Nhà văn, nhà giáo dục nổi tiếng Trung Quốc - Nam Hoài Cẩn đã từng khẳng định tầm quan trọng của lời nói qua câu “ngôn ngữ là then chốt của người quân tử”. Nơi công sở cũng giống như ngoài xã hội, việc ăn nói cũng là một nghệ thuật. Người EQ cao sẽ thấu hiểu câu “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, trong khi người EQ thấp lại thường xuyên thốt ra 5 câu nói sau đây, tự biến con đường thăng tiến của mình thành ngõ cụt.
Nếu như mỗi lần gặp sự cố, chúng ta đều dùng những lý do để đổ lỗi và biện minh như: “Lỗi hệ thống”, “khách hàng không nói rõ”, “sếp yêu cầu thay đổi đột xuất”... sẽ khiến người khác cảm thấy bạn là người không có trách nhiệm. Đổi lại, một người thực sự thông minh và có trí tuệ cảm xúc cao, khi phát hiện sai sót trong báo cáo, sẽ chủ động nhận trách nhiệm: “Là do tôi kiểm tra chưa kỹ, tôi sẽ sửa ngay”. Chính sự thẳng thắn nhận lỗi, dám làm dám chịu này sẽ giúp một nhân viên lấy được lòng tin từ phía lãnh đạo và thiện cảm từ đồng nghiệp.
Tục ngữ có câu: “Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu”. Vậy nên kiêu ngạo, tự cao là một trong những bức tường ngăn cản bước tiến của bạn. Một người đồng nghiệp luôn ngắt lời người khác, phản bác những lời góp ý bằng câu nói: “Anh/Chị biết gì mà nói” sẽ khiến người khác không muốn tiếp xúc và đối thoại cùng. Bên cạnh đó, một người khác luôn khiêm tốn với câu nói: “Tôi chưa rõ lắm, anh/chị có thể nói cụ thể hơn được không?” sẽ dễ gây thiện cảm, thể hiện thái độ cầu tiến và giúp họ tiến xa hơn trong các mối quan hệ công việc.
Tục ngữ Trung Quốc có câu: “Người nói chuyện thị phi chính là người thị phi”. Những người thường hay mở đầu bằng câu nói: “Chỉ nói với mình anh/chị thôi nhé” thường được xem là những kẻ “ba phải” nơi công sở, chuyên đi soi mói chuyện riêng tư của người khác. Dần dà, câu nói này lại trở thành minh chứng cho việc không tôn trọng chữ tín, biểu hiện của EQ thấp, khiến mọi người e ngại khi giao lưu cùng họ.
Sự tự ti đôi khi lại là một liều thuốc độc và khiến bạn rơi vào vũng lầy. Trong tâm lý học có một khái niệm gọi là “lời tiên tri tự ứng nghiệm”. Theo đó, nếu bạn nghĩ mình không làm được thì thường sẽ thật sự không làm được. Vì vậy, khi sếp giao phụ trách dự án mới, bạn ngay lập tức muốn từ chối và nói: “Tôi không làm được, tôi không có kinh nghiệm” thì cơ hội sẽ thuộc về người khác. Ngược lại, người EQ cao sẽ nói rằng: “Mặc dù chưa có quá nhiều kinh nghiệm, nhưng tôi sẽ thử xem sao”.
Người EQ cao thường tôn trọng ý kiến của người khác, chỉ hỗ trợ và phân tích khi đối phương cần lời khuyên. Ngược lại, người EQ thấp sẽ tìm mọi cách để đối phương thực hiện theo yêu cầu của mình và nói rằng: "Tôi làm vậy chỉ muốn tốt cho bạn”. Trong môi trường công sở hay cả trong đời sống hàng ngày, câu nói tưởng chừng quan tâm này lại tạo nên áp lực vô hình cho người nghe. Mặc dù họ thường xuyên nói rằng "tất cả chỉ vì lợi ích của bạn", nhưng không bao giờ quan tâm đến cảm xúc của người kia. Lòng tốt thực sự phải giống như lời nhà văn Lưu Đồng đã nói: "Tôi tôn trọng sự lựa chọn của bạn, dù đúng hay sai."
Diệc Thư - nhà văn nổi tiếng ở Hồng Kông (Trung Quốc) đã từng nói: "Để sống một cuộc sống tươi đẹp, bạn cần phải rất kiên nhẫn, không bao giờ phàn nàn và không bao giờ giải thích". Trên thực tế, trí tuệ cảm xúc cao tại nơi làm việc không chỉ thể hiện ở khả năng ăn nói của bạn, mà quan trọng hơn là phải biết khi nào nên im lặng và khi nào nên nói. Và hơn hết, sức mạnh thực sự không cần phải được chứng minh bằng lời nói mà bằng kết quả thực tế.
(Theo Sohu)
Nguyên An