6 thay đổi cho thấy đã bước vào giai đoạn đầu ung thư đại trực tràng lúc nào không hay

Ngọc Ái, Theo Phụ nữ mới 12:05 18/10/2023
Chia sẻ

Một số triệu chứng ban đầu của ung thư đại trực tràng rất dễ bị xem nhẹ, nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa thông thường.

Ung thư đại trực tràng là khối u ác tính xảy ra ở trực tràng và có nguồn gốc từ các tế bào biểu mô niêm mạc trực tràng. Đây là một căn bệnh nguy hiểm, có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Bởi không chỉ có tỷ lệ mắc và tử vong cao, bệnh còn ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống hàng ngày, tâm lý và đặc biệt là gây ra hàng loạt biến chứng về sức khỏe, nguy cơ di căn cũng như tái phát cao.

6 triệu chứng giai đoạn đầu ung thư đại trực tràng

May mắn là việc phát hiện sớm, điều trị sớm và quản lý toàn diện có thể cải thiện đáng kể khả năng sống sót và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Ung thư đại trực tràng giai đoạn đầu chưa lây lan ra ngoài vị trí chính - thường là giai đoạn 0 hoặc giai đoạn 1 - có tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 89.8%.

6 thay đổi cho thấy đã bước vào giai đoạn đầu ung thư đại trực tràng lúc nào không hay - Ảnh 1.

Ung thư đại trực tràng gây ra mệt mỏi, đau bụng, sụt cân nhanh bất thường (Ảnh minh họa)

Nhưng để làm được điều này, chúng ta cần hết sức chú ý, không bỏ lỡ 6 dấu hiệu sớm nhất của ung thư đại trực tràng sau đây:

- Rối loạn tiêu hóa dai dẳng: Một trong những triệu chứng phổ biến nhất là thay đổi thói quen đại tiện. Chẳng hạn như táo bón, tiêu chảy hoặc các đợt xuất hiện xen kẽ 2 rối loạn tiêu hóa.

- Chán ăn, đầy bụng: Khó tiêu, đầy trướng bụng trên vùng rốn, ăn không ngon là tình trạng thường thấy ở người bệnh ung thư đại tràng. Đau bụng được biểu hiện bằng các triệu chứng khó chịu ở vùng dạ dày, từ đó gây ảnh hưởng và khó chịu ở toàn bộ vùng bụng, phổ biến là mệt mỏi phờ phạc và đau bụng từng cơn.

- Thay đổi thói quen đại tiện: Ví dụ như đại tiện nhiều hơn,đau quặn, mót rặn, khó chịu khi đi ngoài. Khi đi đại tiện, người bệnh thường bị đau quặn, mót rặn, phân nhầy mũi máu và phân nát, phân hình lá lúa (do phân phải đi qua khối u), đi xong vẫn muốn rặn tiếp.

- Có máu khi đi đại tiện: Khi phân đi qua khối u không chỉ làm cho chúng thay đổi về kích cỡ mà chúng còn gây nên hiện tượng chảy máu. Đại tiện kèm máu đỏ tươi, nhỏ giọt, phủ lên phân là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư trực tràng. Máu có thể lẫn trong phân hoặc được nhận thấy sau khi đi tiêu. Triệu chứng này rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh trĩ.

- Giảm cân không rõ nguyên nhân: Nếu không có lý do rõ ràng như ăn kiêng hoặc tăng cường tập thể dục nhưng lại giảm cân đáng kể thì đó có thể là một trong những triệu chứng của ung thư trực tràng.

- Mệt mỏi và căng thẳng, chóng mặt: Mệt mỏi do ung thư đại tràng thường liên quan đến thiếu máu do mất máu trong phân. Người bệnh cảm thấy kiệt sức ngay cả khi đã nghỉ ngơi, đồng thời suy nhược cơ thể một cách nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân.

