8 thay đổi của trẻ vào tuổi dậy thì: Chuyên gia tâm lý nhắc nhở cha mẹ không được bỏ qua

BS. LÊ THỊ PHƯƠNG THẢO, Theo Tổ Quốc 04:34 14/08/2022

Tâm lý tuổi dậy thì ở bé gái và bé trai có nhiều nét rất đặc trưng mà bố mẹ có thể dễ dàng nhận thấy.

Trẻ càng lớn lên càng nhận thức được bản thân và thế giới xung quanh. Dù còn nhỏ nhưng tất cả đều suy nghĩ và quan điểm độc lập của riêng mình và muốn cha mẹ coi như "người lớn".

Trẻ nổi loạn và nổi loạn ở tuổi dậy thì là điều bình thường. Nhưng nếu trẻ không được hướng dẫn đúng cách thì mọi thứ sẽ trở nên xấu đi và ảnh hưởng lớn đến sự trưởng thành trong tương lai. Do đó, các bậc phụ huynh cần nắm rõ các biểu hiện của con để có cách giáo dục phù hợp nhất.

ThS.BS. Lê Thị Phương Thảo, Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai đã chỉ ra những thay đổi tâm lý tuổi dậy thì ở bé gái và bé trai mà cha mẹ nên biết.

1. Khám phá bản thân

Trẻ trong độ tuổi dậy thì khao khát tìm bản sắc cá nhân rất lớn, do đó trẻ thường có xu hướng làm quen thêm nhiều bạn mới cũng như muốn có thật nhiều trải nghiệm về các mối quan hệ. Ví dụ, tâm lý tuổi dậy thì của bé gái có thể thay đổi từ rụt rè sang tò mò, hoạt bát và làm quen thêm nhiều bạn mới.

2. Trở nên độc lập hơn

Dậy thì còn là lúc trẻ trở nên độc lập hơn khỏi gia đình. Sự độc lập này biểu hiện từ việc trẻ có thể tự đi đến trường cho đến việc chúng khát khao nhận thêm nhiều trách nhiệm. Thực tế, chúng ta cũng thường thấy tâm lý tuổi dậy thì của bé trai và bé gái là thích đưa ra ý kiến cá nhân, thậm chí đấu tranh dữ dội để bảo vệ ý kiến của mình và không chịu nghe lời người khác. Sự riêng tư và không gian cá nhân cũng trở nên cực kỳ quan trọng đối với trẻ ở giai đoạn này.

8 thay đổi của trẻ vào tuổi dậy thì: Chuyên gia tâm lý nhắc nhở cha mẹ không được bỏ qua - Ảnh 1.

Hình minh họa. Ảnh: Fatherly

3. Tò mò về giới tính

Trẻ bắt đầu nhận thấy sự khác biệt giữa cơ thể mình và cơ thể của bạn bè khác giới. Cùng với sự thay đổi sinh dục thứ phát của cơ thể, trẻ còn bắt đầu tò mò về các vấn đề về giới tính, tình dục và có thể sẽ bắt đầu hẹn hò và có mối quan hệ lãng mạn.

4. Quan tâm về ngoại hình

Trẻ trở nên nhạy cảm hơn về ngoại hình của mình cũng như những thay đổi của cơ thể. Vì thế, trẻ cũng bắt đầu biết "làm điệu" và dễ cảm thấy tự ti, lo lắng về nhược điểm của ngoại hình. Những thay đổi trong suy nghĩ về xã hội và cảm xúc của trẻ là dấu hiệu cho thấy trẻ đang dần hình thành bản sắc cá nhân và đang học cách trở thành một người lớn độc lập.

Trong giai đoạn này, trẻ sẽ dần phát triển kỹ năng đưa ra quyết định và có thể hiểu được những tác động hay hậu quả của hành động đó.

5. Tính độc lập của trẻ

Từ một đứa trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ, ở tuổi dậy thì trẻ thể hiện tính tự chủ trong suy nghĩ và hành động. Trẻ muốn được tham gia ý kiến và đưa ra các quyết định trong các vấn đề của mình. Tính độc lập của trẻ cũng tùy thuộc vào từng giai đoạn tuổi, ví dụ ở độ tuổi từ 10 đến 13 tuổi trẻ bắt đầu có xu hướng tách khỏi cha mẹ, ít tham gia các hoạt động cùng cha mẹ, miễn cưỡng chấp nhận lời khuyên của cha mẹ.

Ở giai đoạn từ 14 đến 16 tuổi những mâu thuẫn của trẻ với cha mẹ ngày càng gay gắt và lên đến đỉnh điểm do ngày càng ít quan tâm đến gia đình và dành nhiều thời gian với bạn bè hơn. Còn từ 17 đến 19 tuổi, lúc này trẻ có ý thức trở lại những giá trị lời khuyên của cha mẹ, tôn trọng hiểu biết hơn với những kinh nghiệm của cha mẹ truyền thụ lại.

8 thay đổi của trẻ vào tuổi dậy thì: Chuyên gia tâm lý nhắc nhở cha mẹ không được bỏ qua - Ảnh 2.

Hình minh họa. Ảnh: PureWow

6. Quan tâm đến hình ảnh cơ thể

Đây là thay đổi rất căn bản, vì ở tuổi dậy thì trẻ tò mò với những thay đổi trên cơ thể mình, muốn tìm hiểu cấu tạo cơ thể, sự khác biệt giới tính và bắt đầu có nhu cầu làm đẹp theo từng giai đoạn tuổi khác nhau. Từ 10 đến 13 tuổi trẻ bắt đầu quan tâm đến bản thân và những thay đổi trong quá trình dậy thì. Dễ lo lắng, buồn rầu về những nhược điểm của cơ thể hoặc hay so sánh mình với những bạn cùng trang lứa.

7. Quan hệ với bạn bè

Mở rộng quan hệ xã hội, chơi theo nhóm bạn và chịu ảnh hưởng của nhóm bạn cùng chơi. Thay đổi cần chú ý nhất trong quan hệ bạn bè đó là giai đoạn từ 14 đến 16 tuổi trẻ bắt đầu chơi với những nhóm bạn khác giới, bắt đầu có quan hệ lãng mạn.

8. Thay đổi về nhận thức

Đây là giai đoạn tích lũy nhanh và mạnh các kinh nghiệm, kỹ năng sống và khả năng tư duy, phân tích những tình huống ngày một phát triển. Ví dụ như khả năng nhận thức được cảm xúc của bản thân với những người khác, chỉ số thông minh và sáng tạo tăng nhanh trong giai đoạn từ 14 đến 16 tuổi.