Ông Trương là người từ tỉnh khác đến Quảng Đông, Trung Quốc làm việc. Sau một thời gian sinh sống tại đây, ông mua lại cửa hàng từ người hàng xóm họ Lưu với giá 800.000 NDT (khoảng 2,8 tỷ đồng) để phát triển công việc kinh doanh. Hai người nhanh chóng ký hợp đồng mua bán trên giấy tờ và ông Trương đã trả toàn bộ số tiền mua nhà trong 1 lần.
Vì ông Trương và ông Lưu là người cùng quê, có mối quan hệ thân thiết nên ông Trương không vội vàng làm thủ tục chuyển nhượng tài sản, chỉ cải tạo lại ngôi nhà và bắt đầu kinh doanh.
Hai năm sau, cửa hàng mặt tiền mà ông Trương mua nằm trong diện giải tỏa và được đền bù 2,08 triệu NDT (khoảng 7,4 tỷ đồng). Tuy nhiên, do giấy chứng nhận quyền sở hữu vẫn đứng tên ông Lưu, nên theo quy định, tiền bồi thường phá dỡ chỉ có thể gửi về tài khoản của ông Lưu trước.
Ban đầu, ông Lưu liên tục trấn an ông Trương hãy yên tâm, hứa rằng sẽ gửi lại khoản tiền bồi thường đó cho ông Trương ngay khi nhận được. Nhưng khi tiền đã về tài khoản của ông Lưu, tình hình đã thay đổi 180 độ khiến ông Trương vô cùng ngỡ ngàng.
Đầu tiên, ông Lưu chuyển 1,5 triệu NDT (khoảng 5,3 tỷ đồng) cho ông Trương, sau đó nói rằng sẽ chuyển số tiền còn lại vào vài ngày tới. Nhưng ông Trương chờ mãi vẫn không thấy ông Lưu đả động gì đến chuyện gửi tiếp, ông Trương đành sang tìm người hàng xóm của mình để hỏi rõ.
Khi thấy ông Trương đến gặp mình hỏi về số tiền, ông Lưu thẳng thừng đáp lại: “Ông mới mua căn nhà này được hai năm, đưa cho ông 1,5 triệu NDT đã là rất hào phóng rồi. Ngôi nhà này ban đầu là của tôi, tại sao tôi phải cho anh toàn bộ tiền đền bù giải tỏa?”.
Ông Trương vô cùng tức giận vì người hàng xóm thân lại đột nhiên nuốt lời. Những ngày sau, ông đã nhiều lần đến gặp ông Lưu để yêu cầu trả đủ tiền bồi thường, nhưng thái độ của ông Lưu ngày càng kiên quyết không đưa lại đồng nào. Trước thái độ ngạo mạn và vô lý của ông Lưu, ông Trương cảm thấy bất lực và quyết định kiện hàng xóm của mình ra tòa.
(Ảnh minh họa)
Khi nhận được đơn kiện của ông Trương, Tòa án Quảng Đông xét thấy vụ tranh chấp khoản tiền đền bù giải tỏa này liên quan đến một số vấn đề pháp lý quan trọng. Trong đó, những vấn đề cốt lõi bao gồm: hiệu lực của hợp đồng mua bán nhà, quyền sở hữu đối với khoản tiền bồi thường, việc chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản và xác định quyền, lợi ích thực tế.
Bộ luật Dân sự Trung Quốc quy định, chỉ cần ý định chuyển nhượng của cả hai bên trong hợp đồng là đúng sự thật, nội dung của hợp đồng không vi phạm các quy định bắt buộc của pháp luật thì hợp đồng được coi là có hiệu lực.
Trong trường hợp này, ông Trương và ông Lưu đã ký hợp đồng mua nhà bằng văn bản, được thực hiện trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, phản ánh đầy đủ ý định thực sự của cả hai bên. Hơn nữa, ông Trương đã thanh toán toàn bộ giá mua nhà theo đúng hợp đồng. Ông cũng thực sự vào ở, sử dụng căn nhà cho mục đích kinh doanh kể từ khi mua. Do đó, xét về hiệu lực hợp đồng, văn bản mua bán nhà do ông Trương và ông Lưu ký là hợp pháp và có giá trị pháp lý.
Khoản tiền đền bù giải tỏa là một hình thức bồi thường cho chủ nhà thực sự. Mặc dù xét về góc độ đăng ký tài sản, quyền sở hữu ngôi nhà vẫn được đăng ký dưới tên ông Lưu. Nhưng trên thực tế, ông Trương đã trả toàn bộ tiền mua và sử dụng ngôi nhà nên ông là chủ sở hữu thực sự của ngôi nhà.
Theo quy định pháp luật có liên quan, trong trường hợp này, ông Trương là người sở hữu thực tế và tiền bồi thường phá dỡ phải thuộc về ông Trương. Việc ông Lưu từ chối trả số tiền bồi thường chỉ vì giấy chứng nhận quyền sở hữu mang tên ông là không có cơ sở pháp lý. Cuối cùng, Tòa án Quảng Đông ra phán quyết rằng ông Lưu phải trả hết số tiền đền bù giải tỏa còn lại là 580.000 NDT (2 tỷ đồng) cho ông Trương.
(Theo Baijiahao)