Trải qua thời gian, con người hiện đang là chủng loài thống trị hành tinh này. Chúng ta vượt trội so với các loài vật khác cả về sự phát triển, khả năng giao tiếp lẫn tư duy, cảm xúc.
Nhưng điều này không có nghĩa rằng các loài vật khác là vô tri. Chúng cũng có cảm xúc, biết đau khổ, biết yêu thương, và thậm chí đôi khi còn có biểu hiện... nhân đạo hơn chính loài người chúng ta.
Tập tục "để tang" của một số nền văn hóa là cách để con người thể hiện cảm xúc và niềm tiếc thương với những người đã khuất. Tuy nhiên, chúng ta không phải là giống loài duy nhất làm được điều này.
Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng voi cũng có tập tính khóc thương cho những đồng loại đã qua đời. Theo tiến sĩ Kate Evans từ tổ chức Quỹ voi châu Phi, voi có thể trải qua áp lực cực lớn khi những cá thể thân thiết với nó không may thiệt mạng, than khóc cho đồng loại hàng tháng trời. Và thậm chí nhiều năm sau mỗi khi đi qua nơi đồng loại đã nằm xuống, chúng có thể dừng lại, dành vài phút "mặc niệm" rồi mới bước tiếp.
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Nature vào năm 2017, tinh tinh có những hành động thể hiện sự đồng cảm. Chúng có thể chia sẻ và thấu hiểu cảm xúc của đồng loại - giống như loài người vậy. Chẳng hạn như sau một lần xung đột, tinh tinh có thể đột nhiên lại gần kẻ thua cuộc mà an ủi, vỗ về.
Dĩ nhiên, mức độ đồng cảm của tinh tinh và con người sẽ khác nhau, nên cũng khó mà so sánh.
Một nghiên cứu từ ĐH McGill (Canada) nhận định rằng chuột có khả năng thể hiện cảm xúc theo rất nhiều cách tương tự với con người. Khi đau đớn, khuôn mặt của chúng có nhiều biểu cảm khác nhau, và các bằng chứng cho thấy chúng có thể giao tiếp thông qua những biểu cảm ấy để biết đồng loại đang nghĩ gì. Nghe có giống cách con người đọc nét mặt của nhau không?
Bạn biết đấy, một số người thi thoảng đêm ngủ lại nói... linh tinh (còn gọi là nói mê, nói mớ). Đó là khi giấc mơ của họ trở nên quá sống động, khiến nó bộc phát thành lời nói ở thế giới thực.
Và hóa ra, cá heo cũng có khả năng này. Các nhà khoa học tại viện hải dương Planète Sauvage (Pháp) đã ghi nhận cá heo ở đây phát ra âm thanh mô phỏng lại tiếng cá voi khi đang ngủ. Vấn đề nằm ở chỗ, lũ cá heo ở đây chỉ có thể nghe được tiếng của cá voi vào ban ngày, khi đang trình diễn cho khách tham quan xem. Giả thuyết được đặt ra là chúng đã ghi nhận những âm thanh ấy, để rồi khi ngủ thì tự động phát ra, giống như con người nói mớ vậy.
Có thể bạn đã biết, cảm giác căng thẳng, stress có thể khiến chúng ta ăn nhiều hơn, dẫn đến cân nặng trở nên thiếu kiểm soát.
Mèo cũng vậy! Chúng cũng có xu hướng ăn nhiều khi buồn bã, lo lắng hoặc căng thẳng. Tuy vậy, mèo cũng có thể tăng cân nếu bạn cho chúng ăn quá nhiều nữa, nên cần kiểm soát thực đơn của các boss đấy nhé.
Trong một nghiên cứu từ ĐH Richmond (Mỹ), các chuyên gia phát hiện ra rằng chuột hoàn toàn có thể... lái xe (dĩ nhiên là bé thôi), biết bẻ lái và kiểm soát tốc độ di chuyển. Điều này chứng tỏ rằng chuột có khả năng học hỏi và thực hiện nhiều công việc phức tạp hơn so với những gì chúng ta vẫn tưởng.
Giả thuyết cho rằng chó thích nghe nhạc không phải là mới, khi thậm chí người ta còn được chứng kiến chó... hát, hoặc nhảy nhót theo điệu nhạc. Nếu không tin, mời xem video dưới đây.
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi ĐH Glasgow (Scotland), nhạc cổ điển có thể giúp các boss chó tăng động trở nên điềm tĩnh và nhẹ nhàng hơn, trong khi nhạc rock khiến chúng giải tỏa căng thẳng, giúp tim đập nhẹ hơn. Nguyên do có thể vì nhạc rock có nhịp điệu khá tương đồng với nhịp tim của chó.
Các nhà linh trưởng học tại Trung tâm nghiên cứu linh trưởng Yerkes (Mỹ) đã phát hiện ra rằng loài khỉ có khả năng hợp tác mạnh hơn chúng ta tưởng. Không chỉ kết hợp cùng nhau khi kiếm thức ăn, chúng sẵn sàng chia sẻ thành quả tùy theo nỗ lực của từng thành viên.
Dĩ nhiên, thành quả được chia có thể không cân xứng, nhưng các nhà khoa học tin rằng chúng có khả năng đồng cảm, biết đồng loại muốn gì, cần gì.
Tham khảo: BS, VT.co