Xin lưu ý rằng các triệu chứng trên không nhất thiết có nghĩa là bạn bị ung thư trực tràng vì chúng có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác. Tuy nhiên, nếu bạn gặp bất kỳ một hoặc nhiều triệu chứng này, tốt nhất là tiến hành chẩn đoán y tế sớm để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Những người có nguy cơ cao và cách ngăn ngừa ung thư đại trực tràng

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh ung thư đại trực tràng, tuy nhiên có một số nhóm người nằm trong nhóm nguy cơ cao mắc bệnh đó là:

- Người có yếu tố di truyền: Một số đột biến gen nhất định có thể làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng. Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư trực tràng hoặc ruột kết có nguy cơ mắc ung thư trực tràng cao hơn.

- Người trên 50 tuổi: Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ cao nhất là người trên 50 tuổi.

- Người mắc một số bệnh: Polyp đường ruột có nguy cơ rất cao tiến triển thành ung thư trực tràng nếu không được điều trị kịp thời. Hoặc những người mắc bệnh viêm ruột như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.

- Người có lối sống không lành mạnh: Ung thư đại trực tràng dễ gặp hơn ở những người có lối sống không lành mạnh lâu dài như chế độ ăn nhiều chất béo, thiếu chất xơ, thích ăn nhiều thịt chế biến sẵn… Đồng thời, ít vận động, béo phì, hút thuốc và uống rượu quá nhiều cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng.

Như vậy, có những yếu tố gây ung thư đại trực tràng chúng ta không thể thay đổi được, nhưng ngược lại cũng có nhiều yếu tố có thể giảm thiểu nhờ điều chỉnh lối sống. Hãy phòng ngừa ung thư trực tràng bằng cách:

- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Điều rất quan trọng là duy trì chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng. Tăng cường ăn rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.

- Kiểm soát cân nặng: Duy trì mức cân nặng phù hợp có thể giúp giảm tỷ lệ mắc ung thư trực tràng, nhất là kiểm soát kích thước vòng eo.

6 thay đổi cho thấy đã bước vào giai đoạn đầu ung thư đại trực tràng lúc nào không hay - Ảnh 2.

Chế độ ăn uống lành mạnh giúp giảm đáng kể nguy cơ ung thư đại trực tràng (Ảnh minh họa)

- Vận động đều đặn: Hoạt động thể chất thường xuyên, chẳng hạn như đi bộ, chạy hoặc các bài tập aerobic khác… Thói quen này còn giúp kiểm soát cân nặng nên rất hữu ích để phòng bệnh ung thư đại trực tràng.

- Đặc biệt chú trọng bổ sung chất xơ: Ăn nhiều chất xơ có thể có lợi cho sức khỏe đường ruột. Tăng cường ăn các thực phẩm giàu chất xơ như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu có thể giúp ngăn ngừa ung thư trực tràng.

- Bỏ hút thuốc và hạn chế uống rượu: Hút thuốc và uống rượu quá mức có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, trong đó có ung thư trực tràng. Bỏ hút thuốc và hạn chế uống rượu có thể làm giảm nguy cơ ung thư.

- Khám sàng lọc định kỳ: Nội soi đại tràng thường xuyên là phương pháp quan trọng để xác định và phát hiện sớm ung thư trực tràng. Tùy thuộc vào hoàn cảnh cá nhân và tiền sử gia đình, bác sĩ sẽ đề xuất lịch trình và phương pháp sàng lọc phù hợp.

Lưu ý rằng những khuyến nghị này không đảm bảo ngăn ngừa hoàn toàn ung thư trực tràng, nhưng chúng có thể làm giảm đáng kể nguy cơ. Cách tiếp cận tốt nhất là thảo luận về những rủi ro cá nhân của bạn với bác sĩ và xây dựng kế hoạch phòng ngừa phù hợp với bản thân.

Nguồn và ảnh: QQ, Family Doctor, Cancer123

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày