1. Đồ gia dụng không sử dụng
Những đồ điện gia dụng thường có kích thước lớn. Khi không còn sử dụng đến, chúng ta có thói quen xếp chúng ở góc nhà, nhìn cực kỳ "hổ lốn" lại còn chiếm diện tích. Nhìn căn nhà ngổn ngang của tôi là đủ hiểu.
Với sự phát triển của công nghệ, những món đồ này dễ dàng bị thay thế bởi những thiết bị hiện đại và xịn xò hơn. Cho nên, món đồ nào đã hỏng hoặc không có ý định tiếp tục sử dụng, khuyên bạn hãy quyết tâm dọn dẹp và loại bỏ chúng. Để lâu trong góc nhà chỉ tích tụ bụi bẩn chứ chẳng giải quyết được gì, khiến nhà cửa trông vừa bừa bộn vừa bẩn thỉu. Bạn muốn sống trong không gian xanh thì đừng nên níu giữ những thiết bị này.
2. Quần áo không mặc đến
Bạn không thấy mệt mỏi với 1 chiếc tủ đầy ắp quần áo sao? Mỗi lần muốn tìm 1 món gì để mặc là lại phải lục tung mọi thứ lên. Thực sự cảm giác này có thể khiến người ta "tức phát điên".
Vậy nên, bạn hãy sắp xếp lại tủ quần áo và kiểm tra từng món đồ trong đó. Nếu có những trang phục không mặc đến, bạn hãy quyên góp từ thiện hoặc mạnh dạn vứt bỏ. Một lần dọn dẹp những thứ cũ kỹ cũng chính là một lần bạn sắp xếp lại cuộc sống. Đừng ngần ngại loại bỏ những món trang phục không còn dùng đến, hãy để tủ quần áo của bạn cũng được "thở".
3. Sách vở
Trong nhà có trẻ nhỏ sẽ không bao giờ thiếu các loại sách vở. Nếu nhà bạn cũng gặp tình trạng tương tự, đó là có đủ bộ sưu tập từ những cuốn nhận diện chữ cái của bé mầm non cho đến những quyển sách giáo khoa các cấp... Tôi khuyên bạn hãy làm 1 "cuộc cách mạng" để phân loại và dọn dẹp đống sách này. Bạn có thể tặng cho các gia đình có con nhỏ, đem quyên góp từ thiện hoặc đơn giản là bán cho những điểm thu gom sách vở/phế liệu.
4. Các món đồ lặt vặt
Trong nhà, thứ chiếm nhiều nhất có lẽ là các món đồ linh tinh mà không thể phân loại. Chúng hiện hữu ở khắp mọi nơi, có thể được cất trong một ngăn kéo nào đó, không mấy khi sử dụng nhưng lại khó lòng bỏ đi. Ví dụ như móc chìa khóa bị rỉ sét hay những món quà tặng khi mua hàng ở siêu thị...
Với tâm lý "chưa hỏng nên chưa vứt", những món đồ này cứ thế tích tụ ngày càng nhiều trong nhà. Thành thật mà nói, dù chúng "vô tri" nhưng chất đống với số lượng nhiều cũng có thể khiến nhà cửa rơi vào trạng thái lộn xộn, bẩn thỉu. Vậy nên, bạn hãy kiên quyết vứt bỏ những đồ dùng lặt vặt để nhường chỗ cho những món thực sự hữu ích và tiện lợi.
5. Bát đĩa bị hư hỏng
Người lớn tuổi rất coi trọng vật dụng ăn uống, vì chúng tượng trưng cho sự sum vầy và ấm cúng của gia đình. Họ thường có thói quen mua thêm bộ bát đĩa mới vào dịp Tết, như một lời cầu chúc cho năm mới đầy đủ và thịnh vượng.
Dù bát đĩa là vật dụng không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày, nhưng nếu nhà bạn có những bát đĩa bị nứt vỡ hoặc trầy xước, thay vì tiếc nuối, bạn mau chóng vứt bỏ chúng. Bởi một khi bị nứt vỡ, những món đồ này không chỉ làm mất thẩm mỹ mà còn dễ gây nguy hiểm khi sử dụng.
6. Cây hoa héo úa
Người bạn học đã giải thích cho tôi rằng: Cây xanh mang lại không gian sống trong lành, nhưng khi cây chết hoặc héo úa, chúng có thể khiến không gian nhà cửa trở nên u ám, đôi lúc bạn cũng cảm thấy tâm trạng bị ảnh hưởng ít nhiều. Do đó, chúng ta hãy dứt khoát loại bỏ những cây cảnh không còn sức sống để giúp không gian sống của gia đình luôn trong trạng thái tươi mới, dễ chịu.
7. Dụng cụ vệ sinh đã dùng lâu
Các loại dụng cụ như khăn lau, cây lau nhà, chổi quét... có tác dụng làm sạch nhà cửa, giúp công cuộc dọn dẹp của bạn trở nên nhẹ nhàng và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, nếu không thường xuyên kiểm tra và thay mới những vật dụng này, chúng có thể trở thành ổ vi khuẩn và làm giảm hiệu quả trong công việc vệ sinh, ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng.
8. Thuốc hết hạn sử dụng
Thuốc hết hạn không chỉ giảm hiệu quả chữa bệnh mà còn gây hại cho cơ thể nếu vô tình sử dụng. Vì vậy, bạn đừng quên phân loại và dọn dẹp lại hộp đựng thuốc trong nhà để loại bỏ những sản phẩm hết hạn, tránh nguy cơ ngộ độc và dị ứng.
Nguồn: Toutiao