Đồ đạc nhà bạn có gặp tình trạng này không: Gối bị cứng đơ, nồi chống dính thì lốm đốm vết xước, hay dầu ăn bỗng dưng có cặn trắng đục… Nhìn thì tưởng xuống cấp nhưng sự thật là vẫn dùng tiếp được.
Trong bài này, tôi sẽ tiết lộ 7 thứ thường bị hiểu lầm là hỏng nhưng nếu biết cách kiểm tra, bạn vẫn dùng tốt được thêm vài năm nữa và tiết kiệm được khối tiền đấy!
1. Gối memory foam bị cứng
Nhiều người thấy gối memory foam bị cứng là nghĩ ngay lý do là bị "lão hoá" sau 1 thời gian sử dùng. Nhưng thực ra nếu gối đột nhiên cứng hơn bình thường, nguyên nhân phần lớn là do nhiệt độ môi trường giảm đột ngột.
Đặc tính của loại gối này là nhạy cảm với nhiệt độ: Khi trời lạnh thì cứng hơn; khi nóng, gối mềm ra. Vì vậy, nếu phòng đột nhiên lạnh (như khi mùa đông đến hoặc bật điều hoà), gối của bạn cũng sẽ cứng hơn. Nhưng chỉ cần nằm một lúc, nhiệt từ cơ thể bạn sẽ làm gối mềm lại như cũ.
Thậm chí, gối của bạn có phản ứng nhanh với nhiệt độ còn là dấu hiệu của gối chất lượng cao. Những loại rẻ tiền có pha bột talc thường không có độ nhạy nhiệt tốt như thế.
Còn dưới đây mới là dấu hiệu gối memory foam thực sự bị hỏng và nên thay:
- Độ đàn hồi giảm, nhấn xuống quá 5 giây không trở lại hình dạng ban đầu.
- Xuất hiện vết lún sâu, dù không dùng vẫn có vết lõm.
- Bề mặt ruột gối bị nứt, bột bung ra hoặc có mùi lạ.
Mặt khác, nếu đã dùng vài năm thì dù chưa hỏng bạn cũng có thể thay gối vì lý do vệ sinh (bụi bẩn, vi khuẩn tích tụ) để luôn đảm bảo trải nghiệm giấc ngủ cũng như sức khoẻ mỗi ngày.
2. Dụng cụ bếp bằng silicon bị ố vàng hoặc sậm màu
Fụng cụ silicon bị ố vàng hoặc đổi màu không đồng nghĩa rằng bị mất an toàn và vứt đi ngay. Thực ra, đây là hiện tượng bình thường của silicon. Nguyên nhân có thể do oxy hóa khi gặp nhiệt độ cao, phẩm màu từ thực phẩm, cặn chất tẩy rửa hoặc quá trình lão hóa tự nhiên. Sự thay đổi màu sắc này chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ chứ không gây hại nên vẫn dùng bình thường được.
Thông thường, bạn cũng khó có thể rửa sạch được vật dụng bằng sillicon bị ố màu. Nhưng không phải kà không có cách, đây là phương pháp:
- Luộc qua với nước sôi.
- Rửa lại bằng dung dịch tẩy rửa.
- Sau đó phơi nắng khoảng 2-3 tiếng.
Cách này dù không thể làm dụng cụ như mới nhưng ít nhất cũng có thể khôi phục khoảng 70-80% màu sắc ban đầu.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là dụng cụ bằng sillicon có thể sử dụng được mãi mãi. Bạn có thể tham khảo những dấu hiệu dưới đây để biết khi nào nên thực sự bỏ đi:
- Trở nên cứng giòn, mất độ đàn hồi, có vết rách hoặc dính bề mặt.
- Có mùi chua, ẩm mốc (có thể đã bị nấm mốc xâm nhập).
- Lớp chống dính bong tróc (với các dụng cụ silicon có lớp phủ).
3. Lò vi sóng làm nóng không đều
Lò vi sóng làm nóng không đều cũng không phải vì bị hỏng hoặc rò rỉ bức xạ mà chỉ là đặc điểm cố hữu của lò vi sóng.
Ví dụ như khi bạn làm nóng đồ ăn có kích thước lớn mà lò vi sóng có độ xuyên thấu giới hạn thì phần bên ngoài nóng trước, bên trong lạnh hơn. Hoặc, hâm nhiều món cùng lúc cũng khiến phần phía sau sẽ nhận ít sóng hơn, dẫn đến nóng không đều. Thức ăn có độ ẩm khác nhau cũng là lý do khiến món có ít nước nóng chậm hơn món có nhiều nước.
Thay vì bỏ đi và mua mới lò vi sóng, bạn có thể áp dụng một vài cách khắc phục sau:
- Cắt nhỏ thực phẩm trước khi hâm.
