10 "ổ bệnh" ẩn nấp ngay trong nhà: Bạn càng nghĩ vô hại càng nguy hiểm!

Lam Phương, Theo phunuso.baophunuthudo.vn 11:00 31/03/2025
Chia sẻ

Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm – nhưng có chắc nhà bạn đã thực sự sạch?

Sống trong một không gian sạch sẽ, ngăn nắp chắc chắn sẽ giúp tinh thần thoải mái hơn. Nhưng có những đồ dùng trong nhà tưởng sạch mà lại cực kỳ bẩn, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho cả gia đình. Hãy thử kiểm tra xem bạn đã vệ sinh kỹ những thứ này chưa nhé!

1. Bên trong bình lọc nước

Bình lọc nước là một trong những nơi dễ bị bỏ quên nhất khi vệ sinh. Theo thời gian, bên trong bình tích tụ cặn bẩn, vi khuẩn, nấm mốc và các vi sinh vật khác. Đặc biệt, sự chênh lệch nhiệt độ giữa nước nóng và lạnh càng tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển mạnh. Nếu không vệ sinh thường xuyên, bạn có thể vô tình uống phải nước nhiễm khuẩn, dễ gây tiêu chảy, đau bụng, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ.

10

Cách làm sạch: Ít nhất mỗi tháng một lần, bạn hãy đổ hỗn hợp giấm trắng pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:1 vào bình, ngâm khoảng 30 phút đến 1 giờ. Sau đó, dùng bàn chải mềm chà sạch phần bên trong, đặc biệt là vòi nước. Cuối cùng, xả sạch lại với nước từ 3 - 5 lần cho đến khi không còn mùi giấm rồi để khô hoàn toàn trước khi sử dụng.

2. Gioăng cao su của máy giặt

Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao quần áo sau khi giặt xong vẫn có mùi hôi khó chịu? Nguyên nhân có thể đến từ vòng cao su ở cửa máy giặt. Đây là nơi dễ tích tụ bụi bẩn, xà phòng, nước thừa và trở thành môi trường lý tưởng cho nấm mốc, vi khuẩn phát triển. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng, mức độ vi khuẩn ở vòng cao su máy giặt có thể cao hơn cả bồn cầu.

Hơn nữa, nấm mốc tại khu vực này không chỉ khiến quần áo có mùi hôi mà còn có thể gây kích ứng da, ngứa ngáy, dị ứng, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng da hoặc đường tiết niệu.

10

Cách làm sạch: Mỗi tháng một lần, bạn nên lau khô khu vực vòng cao su rồi thoa một lớp gel tẩy nấm mốc chuyên dụng và để yên trong 8 - 10 tiếng. Sau đó, dùng khăn lau sạch lại là có thể loại bỏ hầu hết các vết mốc đen cứng đầu. Ngoài ra, hãy để cửa máy giặt mở sau mỗi lần giặt để giúp thông thoáng, tránh tích tụ hơi ẩm.

3. Nút xả nước bồn cầu

Hầu hết mọi người đều quan tâm đến việc vệ sinh bồn cầu nhưng lại ít ai chú ý đến nút xả nước. Trong thực tế, khi bạn xả nước mà không đậy nắp bồn cầu, các hạt nước chứa vi khuẩn từ bồn cầu có thể bắn lên và bám vào nút xả nước. Một nghiên cứu đăng trên Journal of Applied Microbiology còn cho thấy số lượng vi khuẩn trên nút xả có thể cao gấp 3 - 5 lần so với bệ ngồi bồn cầu.

Vi khuẩn ở đây không chỉ là những vi khuẩn thông thường mà còn có thể bao gồm các loại nguy hiểm như vi khuẩn kháng kháng sinh, E. coli, tụ cầu vàng – những tác nhân có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng.

10

Cách làm sạch: Để hạn chế vi khuẩn bám vào nút xả, bạn hãy tập thói quen đậy nắp bồn cầu trước khi xả nước. Đồng thời, mỗi tuần nên dùng khăn lau có chứa chất khử trùng để lau sạch nút xả nước, đặc biệt là các khe kẽ xung quanh.

4. Bộ lọc điều hòa

Nếu bạn thấy điều hòa nhà mình thổi ra luồng không khí có mùi khó chịu, cảm giác khô họng, khó thở khi sử dụng, thì rất có thể màng lọc của điều hòa đã quá bẩn.

Bụi bẩn, nấm mốc, vi khuẩn và cả mạt bụi có thể tích tụ trên màng lọc điều hòa nếu không được vệ sinh thường xuyên. Khi điều hòa hoạt động, tất cả những vi khuẩn này sẽ phát tán vào không khí, gây ra dị ứng, ho, viêm mũi, viêm họng, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ và người có bệnh lý hô hấp.

10

Cách làm sạch: Tốt nhất, bạn nên tháo màng lọc và rửa sạch bằng nước ấm mỗi 3 tháng một lần. Còn nếu màng lọc quá bẩn hoặc đã dùng lâu thì hãy thay mới để đảm bảo chất lượng không khí trong nhà.

