1. Dùng giẻ ướt lau bếp
Có rất nhiều người giữ thói quen dùng giẻ ướt để lau mặt bàn bếp, và sử dụng nó trong suốt 1 thời gian dài. Cần biết rằng, việc lau bàn bếp bằng giẻ ướt thay cho giẻ khô có thể tạo điều kiện để vi khuẩn sinh sôi phát triển. Nhất là khi lau xong mà không giặt lại kỹ lưỡng, càng khiến giẻ tích tụ 1 đống bụi bẩn.
Tôi thực lòng khuyên bạn nên giặt sạch giẻ lau sau mỗi lần sử dụng, quan trọng nhất là phơi chúng ở những khu vực thoáng đãng như móc treo, giá đỡ để nhanh khô ráo. Không nên đặt lung tung trong góc bếp hoặc phơi ngay ở vòi nước vì dễ khiến giẻ gặp tình trạng ẩm ướt 24/7.
2. Dùng chung thớt
Rất nhiều người vẫn chưa nhận thấy sự nguy hại tiềm ẩn của việc dùng chung thớt khi nấu ăn. Đúng là chế biến thực phẩm trên cùng 1 chiếc thớt rất tiện lợi, vừa tiết kiệm công sức vừa tiết kiệm thời gian lau rửa. Tuy nhiên, thao tác này cực kỳ mất vệ sinh và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tối thiểu nhất bạn cũng phải tách biệt 2 loại thớt dùng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín. Bởi đồ sống có thể chứa vi khuẩn và ký sinh trùng khi chưa được chế biến, và dễ nhiễm bẩn sang đồ chín.
3. Không làm sạch dao kịp thời
Dao là dụng cụ quan trọng trong việc xử lý thực phẩm, nên cần phải làm sạch ngay sau khi sử dụng. Tôi đã thấy rất nhiều người khi thái rau củ hay cắt thịt xong, họ sẽ để dao lên thớt hoặc mặt bàn bếp, đợi khi ăn xong mới tiện công dọn dẹp.
Cần biết rằng, những vết bẩn như máu từ thịt hoặc nhựa từ trái cây, rau củ... một khi bám dính lên bề mặt dao thì rất khó làm sạch hoàn toàn. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe trong những lần sử dụng tiếp theo. Vậy nên bạn hãy loại bỏ thói quen xấu và xây dựng thói quen tốt, đó là luôn rửa sạch dao ngay sau khi dùng.
4. Để nước đọng trong bồn rửa bát
Bồn rửa bát của một số nhà có thiết kế không phẳng hoặc không thoáng khí, sau quá trình sử dụng có thể khiến nước bị đọng lại.
Nếu cảm thấy khu vực bồn rửa khó khô ráo một cách tự nhiên, khuyên bạn sau mỗi lần sử dụng hãy dùng thêm 1 miếng vải khô để lau sạch bồn rửa. Để nước đọng quá lâu sẽ dễ tạo môi trường ẩm ướt, nhớp nháp, không thực sự thoải mái và có thể sinh mùi hôi khó chịu.
5. Thực phẩm không được đóng kín
Một số thực phẩm như gạo, bột mì, bột ớt hoặc các loại gia vị như muối, đường, mì chính... nhiều người nghĩ rằng chỉ cần đựng chúng trong túi nilon là đủ sạch sẽ.
Điều quan trọng là phải buộc chặt hoặc đóng kín thì mới có thể bảo quản những thực phẩm này khỏi sự bụi bẩn cũng như sự xâm nhập của côn trùng. Bạn đừng nghĩ rằng thực phẩm khô thì không cần bảo quản cồng kềnh như thịt cá hay rau củ. Thêm 1 thao tác cẩn thận chính là đang bảo vệ sức khỏe bản thân và cả gia đình!
6. Không vệ sinh gioăng tủ lạnh
Gioăng tủ lạnh có nhiều khe hở, theo thời gian khu vực này sẽ âm thầm tích trữ bụi bẩn. Nếu không vệ sinh thường xuyên, vi khuẩn có thể sinh sôi và phát triển trong những khe hở này. Bạn đựng thực phẩm hàng ngày trong tủ lạnh, chúng bị nhiễm bẩn lúc nào cũng chẳng hay!
7. Không rửa giỏ đựng đũa
Giỏ đựng đũa là nơi dễ bị bỏ qua vì nhiều người không nghĩ rằng khu vực này cũng có thể xuất hiện bụi bẩn. Ngay lúc này, bạn hãy thử cầm giỏ đựng đũa của nhà mình để kiểm tra xem bề mặt bên trong giỏ có bị bẩn không nhé.
Đũa ăn trực tiếp vào mồm nên cần đảm bảo sự sạch sẽ, kể cả những loại giỏ đựng có chức năng thoát nước vẫn có thể dính bụi như thường. Do đó, bạn nên kiểm tra món đồ này hàng ngày để vệ sinh kịp thời, tránh phát sinh nấm mốc.
8. Không thay bọt biển rửa bát thường xuyên
Một thói xấu nhiều người mắc phải đó chính là không thường xuyên thay mới miếng bọt biển rửa bát, thậm chí dùng chúng đến mức sờn rách vẫn cố gắng dùng tiếp.
Miếng bọt biển tiếp xúc với hầu hết các đồ dùng trong bếp nên nếu chúng bị dính bẩn có thể làm ô nhiễm sang các vật dụng. Do đó bạn không nên lười biếng hay tiếc tiền, hãy mạnh dạn thay mới miếng bọt biển hàng tuần hoặc hàng tháng, tùy vào mức độ sử dụng của gia đình.
Nguồn: Toutiao