Trong khoảng 5 năm trở lại đây, dòng phim cổ trang Hàn Quốc có phần chững lại, nhường "đất" phát triển cho phim hiện đại mang tính xã hội. Thực tế, không ít phim cổ trang vẫn được sản xuất nhưng đều chưa gây được tiếng vang bùng nổ. Những tác phẩm tình cảm cổ trang nổi bật như Love in the Moonlight, Moon Lovers hay mới nhất là bom tấn được trông đợi Arthdal Chronicles đều chưa đủ tầm bước vào hàng ngũ "bom tấn cổ trang" đã từng làm say mê đông đảo khán giả trước đây. Cùng điểm qua 7 bom tấn cổ trang tiêu biểu của màn ảnh nhỏ Hàn Quốc để nhắc nhớ một thời phim cổ trang Hàn "tung hoành".
Lên sóng năm 2003, không chỉ gây "bão" ở thị trường Hàn Quốc, Jewel in the Palace - hay còn được biết đến với cái tên thân quen hơn: Nàng Dae Jang Geum, còn là bộ phim "ruột" của nhiều gia đình Việt Nam một thời. Bộ phim gây ấn tượng mạnh với cốt truyện xoay quanh câu chuyện có thật: một cô cung nữ mồ côi làm việc trong khu bếp hoàng gia, sau trở thành nữ ngự y đầu tiên cho nhà vua dưới thời Joseon. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Jewel in the Palace lại chiếm được cảm tình đặc biệt như thế, kịch bản chắc tay, diễn xuất có tầm cộng thêm nội dung giàu ý nghĩa, mang thông điệp tôn vinh nét đẹp người phụ nữ Hàn, tất cả cùng tạo nên chuỗi thành công của siêu phẩm cổ trang này.
Jewel in the Palace đã xây dựng bối cảnh hoành tráng cùng phục trang lộng lẫy, bộ phim thu về doanh thu khủng và đặt cột mốc tỉ suất người xem kỉ lục tại Hàn Quốc - 57%, được 60 quốc gia chiếu lại. Đây đồng thời là bệ phóng cho nhiều diễn viên nổi tiếng, đưa cái tên Lee Young Ae lên vị thế hàng đầu và cho đến hôm nay danh hiệu "ngọc nữ" vẫn chưa bao giờ rời khỏi cô. Gần hai thập kỉ đã qua, Jewel in the Palace vẫn là bộ phim cổ trang hiếm hoi không theo mô típ tranh giành quyền lực nhưng vẫn chiếm ưu thế áp đảo trong lòng người xem.
Bộ phim càn quét châu Á, góp công lớn truyền bá văn hóa và ẩm thực Hàn Quốc đến đông đảo khán giả quốc tế.
Trong rất nhiều dự án cổ trang Hàn Quốc lấy đề tài quyền đấu, lập quốc, chừng như vẫn chưa có tác phẩm nào vượt qua cái bóng quá lớn của Jumong. Nhân vật chính Jumong (Song Il Gook) là vị hoàng tử của định mệnh, con trai của tướng quân Hae Mo Su đại tài, "con chim ba chân" mang trên mình sứ mệnh lập ra một đất nước mới. Bộ phim theo chân Jumong trên hành trình từ một hoàng tử chỉ biết ăn chơi tới lúc trở thành người sáng lập vương quốc Goguryeo, chính là tiền thân quan trọng của Hàn Quốc sau này. Những trắc trở trong đời Jumong, chuyện tình lắm chông gai của chàng và tiểu thư So Seo No (Han Hye Jin), những cuộc chiến và âm mưu chính trị dày đặc, cùng với tình bằng hữu, nghĩa quân thần, rất nhiều vấn đề đã quy tụ cả vào 81 tập phim, tạo nên một tác phẩm cổ trang hoành tráng.
Jumong là một bộ phim hoành tráng về lịch sử, chính trị, chiến tranh và tình yêu.
Thời điểm lên sóng, bộ phim càn quét bảng tỉ suất tại quê nhà Hàn Quốc với rating cao nhất đạt 51,9%. Bộ phim nổi tiếng đến nỗi kịch bản đã được kéo dài từ 60 lên đến 81 tập phim. Jumong càn quét các giải thưởng năm đó và được nhiều quốc gia phát sóng lại, trong đó cá biệt ở Iran phim đạt rating vượt mốc 80%. Hiện tại nếu xem lại Jumong, khán giả vẫn sẽ không khỏi choáng ngợp với ngoại cảnh chân thật, những phân đoạn chiến đấu mãn nhãn, dàn diễn viên quá mức hùng hậu cùng lượng nội dung truyền tải khổng lồ mà phần lớn tác phẩm cổ trang hiện nay đều không "có cửa" so sánh về quy mô. Thế nên hẳn không phải tự nhiên mà Jumong trở thành một bom tấn cổ trang gắn liền với kí ức tuổi thơ của hàng triệu khán giả Hàn Quốc và Việt Nam.
Quy mô về nội dung và hình ảnh của Jumong đến giờ chưa chắc có phim cổ trang nào sánh được.
Sau thành công rực rỡ của Jewel in the Palace và Jumong, đài MBC tiếp tục khẳng định vị thế của "nhà đài tạo hit" khi khiến khán giả truyền hình "chao đảo" với siêu phẩm cổ trang Queen Seon Deok vào năm 2009. Tác phẩm khắc họa bức tranh chân thực về cuộc chiến của những người phụ nữ thông minh, xinh đẹp và đầy mưu mô trong chốn nội cung. Một điều thú vị đó là Queen Seon Deok có cùng "mẹ đẻ" với Jewel in the Palace, cả hai phim truyền hình kinh điển này đều được chắp bút bởi biên kịch Kim Young Hyun, người được mệnh danh là "huyền thoại" của dòng phim cổ trang Hàn Quốc.
Với cốt truyện xoay quanh cuộc chiến giành quyền lực giữa công chúa Deokman (Lee Yo Won) với Phu nhân Mishil (Go Hyun Jung), Queen Seon Deok không hề bị trùng lặp với những bộ phim cung đấu thời bấy giờ và tạo cho riêng mình dấu ấn khó phai nhạt nhờ tình tiết chặt chẽ, các yếu tố tình cảm được đan cài tinh tế. Nếu nàng Dae Jang Geum khiến chúng ta yêu mến vì tính cách kiên cường, lương thiện thì Deokman lại làm chúng ta say mê bởi sự thông minh, dũng cảm và đôi khi cần một chút thủ đoạn. Diễn xuất của hai nữ chủ Lee Yo Won và Go Hyun Jung hoàn toàn thuyết phục người hâm mộ.
Không chỉ thế, bộ phim còn đánh dấu những bước tiến đầu tiên của Yoo Seung Ho, Nam Ji Hyun, UEE, Shin Se Kyung,... những diễn viên trẻ nổi bật của làng phim Hàn thời điểm hiện tại. Tròn 10 năm sau khi lên sóng, Queen Seon Deok vẫn là một tượng đài của dòng phim cổ trang Hàn Quốc với nhiều thông điệp đắt giá về nữ quyền, tình yêu và quyền lực.
Những nam thanh nữ tú nổi bật của chúng ta năm ấy, các bạn có nhận ra chăng?
Ngay từ khi công bố dự án, The Legend đã khiến khán giả phải choáng ngợp với mức kinh phí sản xuất khổng lồ lên đến 43 tỉ won (~ 850 tỉ VND) - một con số kỉ lục ở thời điểm năm 2007. Phim đồng thời "chiêu dụ" được tài tử Winter Sonata - Bae Yong Joon cho vai nam chính. Chuyện phim đậm màu thần thoại, khởi nguồn từ mối ân oán tình thù 2000 năm trước của thiên đế và hai nữ thần. Sau 2000 năm, ba người chuyển thế thành vua của Jooshin và hai chị em, đồng thời đánh thức các vị thần Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ, tiếp tục mối ân oán ngàn năm. Với cốt truyện và bối cảnh cực phức tạp và hoành tráng, pha trộn giữ thực tại và thần thoại, The Legend cán mốc rating cao nhất 35,7% ở tập cuối cùng, trở thành một trong những phim cổ trang nổi nhất ở Hàn Quốc và Trung Quốc.
Trong sự nghiệp của Lee Jun Ki, ngoài vai diễn để đời trong King and the Clown (Nhà Vua và Chàng Hề), Iljimae có thể nói là dấu ấn đậm nét nhất trong sự nghiệp của anh, giúp anh trở thành "hoàng tử cổ trang". Iljimae là phim hiếm hoi của Hàn Quốc lấy cảm hứng từ một nhân vật của Trung Quốc - quái hiệp Nhất Chi Mai. Nhân vật trung tâm bình thường là gã trai lông bông Yong Il, đêm xuống trở thành quái hiệp Iljimae chuyên hành hiệp trượng nghĩa và đột nhập vào những nhà quý tộc tìm bằng chứng trả mối thù nhà bởi thân phận thật của anh là công tử Lee Geum con trai của một công thần bị hãm hại oan mà mất mạng. Hành trình tìm kiếm công lý của Iljimae và mối tình đẹp nhưng buồn của anh với tiểu thư Eun Chae (Han Hyo Joo) đã lay động nhiều khán giả, đưa phim trở thành tác phẩm ăn khách bậc nhất. Iljimae cũng là tác phẩm giúp hai gương mặt nhí Yeo Jin Goo và Kim Yoo Jung bước đầu nhận được sự chú ý đặc biệt từ khán giả.