5. Lưới lọc rác trong bồn rửa chén

Lưới lọc rác trong bồn rửa chén cũng là 1 trong những nơi bẩn nhất trong gian bếp. Bởi vì thức ăn thừa tích tụ tại đây có thể lên men, phát sinh vi khuẩn và thu hút côn trùng như gián, ruồi.

10

Cách làm sạch: Hàng tuần, bạn hãy rửa giỏ lọc rác bằng nước nóng hoặc ngâm với dung dịch khử trùng. Sau khi rửa sạch, có thể thoa một lớp dầu ăn mỏng để hạn chế rỉ sét.

6. Thớt chặt thịt

Thớt cũng là một trong những món đồ siêu bẩn nếu không được vệ sinh đúng cách. Theo một nghiên cứu của National Sanitation Foundation (NSF), lượng vi khuẩn trên thớt có thể cao hơn bồn cầu gấp 200 lần nếu không được làm sạch kỹ lưỡng.

Khi bạn cắt thịt sống, cá, hải sản, nước từ thực phẩm sẽ thấm vào bề mặt thớt, mang theo vi khuẩn như Salmonella, E. coli, Campylobacter – những loại vi khuẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, đau bụng dữ dội. Nếu sau đó bạn lại sử dụng cùng một chiếc thớt để thái rau sống hoặc trái cây mà không rửa kỹ, nguy cơ lây nhiễm chéo là rất cao.

Đặc biệt, thớt gỗ có hàng trăm vết dao cắt tạo nên các kẽ hở nhỏ, trở thành nơi trú ẩn lý tưởng cho vi khuẩn, nấm mốc. Dù bạn có rửa với nước thì vi khuẩn vẫn có thể tồn tại và khi thực phẩm tiếp xúc với thớt, chúng sẽ dễ dàng bám lại lên thức ăn. 

10

Cách làm sạch: Sau mỗi lần sử dụng, bạn hãy rửa thớt bằng nước lạnh, sau đó chà xát muối hột để loại bỏ vi khuẩn. Một khi thớt có dấu hiệu nứt, rã, hãy thay mới để tránh vi khuẩn tích tụ.

7. Dụng cụ ăn uống ướt chưa kịp khô

Thói quen xếp chồng bát đĩa ngay sau khi rửa mà không để ráo nước tưởng chừng như vô hại nhưng lại là nguyên nhân khiến bát đũa chứa đầy vi khuẩn. Các nghiên cứu cho thấy, môi trường ẩm ướt là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển, đặc biệt là các loại vi khuẩn đường ruột. Chúng có thể sinh sôi gấp 100 lần chỉ trong vài giờ đồng hồ, và khi bạn dùng bát đĩa đó để đựng thức ăn, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể.

Ngoài ra, vi khuẩn từ tay, miệng và thức ăn bám vào bát đĩa cũng có thể tồn tại dai dẳng nếu bát đĩa không được sấy khô hoàn toàn trước khi cất vào tủ. Đặc biệt, đũa gỗ, muỗng gỗ hay thìa nhựa có các kẽ nhỏ li ti, nếu còn ẩm thì rất dễ nấm mốc mà mắt thường không nhìn thấy được.

10

Cách làm sạch: Bạn nên dùng giá để chén dạng thoáng khí, úp nghiêng hoặc dựng đứng để nước chảy hết trước khi cất vào tủ.

8. Gia vị không được bảo quản sạch

Mở lọ tương cà, dầu hào sau vài tháng, thấy mốc meo, chảy nước, có mùi lạ? Đó là do những gia vị này có độ ẩm cao, dễ nhiễm khuẩn mà mắt thường không nhìn thấy, nếu không bảo quản lạnh, vi khuẩn và nấm mốc phát triển nhanh, thậm chí sinh ra độc tố nguy hiểm.

10

Cách làm sạch: Mua loại đóng gói nhỏ để dùng hết nhanh, sau khi mở nắp nên lau sạch miệng chai và bảo quản trong tủ lạnh.

9. Bát ăn của thú cưng

Nếu bạn chạm vào bát của thú cưng mà thấy trơn nhầy, đó chính là lớp màng sinh học của vi khuẩn, nấm và tảo. Nếu không vệ sinh kỹ, thú cưng có thể bị viêm ruột, loét miệng, thậm chí lây bệnh sang con người.

10

Cách khắc phục: Dùng nước nóng và dung dịch vệ sinh chuyên dụng cho thú cưng để rửa bát mỗi ngày, nếu quá bận thì ít nhất cũng phải 3-4 lần/tuần.

10. Gối cao su trên 3 năm

Nhiều người giặt vỏ gối thường xuyên nhưng lại quên mất phần ruột gối. Thực tế thì gối cao su sau vài năm sử dụng sẽ bắt đầu phân hủy thành bụi mịn, dễ gây kích ứng đường hô hấp.

10

Cách làm sạch: Bạn nên thay gối cao su sau mỗi 2 năm. Nếu phát hiện gối bị bở, rơi vụn, hãy bỏ ngay và thay mới.

Nguồn: Toutiao

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày