6 thói quen khi giặt sấy khiến quần áo càng giặt càng bốc mùi, vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng

Ngọc Ái, Theo Phụ nữ mới 00:00 19/06/2024

Rất nhiều người rơi vào tình trạng giặt sấy xong nhưng quần áo không được sạch, thơm và thậm chí bốc mùi khó chịu mà không hiểu lý do tại sao.

Mùi khó chịu, không khô hẳn của quần áo sau khi đã giặt sấy luôn là nỗi lo của các gia đình, nhất là vào mùa mưa, nồm ẩm. Masaharu Naruse - hiệu trưởng trường Cao đẳng y tế cơ sở Nagoya Bunka (Nhật Bản) là chuyên gia về vi khuẩn và công nghệ sinh học. Ông cho biết, ngoài thời tiết thì vi khuẩn cũng là một trong những nguyên nhân chính làm quần áo bốc mùi sau khi giặt và gây hại cho sức khỏe.

Trong đó phổ biến nhất là vi khuẩn tên là Moraxella, thường phát triển ở các màng nhầy như da, miệng, mũi khi loại vi khuẩn này xâm nhập. Khi tiếp xúc với quần áo sẽ phản ứng với mồ hôi và bã nhờn, sinh sôi nhanh và tiết ra chất gây hôi, hỏng quần áo. Đặc biệt, có 6 thói quen xấu khi giặt sấy tạo điều kiện cho vi khuẩn này sinh sôi, làm quần áo lâu khô và có mùi khó chịu nhưng rất nhiều người mắc phải:

1. Cho quần áo bẩn/ướt trực tiếp vào máy giặt, không giặt ngay

Rất nhiều người có thói quen ném quần áo bẩn, dù bẩn ở bất cứ mức độ nào hoặc đang bị ướt vào lồng máy giặt ngay khi thay ra. Theo Masaharu Naruse, đây là sai lầm khiến cả quần áo và máy giặt đều bị vi khuẩn “xâm chiếm”. Điều này sẽ càng tồi tệ hơn nếu như bạn không giặt ngay mà để qua đêm hoặc tích trong nhiều ngày mới giặt.

6 thói quen khi giặt sấy khiến quần áo càng giặt càng bốc mùi, vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng - Ảnh 1.

Không nên tích tụ quần áo nhiều ngày dù là giặt tay hay giặt máy (Ảnh minh họa)

Bởi vì lồng máy giặt kín và dễ ẩm ướt, cộng thêm quần áo vốn đang bẩn/ướt bị vứt lẫn lộn với nhau, gây lây nhiễm chéo. Thay vào đó, ông khuyên nên giặt quần áo ngay sau khi thay ra. Nếu chưa thể giặt ngay, hãy cho quần áo vào giỏ đựng đồ thoáng khí và để riêng đồ lót cũng như các loại đồ nhiều mồ hôi, ẩm ướt. Tốt hơn nữa là giặt trước những món đồ ướt hoặc quá bẩn hoặc phơi chúng cho khô rồi mới bỏ vào giỏ đựng chờ giặt.

2. Giặt quá nhiều quần áo cùng một lúc trong máy

Chuyên gia sức khỏe gia đình Kono Maki (Nhật Bản) thì chỉ ra rằng nếu bạn giặt quá nhiều quần áo cùng một lúc thì hiệu quả làm sạch sẽ không cao, gây mùi hôi khó chịu. Ngay cả khi lượng đồ giặt chưa vượt quá giới hạn công suất của máy giặt, nghĩa là máy vẫn có thể hoạt động nhưng sẽ không đủ khoảng trống để quá trình giặt giũ hiệu quả. Quá trình giặt cũng không đều, làm khô không đủ.

Ngoài ra, thói quen còn khiến quần áo cọ xát vào nhau quá mức và dễ hư hại quần áo. Về lâu dài còn giảm tuổi thọ của máy giặt. Vì vậy chỉ nên giặt lượng đồ chiếm 80 - 90% so với công suất/cân nặng của máy nhà bạn để quần áo sạch và thơm.

3. Cho quá nhiều bột giặt, nước xả vải cùng một lúc

Nếu cho rằng đổ nhiệt nước giặt/ bột giặt hay nước xả vải cùng lúc sẽ giúp quần áo sạch hơn, thơm hơn thì bạn đã lầm!

Kono Maki cho biết, khi bạn cho quá nhiều bột giặt sẽ làm tắc ngăn đựng bột giặt và gây mùi khó chịu. Ngoài ra, việc sử dụng quá nhiều nước xả vải cũng làm cho quần áo khó được giặt sạch hơn. Bạn chỉ nên dùng liều lượng phù hợp và nếu cần, hãy sử dụng dụng cụ đo lường cho chuẩn xác.

6 thói quen khi giặt sấy khiến quần áo càng giặt càng bốc mùi, vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng - Ảnh 2.

Không nên lạm dụng bột giặt/nước giặt hay nước xả vải dù giặt tay hay giặt máy (Ảnh minh họa)

Còn Masaharu Naruse thì bổ sung thêm rằng đổ quá nhiều bột giặt/nước giặt sẽ thực sự gây cặn bột giặt và hòa tan không hoàn toàn, từ đó tạo môi trường dễ cho vi khuẩn sinh sản. Quá nhiều bột giặt còn làm cho quần áo giặt xong vẫn còn dính bột giặt, thô cứng bởi các máy giặt có thể được hẹn giờ hoặc chỉ chạy theo chương trình cài đặt.

4.  Không phơi quần áo ngay sau khi giặt

Giặt quần áo xong, không ít người vì bận rộn hoặc lười biếng, quên mà không phơi ngay treo quần áo lên phơi ngay. Cả Masaharu Naruse lẫn Kono Maki đều cảnh báo thói quen này rất hại cho quần áo, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và làm quần áo bốc mùi.

Masaharu Naruse giải thích, nếu không phơi ngay sau khi giặt xong, quần áo sẽ tiếp tục bị ẩm và không được thông khí, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Nếu để quần áo ẩm trong thời gian dài, nấm mốc có thể phát triển rất nhanh, gây mùi hôi và làm hư hại các sợi vải, khiến quần áo dễ bị bạc màu, bong tróc, giãn nở, thậm chí là bị thối rữa. Chưa kể, nếu giặt máy mà mắc sai lầm này cũng làm máy giặt nhanh hỏng hơn. Ông khuyến cáo, dù giặt tay hay giặt máy thì đều cần phơi ngay sau khi giặt xong.

5. Đậy nắp máy giặt ngay sau khi sử dụng

Nhiều người cho rằng nên đắp nắp máy giặt lại ngay sau khi giặt xong để máy giặt sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên gia thì hoàn toàn ngược lại.

Masaharu Naruse nhắc nhở, sau khi lấy quần áo ra, tốt hơn hết là bạn không nên đóng nắp máy giặt ngay lập tức mà để mở khoảng 15 - 30 phút. Nếu có quạt hay máy thông gió để bật trong thời gian này thì càng tốt. Bởi vì quần áo vừa mới giặt nên vẫn còn hơi ẩm trong lòng giặt, nếu đóng nắp ngay độ ẩm sẽ tích tụ trong máy giặt, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi. Những lần giặt sau quần áo sẽ dễ hôi và giảm tuổi thọ của máy.

6. Chọn nơi phơi quần áo không phù hợp

Kono Maki chia sẻ, phơi quần áo ở ngoài trời, nơi thoáng khí và dưới ánh nắng mặt trời là tốt nhất. Tuy nhiên không phải ai cũng làm được điều này, nhất là vào mùa mưa bão, không gian quá chật hẹp hoặc do quá bận rộn dẫn tới phải phơi quần áo trong nhà.

Bản thân việc phơi quần áo trong nhà đã làm tăng nguy cơ quần áo lâu khô, vi khuẩn sinh sôi và có mùi hôi khó chịu. Đặc biệt, Masaharu Naruse cảnh báo rằng nếu chọn sai vị trí phơi thì càng tồi tệ hơn. Ví dụ như phơi ngay trong nhà tắm hay những nơi hoàn toàn không có nắng, thông gió. Phơi quần áo gần chỗ nấu ăn cũng là một lựa chọn sai lầm.

6 thói quen khi giặt sấy khiến quần áo càng giặt càng bốc mùi, vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng - Ảnh 3.

Tốt nhất là không nên phơi quần áo trong nhà, nhất là những nơi ẩm ướt và nhiều vi khuẩn như phòng tắm (Ảnh minh họa)

Hay vào mùa mưa, nhiều người có thói quen phơi quần áo tại những vị trí gần cửa sổ để giúp quần áo phơi khô nhanh hơn. Thế nhưng điều này sẽ khiến độ ẩm trong nhà ngày một tăng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây hại cho áo quần và bốc mùi hôi khó chịu.

Nếu buộc phải phơi quần áo trong nhà, Kono Maki nhắc nhở nên dùng chế độ giặt sấy, dùng máy sấy quần áo chuyên dụng hoặc dùng quạt thổi gió kết hợp. Masaharu Naruse thì đưa ra 1 mẹo để giảm khả năng vi khuẩn sinh sôi đó là giặt với nước ấm hoặc ngâm quần áo trong nước 40 - 50 độ C 30 phút trước khi giặt.

Nguồn và ảnh: Good Morning Health, Daily Mail

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày