Trước giờ, nhiều người vẫn nghĩ máy giặt đơn giản là quăng đồ vào rồi bấm nút là xong. Nhưng thực tế không đơn giản vậy. Đã từng có hàng loạt tình huống dở khóc dở cười khiến máy hư hỏng, mất tiền oan mà thủ phạm... lại chính là người dùng.
Vậy nên lần này, cùng điểm danh 8 lỗi máy giặt thường gặp xem bạn đã mắc bao nhiêu lỗi nhé!
1. Máy giặt trào bọt tung toé
Nếu từng chứng kiến cảnh máy giặt tuôn bọt ra như suối bạn sẽ hiểu cái cảm giác vừa hoảng hốt vừa mệt mỏi khi phải dọn là như thế nào. Nguyên nhân thì có thể đến từ mấy thói quen tưởng vô hại:
- Cho quá nhiều bột giặt hoặc nước giặt: Máy giặt vốn tiết kiệm nước và giặt ở nhiệt độ cao, nên nếu bạn cho xà phòng quá tay, bọt sẽ sinh ra nhiều hơn và dễ trào ra từ hộc chứa hoặc cánh cửa.
- Cho xà phòng vào chế độ tự vệ sinh lồng giặt: Nhiều người hiểu nhầm chế độ tự vệ sinh lồng giặt nghĩa là phải thêm chất tẩy rửa vào nhưng thực tế thì không cần thiết. Đây là chế độ quay không tải ở nhiệt độ cao, nếu có dùng chất tẩy thì cũng chỉ nên dùng loại chuyên dụng và với lượng rất nhỏ. Chỉ cần đổ nhiều là bọt tràn lênh láng.
- Đổ sai ngăn chứa xà phòng: Đến giờ vẫn có không ít người chưa biết rõ ký hiệu trên các ngăn chứa. Nếu bạn cho nhầm xà phòng vào ngăn nước xả thì đến lúc xả cuối, máy lại đẩy thêm một lượt xà phòng, khiến bọt bắn tung tóe.
2. Lỗi máy không thoát nước
Nếu đang chạy ngon lành rồi bỗng dừng, báo lỗi không thoát nước thì đừng vội nghĩ là máy giặt hỏng. Thực ra, phần lớn trường hợp là do ống thoát nước bị tắc hoặc lưới lọc rác ở đầu ống bị nghẽn. Những trường hợp này thường thì nếu gọi thợ về sửa sẽ mất vài trăm nghìn đồng, trong khi thao tác hoàn toàn đơn giản. Bạn chỉ cần mở phần cửa nhỏ ở dưới góc phải máy, vặn ra để lấy lưới lọc, đem rửa sạch là ổn.
3. Máy ngừng vì mất cân bằng trọng lượng
Máy đang giặt, tới bước vắt thì bỗng dừng, không báo lỗi gì cũng chẳng chịu quay thì rất có thể là do trống giặt bị lệch trọng lượng. Có hai tình huống dễ gây ra lỗi này:
- Giặt ít đồ nhưng lại toàn là mấy món nặng như áo bông, khăn tắm to, đồ lông... Chúng hút nước mạnh, lại dễ cuộn lại thành cục khiến trọng lượng trong lồng giặt bị lệch, máy sẽ tự động ngừng để đảm bảo an toàn.
- Nhồi quá nhiều đồ cùng lúc khiến quần áo quấn vào nhau thành cục lớn, dẫn đến mất cân bằng.
Cách xử lý khá đơn giản, bạn chỉ cần gỡ quần áo ra cho tơi ra. Nếu nhiều quá thì lấy bớt ra rồi giặt lại từng phần là được.
4. Máy không cấp nước
Vừa mới bật máy lên là báo lỗi không cấp nước. thì lúc này, đầu tiên bạn nên kiểm tra xem vòi nước đã mở chưa. Nếu mở rồi mà vẫn không có nước vào, rất có thể là lưới lọc ở đầu ống cấp nước bị bám cặn. Bạn vặn ống ở phía sau máy, lấy lưới lọc ra rửa sạch là xong.
Để hạn chế lỗi này từ đầu, bạn nên lắp thêm bộ lọc nước đầu nguồn. Cách này vừa lọc được cát sỏi, vừa kéo dài tuổi thọ máy giặt lẫn các thiết bị khác trong nhà.
5. Máy giặt bốc mùi khó chịu
Máy giặt rất dễ bị bí hơi. Sau khi giặt xong, nước và hơi ẩm đọng lại bên trong sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây mùi hôi. Và đây là lý do tại sao đóng kín cửa máy giặt sau khi giặt xong là sai lầm.
Tốt nhất là sau khi giặt, bạn cứ để cửa mở hé một chút cho thoáng khí. Nếu sợ trẻ con hoặc thú cưng chui vào thì có thể dùng kẹp giữ cửa chuyên dụng để đảm bảo an toàn, lại thông thoáng.
6. Gioăng cao su (ron cửa) bị mốc đen
Gioăng cao su ở cửa máy là nơi rất dễ tích nước, bám bụi vải và tạo thành nấm mốc. Vậy nên bạn nên lau ron sau mỗi lần giặt và để cửa mở để hong khô.
Còn nếu đã bị mốc thì bạn có thể dùng gel tẩy nấm mốc chuyên dụng để vệ sinh. Chỉ cần bôi dày lên vùng bị mốc, để vài tiếng rồi lau lại bằng khăn sạch, mốc đen sẽ biến mất. Gel này còn có thể dùng để tẩy mốc ở các khe kính, ron bồn rửa, máy đánh răng điện…
7. Giặt không sạch
Đây là vấn đề đau đầu nhất vì nguyên nhân thì muôn hình vạn trạng, nào là đồ quá bẩn, vết ố quá lì, lượng xà phòng không đủ, chọn sai chế độ… Nhưng một nguyên nhân thường thấy là lồng giặt bẩn khiến quần áo sau khi giặt vẫn bốc mùi hoặc bị dính cặn.
Ngoài ra, lạm dụng chế độ giặt nhanh cũng là 1 sai lầm phổ biến. Nhiều người thích chọn chế độ này vì tiết kiệm thời gian nhưng nó chỉ phù hợp với quần áo mỏng nhẹ, ít bẩn. Với đồ dày hơn, bẩn hơn thì giặt nhanh vừa không sạch, vừa không xả kỹ dễ dẫn đến gây dị ứng.
Trường hợp này, giải pháp là dùng chất tẩy lồng giặt chuyên dụng, khoảng 1–2 lần mỗi tháng. Loại có thành phần chứa clo hoạt tính sẽ giúp đánh bật cặn bẩn hiệu quả hơn.
8. Quần áo bị giặt hỏng
Nhiều gia đình cứ chọn một chế độ duy nhất cho mọi loại quần áo, thường là giặt hỗn hợp. Chế độ này đúng là an toàn, ít rủi ro nhưng không phù hợp với mọi chất liệu.
Nhà sản xuất đã cài sẵn rất nhiều chế độ cho từng loại vải từ len, cotton, đồ thể thao cho đến đồ em bé… để máy điều chỉnh nhiệt độ, lượng nước, tốc độ quay phù hợp. Vậy nên nếu bạn chọn đúng chế độ, quần áo không chỉ sạch mà còn giữ được form dáng, màu sắc lâu hơn.
Còn nếu bạn sợ quần áo bị phai màu, lem màu nhau thì có một mẹo nhỏ là dùng miếng hút màu khi giặt. Nhìn miếng đó đổi màu sau khi giặt là biết đã "cứu" được bao nhiêu áo trắng rồi đấy!
Nguồn: post.smzdm