máu từ màn ảnh Hollywood nửa đầu 2018, ôn nhanh kẻo nguội! - Ảnh 6.

4. Hoài cổ chưa chắc đã bán được vé

Năm 2017 là một năm của hoài niệm. Các bộ phim lấy bối cảnh hoặc gợi nhớ về các thập niên cũ đều đạt được thành công lớn. Đỉnh cao là tượng vàng Oscar Phim hay nhất cho The Shape of Water của đạo diễn Gullermo del Toro. Ngoài ra còn phải kể đến thành công bất ngờ của bộ phim giả tưởng hài Jumanji: Welcome to the Jungle.

9 bài học xương máu từ màn ảnh Hollywood nửa đầu 2018, ôn nhanh kẻo nguội! - Ảnh 7.

Đến năm 2018, xu hướng này có vẻ đang thất thế. Khán giả có vẻ đã "ngửi" ra mùi kiếm chác từ kỉ niệm thân thương của họ, và tỏ ra rất gay gắt với Ready Player One của Steven Spielberg. Một phim không đến nỗi nào nhưng gây khó chịu khi cố nhồi nhét quá nhiều "trứng phục sinh" liên quan đến văn hóa đại chúng. Rampage, một phim cố ăn theo tựa game ăn khách thập niên 80 cũng thất bại thảm hại. Cô nàng Tomb Raider mới do Alicia Vikander thủ vai cũng chẳng khá hơn.

9 bài học xương máu từ màn ảnh Hollywood nửa đầu 2018, ôn nhanh kẻo nguội! - Ảnh 8.

Khi hoài cổ không còn là cần câu cơm hữu hiệu

Cú tát đau nhất lại nằm ở loạt phim tưởng như "bất khả xâm phạm" ở phòng vé là Star Wars. Phim riêng về nhân vật được yêu mến Solo: A Star Wars Story bị cả giới phê bình lẫn khán giả ghẻ lạnh, chỉ thu về chưa đến 400 triệu đô. Với một thương hiệu tỉ đô như Star Wars, đây là một sự nhục nhã. Năm 2017, một phim lẻ khác là Star Wars: Rogue One, với những nhân vật hoàn toàn xa lạ, cũng thu về hơn 1 tỉ đôla. Từ đây, các nhà sản xuất sẽ phải suy tính cẩn thận hơn với những kịch bản có mùi hoài niệm phảng phất.

9 bài học xương máu từ màn ảnh Hollywood nửa đầu 2018, ôn nhanh kẻo nguội! - Ảnh 9.

Thất bại của Solo đã khiến Disney phải xem lại các dự án ngoại truyện của Disney phải mình

5. Một năm không may cho những người hài hước

Thật ra, dòng phim hài hay hài lãng mạn đã đi xuống kể từ năm 2009, sau thành công vang dội của The Hangover. Từng là thể loại hoàng kim vào thập kỉ 90, nay các bộ phim hài chỉ còn sống thoi thóp và năm 2018 chỉ là sự nối dài.

9 bài học xương máu từ màn ảnh Hollywood nửa đầu 2018, ôn nhanh kẻo nguội! - Ảnh 10.

Dòng phim hài chưa bao giờ thảm đến thế

Cô béo vui nhộn Melissa McCarthy đã đánh mất "bùa yêu" phòng vé khi không thể kéo người xem đến rạp với Life of the Party. Một cô béo triệu fan mạng xã hội khác là Amy Schumer lâm vào cảnh tương tự với I Feel Pretty. Hàng loạt cái tên tưởng như vô cùng hấp dẫn như The Party, Gringo, Where’d You Go, Bernadette?... cũng chìm nghỉm ở rạp.

Hai phim tươi sáng và khá độc đáo là Blockers và Game Night, dù vậy, không thể kéo cả dòng phim này đi lên. Người ta buộc phải tự hỏi là có phải khán giả hiện đại đều đã chán chường trong lòng đến mức không cười được nữa, hay các nhà làm phim đã quên mất cách làm phim hài là như thế nào?

6. Giả tưởng với kĩ xảo hoành tráng = thiếu sức hút

Năm nay, Disney tiếp tục truyền thống "phá tiền" với bộ phim giả tưởng A Wrinkle of Time (Nếp Gấp Thời Gian). Đây là phim đầu tiên trên có kinh phí trên 100 triệu đô do một nữ đạo diễn da màu cầm trịch, là Ava DuVerna. Tương tự là dàn diễn viên đa chủng tộc với Oprah Winfey, Mindy Kaling, Gugu Mbatha-Raw, Michael Peña… Và 100 triệu… bay theo nếp gấp thời gian, khi phim bị chê tơi tả. Ngoài nước Mỹ, phim chỉ kiếm được 32 triệu đô, con số khá nực cười với Disney. Nhưng nếu nhìn lại, điều tương tự từng xảy đến với Tomorrowland năm 2015 hay John Carter năm 2012.