- Dừng giữa chừng để đảo đều.
- Thêm chút nước khi làm nóng thức ăn khô.
Lò vi sóng chỉ thực sự có vấn đề nếu như đĩa quay bị hỏng làm thức ăn không được phân bổ nhiệt đều. Hoặc tấm chắn sóng bám bẩn, gioăng cửa bị hỏng dẫn đến nguy cơ rò rỉ sóng. Còn không thì lò vi sóng khá bền, bạn có thể dùng hơn 10 năm không vấn đề gì.
4. Nồi chống dính bị xước nhẹ
Ai cũng sợ nồi chống dính xước sẽ gây độc hại. Nhưng thực tế, vết xước nhỏ không làm nồi trở nên nguy hiểm ngay lập tức. Bởi vì lớp chống dính (PTFE) chỉ bị phân hủy ở 260°C trở lên, trong khi nấu ăn thông thường hiếm khi chạm đến mức này.
Dấu hiệu nồi thực sự cần thay là lớp chống dính bong tróc lớn, lộ ra phần kim loại. Không phải vì lớp phủ gây hại cho sức khoẻ người dùng mà là vì bên dưới lớp phủ đó được làm bằng nhôm và phần nhôm lộ ra mới gây mất an toàn.
Mặt khác, nếu đã dùng quá 5 năm thì dù chưa hỏng bạn vẫn nên thay vì lớp chống dính không còn hiệu quả tốt. Còn nếu nấu ở nhiệt độ cao thường xuyên (rán, chiên giòn), tốt nhất dùng chảo gang hoặc chảo thép carbon thay vì nồi chống dính.
5. Máy hút bụi hút yếu hơn bình thường
Máy hút bụi yếu cũng không phải do bị hỏng mà thường chỉ là bộ lọc hoặc ống hút bị tắc. Lúc này, việc cần làm là làm sạch bộ lọc của thiết bị cũng như kiểm tra ống hút xem có bị tắc hay không.
Máy hút bụi chỉ nên thay khi không hoạt động dù nguồn điện vẫn đảm bảo, hoặc phát ra tiếng ồn bất thường (có thể do động cơ bị lỗi) và độ rung rõ ràng, ổ trục động cơ bị thiếu dầu hoặc có vật lạ lọt vào gây ma sát. Ngoài ra, dung lượng pin giảm mạnh (đối với máy không dây, pin chỉ bền khoảng 3 năm) thì cũng có thể cân nhắc để thay được.
6. Dầu đậu phộng có cặn đục
Nhiều người nghi ngờ dầu đậu phộng có cặn thì đã bị hỏng và không thể sử dụng được nữa. Nhưng thực tế đây mới là dầu đậu phộng thật. Khi thời tiết trở lạnh có hiện tượng vón cục như vậy là bình thường.
Dầu đậu phộng chỉ thực sự không dùng được nữa, gây hại cho sức khoẻ và cần phải vứt đi khi:
- Có cặn lắng ở đáy, có thể do tạp chất tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.
- Có mùi ôi thiu do quá trình oxy hóa hoặc nhiễm nấm mốc
- Có vị chua và đắng. Vị chua là do lượng axit quá mức, còn vị đắng là do sự tích tụ của các peroxide.
7. Thực phẩm có bề ngoài hư hỏng
Bên cạnh dầu đậu phộng thì cũnga có rất nhiều loại thực phẩm mà mọi người nghĩ là không tốt, không thể ăn được nữa vì ngoại hình đáng quan ngại. Điển hình như:
Bắp cải có những đốm đen nhỏ thực chất là bị đốm vừng, ảnh hưởng bởi đất, khí hậu và phân bón. Dù khiến ngoại hình trông "xấu xí" nhưng không ảnh hưởng đến sức khoẻ người dùng hoặc hương vị của bắp cải.
Thịt bò có màu cầu vồng này không chỉ là loại thịt bò chất lượng mà còn rất tươi. Còn thịt hỏng sẽ có hiện tượng là các sợi cơ bị cắt đứt, có mùi hôi và có màu xanh không thể ăn được.
Tương tự, quả xoài có sợi đen thực chất là "mạch máu" của quả xoài, hoàn toàn không sao cả. Chỉ khi xoài có họa tiết "da báo" thì mới không ăn được vì đã bị mốc.
Cái gọi là nước trong sữa chua thực chất là váng sữa, bạn vẫn có thể ăn một cách an toàn. Tuy nhiên, bạn không nên ăn sữa chua chuyển sang màu xanh và có mùi.
Những quả cam, quýt có vỏ màu xanh xám là do bị ảnh hưởng bởi lượng mưa và đất chứ vẫn tươi ngon, không bị hư hỏng. Chỉ khi cam có múi bị thối và mốc thì mới không nên ăn.
Nguồn: Toutiao