Iljimae có thể nói là vai diễn để đời trong sự nghiệp của hoàng tử cổ trang Lee Jun Ki.
Kim Yoo Jung và Yeo Jin Goo cũng đã "đánh cắp" trái tim khán giả chính từ bộ phim này.
Nhắc đến bom tấn cổ trang Hàn Quốc hẳn không thể nào bỏ qua cái tên "sừng sỏ" The Moon Embracing. Siêu phẩm cổ trang này xoay quanh mối tình đầy bi kịch giữa vua Lee Hwon (Kim Soo Hyun) với Yeon Woo (Han Ga In) từ thuở ấu thơ đến lúc bị chia cắt và rồi trùng phùng, cũng như lột tả cuộc chiến quyền lực ngấm ngầm mà khốc liệt chốn hoàng cung. Nhờ những tình tiết gay cấn đan xen với yếu tố tình cảm lãng mạn, tác phẩm không chỉ để lại dấu ấn đậm nét về góc khuất chính trị mà còn trở thành một tượng đài trong dòng cổ trang kết hợp quyền đấu và lãng mạn.
Kết thúc với rating vượt 42%, The Moon Embracing The Sun thu về lợi nhuận khổng lồ, đồng thời khẳng định kĩ năng diễn xuất và nâng tầm danh tiếng của các diễn viên nòng cốt. The Moon Embracing The Sun còn có công "khai phá" tài năng của dàn diễn viên nhí, mở ra tương lai sáng lạn cho làng phim ảnh xứ kim chi. Cả dàn diễn viên nhí hoành tráng năm ấy gồm Yeo Jin Goo, Kim Yoo Jung và Kim So Hyun nay không chỉ trở thành những cái tên quen thuộc với khán giả truyền hình và đã dần thành "nam châm" hút truyền thông, bảo chứng thương hiệu của một tác phẩm. Không ngoa khi nói rằng The Moon Embracing The Sun là bệ phóng vững chắc cho thế hệ diễn viên nhí vàng của làng giải trí Hàn.
Ba diễn viên nhỏ tuổi năm nào trong phim nay đều đã trở thành những tên tuổi có vị trí nhất định trong làng giải trí.
Empress Ki (Hoàng Hậu Ki) là tác phẩm để đời của nhiều diễn viên nổi tiếng, đơn cử là Ji Chang Wook. Bộ phim khẳng định tài năng diễn xuất đồng thời mang về nhiều giải thưởng danh giá đưa tên tuổi nam diễn viên lên hàng sao hạng A. Empress Ki khai thác góc tối chốn hậu cung với những âm mưu thâm độc, dùng mọi thủ đoạn để giành được sự ân sủng của vua Nguyên. Bật lên giữa nơi đầy cạm bẫy ấy là cung nữ Yang I (Ha Ji Won) - một người xinh đẹp, văn võ song toàn và cũng là Hoàng hậu Ki sau này. Không chỉ chuyện tranh sủng, Empress Ki là một "bàn tiệc" âm mưu và tham vọng chính trị rối rắm. Xuyên suốt mạch phim, khán giả không khỏi trầm trồ trước sự thông minh, tài trí của Yang I, song cũng nhiều lần thổn thức khi chứng kiến chuyện tình trắc trở giữa nàng và Ta Hwan (Ji Chang Wook).
Đây là tác phẩm cổ trang thành công nhất trên màn ảnh nhỏ Hàn Quốc trong năm 2013 với rating lên đến gần 30% sau 51 tập phát sóng. Kinh phí đầu tư khủng, quy tụ hàng loạt diễn viên đình đám như Ha Ji Won, Joo Jin Mo, Baek Jin Hee và nhất là giới thiệu "ngôi sao mới" Ji Chang Wook, Empress Ki đã tạo nên cơn sốt mạnh trong và ngoài Hàn Quốc. Đây chừng như cũng là tác phẩm kết thúc thời kì hoàng kim đích thực của cổ trang Hàn Quốc bởi sau Empress Ki, phim cổ trang Hàn dần đi theo hướng chú trọng lãng mạn mà điển hình là thành công hiếm hoi của Love in the Moonlight (Mây Họa Ánh Trăng). Còn lại rất nhiều tác phẩm khác đều không thực sự bùng nổ và có khả năng "càn quét" xuyên biên giới như các bom tấn trước đây từng làm được.
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.