9 bài học xương máu từ màn ảnh Hollywood nửa đầu 2018, ôn nhanh kẻo nguội! - Ảnh 11.

Ai đó hãy nói cho chị biết tại sao phim chị lại lỗ sấp ngửa thế đi!

Thể loại giả tưởng hậu tận thế dành cho thiếu niên không khá hơn, với thất bại của phần cuối loạt The Maze Runner có tên The Death Cure. Từng là hiện tượng với phần đầu năm 2014, loạt phim này càng ngày càng xuống phong độ và kết lại vô cùng chán chường với chỉ 58 triệu doanh thu ở Bắc Mỹ.

7. Dòng kinh dị kinh phí thấp vẫn ăn nên làm ra

Đã thành lệ, gần như mỗi năm lại có một phim kinh dị kinh phí thấp khiến mọi người phát sốt. Năm ngoái là Get Out và năm nay là A Quiet Place của cặp vợ chồng John Krasinski và Emily Blunt. Tất nhiên, phim kiếm được hàng đống tiền. Chính xác là 330 triệu đô doanh thu, khi bỏ ra… 17 triệu kinh phi. Một đồng vốn 20 đồng lời.

9 bài học xương máu từ màn ảnh Hollywood nửa đầu 2018, ôn nhanh kẻo nguội! - Ảnh 12.

Bỏ ra ít và thu lại nhiều, nếu may mắn, là đặc trưng của phim kinh dị. Ngoài A Quiet Place, bộ phim "vắt sữa" Insidious: The Last Key tiếp tục vắt thành công với 165 triệu đô doanh thu, dù đã là phần thứ 4. Một phim khác từng được giới thiệu nhưng sau đó lại không ra rạp Việt là Truth or Dare, cũng kịp bỏ túi 92 triệu đô. Kinh phí của hai phim này lần lượt là 10 triệu và… 3,5 triệu đô.

8. Chuẩn bị tinh thần chia tay với những anh già gân

Có một thời gian, các ngôi sao hành động cơ bắp của thập kỉ trước như Bruce Willis, Sylvester Stallone, Arnold Schwarzenegger… tìm được đường quay lại Hollywood bằng thể loại hành động bạo lực gọi vui là "già gân tuổi trung niên". Những gã luống tuổi với quá khứ tăm tối, kĩ năng đánh đấm thượng thừa, vì hoàn cảnh quay lại bắn giết.

Nhưng dường như, phong trào này đã đi đến hồi kết. Trừ John Wick, khán giả không còn mặn mà với những kịch bản và hình tượng nhân vật giống hệt nhau, cũng như gương mặt 10 phim như một của các ông già. Bruce Willis lao đao ở rạp giống như điềm báo từ tên gọi bộ phim Death Wish. Sylvester Stallone còn vấp ngã nặng nề hơn với Escape Plan 2: Hades, tác phẩm nhận điểm số đáng thương 17% ở Rotten Tomatoes. Tài tử Gerard Butler không khá hơn khi cố đóng phim hình sự Den of Thieves…

9 bài học xương máu từ màn ảnh Hollywood nửa đầu 2018, ôn nhanh kẻo nguội! - Ảnh 13.

Có lẽ các "anh già" sẽ phải tiếp tục suy nghĩ để tìm ra một thể loại ăn khách nào đó khác.

9. Trung Quốc trở thành nơi cứu vớt cho các bom xịt

Trung Quốc là một thị trường lớn. Các hãng phim Hollywood trước nay vẫn thường cố tìm cách "lấy lòng" khán giả nước này. Giờ thì họ càng có lí do để nỗ lực chen chân vào đất nước tỉ dân này hơn: Trung Quốc là nơi cứu cho các bom xịt tránh khỏi số phận bi đát.

9 bài học xương máu từ màn ảnh Hollywood nửa đầu 2018, ôn nhanh kẻo nguội! - Ảnh 14.

Bị ghẻ lạnh ở quê nhà, Rampage được cứu tại Trung Quốc

Các tựa phim giải trí dễ dãi bị cả nước Mỹ ghẻ lạnh như Rampage, Tomb Raider, Pacific Rim: Uprising… tìm thấy đất sống ở Trung Quốc. Rampage và Tomb Raider lần lượt thu về 156 và 78 triệu đô ở đây, nhiều hơn bất kì quốc gia nào khác. Pacific Rim: Uprising vốn chỉ kiếm được 60 triệu ở Mỹ, lại gom được con số gần gấp đôi 99 triệu đô ở Trung Quốc. Ít nhất, các bộ phim này sẽ không chịu cảnh lỗ vốn.

Theo luật, các hãng phim chỉ thu được 25% lợi nhuận ở Trung Quốc, thay vì 50% như các quốc gia khác. Nhưng với tình hình này, không khó hiểu nếu sắp tới người ta thấy nhiều diễn viên của Đại Lục xuất hiện trong bom tấn Hollywood hơn nữa.