Không ít người vẫn giữ những thói quen nấu nướng, bảo quản thực phẩm tưởng chừng vô hại. Nhưng thực tế, chính những điều tưởng "nhỏ nhặt" này lại có thể trở thành tác nhân gây bệnh, thậm chí liên quan đến các vấn đề nghiêm trọng như ung thư, tổn thương gan hoặc hệ hô hấp. Dưới đây là 5 thói quen điển hình cần xem lại ngay nếu bạn muốn giữ gìn sức khỏe lâu dài cho cả gia đình.
1. Ăn rau củ đã hư nhẹ hoặc có dấu hiệu mốc
Nhiều người có xu hướng cắt bỏ phần hư rồi sử dụng tiếp phần còn lại của trái cây, rau củ. Đây là cách làm phổ biến để tránh lãng phí, đặc biệt với những thực phẩm đắt tiền hoặc được mua số lượng lớn. Tuy nhiên, việc này tiềm ẩn rủi ro rất lớn.
Nấm mốc không chỉ nằm ở phần hư mà có thể đã lan rộng ra cả phần thực phẩm trông có vẻ bình thường. Một số loại vi nấm sản sinh độc tố aflatoxin - được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào nhóm chất có khả năng gây ung thư cao, đặc biệt là ung thư gan.
Giải pháp: Nên mua rau củ vừa đủ dùng, ưu tiên thực phẩm tươi theo mùa. Hạn chế mua hàng giảm giá cận ngày, đặc biệt là các loại trái cây trộn sẵn hoặc đã cắt gọt sẵn.
2. Ăn đồ thừa thường xuyên và để lâu ngày trong tủ lạnh
Thức ăn thừa nếu không được bảo quản đúng cách hoặc để quá lâu rất dễ phát sinh vi khuẩn, thậm chí hình thành các chất độc như nitrosamine - một chất liên quan đến ung thư dạ dày. Việc hâm đi hâm lại nhiều lần không chỉ làm giảm giá trị dinh dưỡng mà còn tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Dù nhiều người nghĩ rằng tủ lạnh là "nơi an toàn", nhưng thực tế đây chỉ là giải pháp bảo quản tạm thời, không phải để lưu trữ thực phẩm chín trong nhiều ngày.
Giải pháp: Hạn chế để thức ăn qua ngày. Nếu có thực phẩm thừa, nên bảo quản trong hộp kín và sử dụng trong vòng 1-2 ngày. Tốt hơn hết, hãy tính khẩu phần hợp lý để hạn chế nấu dư.
3. Không bật máy hút mùi khi nấu ăn
Khói bếp không chỉ gây khó chịu, mà còn chứa các hợp chất độc hại như formaldehyde, benzopyrene… lâu dài có thể gây hại cho hệ hô hấp. Đặc biệt, khi sử dụng bếp gas, nếu không thông gió đúng cách, khí CO và NO₂ sinh ra trong quá trình đốt cháy có thể ảnh hưởng đến tim và phổi.
Việc nấu ăn hàng ngày trong không gian kém thông thoáng cũng khiến dầu mỡ bám vào tường, thiết bị và dễ sinh vi khuẩn.
Giải pháp: Nên bật máy hút mùi ngay từ lúc bắt đầu nấu và duy trì thêm vài phút sau khi tắt bếp. Nếu không có máy hút, hãy mở cửa sổ để tạo luồng lưu thông không khí.
4. Tiếp tục sử dụng đũa gỗ dù đã có dấu hiệu mốc
Đũa gỗ hoặc đũa tre rất dễ giữ ẩm nếu không được làm khô đúng cách. Khi bị ẩm lâu ngày, chúng trở thành môi trường lý tưởng cho vi nấm phát triển - điển hình là Aspergillus flavus, một loại nấm mốc sinh aflatoxin gây độc cho gan và có khả năng gây ung thư.
Một số người còn có thói quen đun nước sôi để "khử trùng" đũa mốc, nhưng điều này không loại bỏ hoàn toàn độc tố đã ngấm vào chất liệu gỗ.
Giải pháp: Nên thay đũa định kỳ mỗi 3-6 tháng. Sau khi rửa, cần phơi nơi khô thoáng, tránh để đũa trong ống đựng kín hoặc trong tủ ẩm. Ưu tiên sử dụng đũa inox hoặc silicone nếu có điều kiện.
5. Dùng dầu ăn quá hạn hoặc tái sử dụng nhiều lần
Dầu ăn sau khi hết hạn hoặc bị tái sử dụng nhiều lần sẽ sản sinh ra các chất oxy hóa, dễ gây biến đổi tế bào và tổn thương nội tạng. Ngoài ra, khi bị đun đi đun lại ở nhiệt độ cao, dầu sẽ sinh ra acrolein - chất gây kích ứng mạnh cho đường hô hấp và được cho là có khả năng gây ung thư.
Không ít người có thói quen tận dụng dầu chiên rán lại nhiều lần để tiết kiệm. Tuy nhiên, sự tiết kiệm này đi kèm với rủi ro sức khỏe lớn.
Giải pháp: Dầu đã qua sử dụng nên được lọc sạch cặn, bảo quản nơi thoáng mát và chỉ nên dùng lại 1 lần với món chiên ít dầu. Tuyệt đối không dùng dầu ăn quá hạn. Hãy ưu tiên các loại dầu tinh luyện chất lượng, và sử dụng với liều lượng hợp lý trong mỗi lần nấu.