Dòng phim thảm họa là một đề tài hấp dẫn bởi sự đa dạng trong nội dung, hành động đầy kịch tính lại có kỹ xảo đẹp mắt, đặc biệt là ở kinh đô điện ảnh Hollywood. Tuy nhiên, những bộ phim thể loại này không chỉ thỏa mãn khán giả về mặt giải trí, mà còn ngầm nêu thông điệp, nhắc nhở mọi người hãy cùng nhau bảo vệ môi trường nếu không muốn bản thân là nhân vật chính trong những thước phim đó.
1. The Day After Tomorrow (Ngày Tận Thế)
Mở đầu bộ phim, nhà khí tượng học Adrian (Dennis Quaid) trình bày những lo lắng về việc thế giới có nguy cơ trở lại thời kỳ kỷ băng hà do trái đất nóng dần lên và băng bắt đầu tan, khối nước lạnh này đổ xuống phía nam sẽ khiến khí hậu toàn cầu bị thay đổi. Ban đầu mọi người đều không tin cho đến khi những biến động đầu tiên xuất hiện: mưa đá, băng trôi, bão lũ, triều cường… xảy ra khắp nơi trên thế giới. Ông cùng người cộng sự và chính quyền các nước cùng nhau giải cứu nhân loại khỏi nạn diệt vong, trong đó có cả cậu con trai Sam (Jake Gyllenhaal) ra khỏi New York, khi thành phố này đang chịu những trận mưa to khủng khiếp, trận sóng thần cao tận 50 mét và cả sự thay đổi thời tiết đột ngột đến kinh hoàng?
Dù phim thảm hoạ The Day After Tomorrow là giả tưởng, thế nhưng nó cũng đủ nhắc nhở người ta về sự nóng lên của trái đất và nguy cơ lụt lội toàn cầu do băng tan, những nguy cơ hoàn toàn có thể xảy ra bởi hàng ngày con người vẫn đang hủy hoại môi trường sống của mình bằng lượng khí thải công nghiệp khổng lồ.
2. 2012
2012 là bộ phim rất nổi tiếng vào khoảng chục năm về trước, bởi nó được lấy cảm hứng từ lời tiên tri trong lịch Maya cổ, cho rằng 21/12/2012 sẽ là ngày chấm dứt sự tồn tại của loài người. Bộ phim cũng tập trung vào lời giải thích của "sấm truyền" này, tái hiện hình ảnh một cơn đại hồng thủy nhấn chìm nhân loại.
Bộ phim bắt đầu từ năm 2009 ở Ấn Độ, tiến sĩ địa lý Hemsley (Chiwetel Ejiofor) vô tình được chứng kiến lớp vỏ Trái Đất đang từ từ nóng lên ở dưới một hầm mỏ của người bạn. Ở độ sâu 850 mét, nước trong bể đã sôi sùng sục. Tiếp theo đó là hàng loạt nơi trên thế giới xuất hiện những cơn động đất kinh hoàng, làm nứt vỡ toàn bộ lục địa, kèm theo đó là núi lửa đồng loạt hoạt động. Trong lúc đó, Jackson (John Cusack) phải tìm đủ mọi cách, mọi nơi trú ẩn để cố gắng giữ mạng sống cho gia đình của mình. Bộ phim không chỉ xây dựng thảm họa ở một quốc gia mà xuất hiện cảnh ở những vùng đất khác nhau, các bức tượng, kiến trúc nổi tiếng thế giới bị phá hủy như một minh chứng cho bức tranh rộng lớn về tận thế của loài người.
3. The Impossible (Thảm Họa Sóng Thần)
Bộ phim được giới phê bình đánh giá cao, nhận được nhiều giải thưởng cao quý, một phần vì diễn xuất tự nhiên của Naomi Watts, Tom Holland, một phần vì kịch bản được xây dựng dựa trên câu chuyện hoàn toàn có thật. Điều đó chứng tỏ rõ sự đáng sợ của thiên nhiên có thể nhanh chóng đánh quật con người.
4. Into The Storm (Cuồng Phong Thịnh Nộ)
Cốt truyện xoay quanh nhóm nhân vật gồm Pete (Matt Walsh) có biệt danh "nhà săn bão", trưởng nhóm người chuyên đi săn hình ảnh của các cơn bão, đi vào tâm bão bất chấp sự nguy hiểm nhằm ghi lại những khoảnh khắc dữ dội nhất phục vụ cho các nghiên cứu của mình. Ngoài ra còn có bộ đôi Donk (Kyle Davis) kỳ quặc, vì muốn nổi tiếng trên Youtube nên tìm mọi cách di chuyển theo những cơn lốc, dùng điện thoại để quay lại tất cả những diễn biến của cơn bão kinh hoàng. Không thiết bị bảo hộ, không máy quay, không có bất kỳ kiến thức gì về thời tiết ngoài ước muốn nổi tiếng có phần quá mạo hiểm và điên rồ. Bộ đôi này đại diện cho rất nhiều thanh niên trong thời buổi công nghệ, quay lại tất cả những gì diễn ra bất chấp hậu quả như thế nào.
Into the Storm không có kỹ xảo phô trương nhưng lại chân thực đến nổi da gà, điều đó làm cho khán giả thấy được rằng con người dù thông minh, tính toán đến đâu, hay thiết bị tối tân như thế nào cuối cùng trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên, tất cả sẽ trở lên nhỏ bé và yếu đuối.
5. Pompeii (Thảm Họa Pompeii)
Khác với những bộ phim trên, Pompeii nói về thảm họa cách đây từ 2.000 năm, khi ngọn núi lửa Vesuvius tự nhiên phun trào đã xóa sổ Pompeii - thành phố của Đế quốc La Mã cổ đại.
Cậu bé Milo (Kit Harington) may mắn thoát chết sau vụ tàn sát dã man ngôi làng người Celt của binh lính La Mã. Song cậu cũng bị những tay buôn bán nô lệ bắt được khi đang trốn trong rừng rồi biến thành một võ sĩ giác đấu trong suốt gần 20 năm sau đó. Trên đường tới Pompeii, Milo có dịp chạm mặt và phải lòng với tiểu thư Cassia (Emily Browning) của một gia đình quyền quý. Tuy nhiên, lão nghị sĩ Corvus (Kiefer Sutherland) không để cho Cassia được yên khi truy đuổi và quyết tâm cướp Cassia về làm thê thiếp. Milo đã chống lại Corvus ra mặt để giành lấy tự do và tiểu thư xinh đẹp. Chỉ có điều, mọi toan tính của con người sớm đi chệch khỏi dự kiến khi ngọn núi lửa Vesuvius đang chầu chực nuốt chửng cả thành Pompeii rộng lớn.
Thực chất, Pompeii không đơn thuần là phim thảm họa thiên nhiên mà còn nhắc đến nhiều vấn đề khác như thù hận, tình yêu,… Tuy nhiên, vì kịch bản được xây dựng dựa trên sự kiện có thật thời cổ đại, cộng thêm kỹ xảo mãn nhãn, khán giả có thể hình dung được sức mạnh khủng khiếp của tự nhiên khi nhanh chóng xóa sổ hoàn toàn cả một đế quốc hùng mạnh, phát triển như La Mã. Cho đến ngày nay, điều này hoàn toàn vẫn có thể tái diễn.
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.