Công cuộc trị thâm sau mụn thường tốn nhiều công sức và thời gian hơn cả nặn mụn. Bởi thâm sinh ra do những tổn thương sâu dưới da trong quá trình bị mụn và sau mụn, vì thế nó cũng đòi hỏi sự chăm sóc đặc biệt hơn hẳn. Để hạn chế tình trạng thâm sẹo cũng như trị thâm nhanh hơn, bạn nên áp dụng 5 bước dưỡng da sau khi vừa nặn mụn hoặc trị mụn xong:
Bước 1:
Dĩ nhiên là tác động sớm vào vùng mụn sẽ giúp hạn chế tình trạng thâm, nhưng bạn cũng không nên trị thâm quá sớm: Đó là khi mà vết mụn chưa lành hoàn toàn, còn có nguy cơ chảy máu, mủ hoặc chưa đóng vẩy. Lúc này, bất kì tác động hoặc hóa chất nào cũng có thể gây kích ứng hoặc nhiễm trùng ngược. Thay vào đó, bạn nên tuân thủ liệu trình dưỡng da đơn giản với việc làm sạch là chủ yếu.
Hãy rửa mặt hàng ngày bằng nước muối sinh lý hoặc sữa rửa mặt dịu nhẹ có độ Ph từ 5 – 5.5. Đây được xem là độ Ph lý tưởng giúp da cân bằng và mau lành nhất giai đoạn này. Ngoài ra, bạn cũng không nên vội vàng tẩy da chết ngay lúc này vì có thể chạm đến vết thương gây vỡ, loét.
Bước 2:
Sau 2-3 ngày nặn mụn, mụn đã lành hẳn, bạn hãy bắt đầu với bước dưỡng da tiếp theo – dưỡng ẩm. Vì da sau quá trình trị mụn thường gặp phải tình trạng khô, tróc vảy, dưỡng ẩm rất cần thiết giúp da bớt đỏ tấy, mau lành và quay về kết cấu bình thường. Tương tự sữa rửa mặt, bạn nên cẩn thận lựa chọn dưỡng ẩm càng mỏng nhẹ, tự nhiên càng tốt. Đừng "tham lam" dùng các loại dưỡng ẩm có nhiều công dụng như làm trắng, se nhỏ lỗ chân lông lúc này. Điều da bạn cần chỉ là được cấp ẩm đầy đủ mà thôi!
Bước 3:
Dù không phải nguyên nhân trực tiếp gây thâm mụn, ánh nắng mặt trời vẫn tác động rất xấu đến da, khiến da mỏng, yếu và dễ thương tổn, quá trình lành lặn bị chậm lại và nguy cơ vết thâm đậm màu tăng lên. Do đó bạn đừng bao giờ quên kem chống nắng khi ra ngoài nhé! Hãy bôi kem 20 phút trước khi bước ra đường và bôi lại sau 1-2 tiếng để da được bảo vệ tối ưu.
Bước 4:
Đây chính là lúc mà bạn có thể trực tiếp "tấn công" các vết thâm cứng đầu. Có nhiều loại sản phẩm trị thâm mà bạn có thể chọn lựa, điển hình như những sản phẩm đặc trị dạng serum chứa vitamin C, hoặc tinh dầu rosehip… Bạn nên chấm các sản phẩm này vào vết thâm và để qua đêm, giúp chúng có thời gian thẩm thấu và hoạt động tốt nhất.
Ngoài ra, một cách làm mờ thâm khá hữu hiệu là tẩy da chết. Tẩy da chết giúp loại bỏ lớp da xấu xí "tàn dư" sau mụn, cho bạn làn da mới trắng sáng hơn. Các sản phẩm tẩy da chết thân thiện với làn da bị thâm mụn thường chứa AHA hoặc BHA, ngoài ra bạn cũng có thể xay nhuyễn các loại trái cây giàu axit tự nhiên như dứa, đu đủ… để thay thế!
Bước 5:
Nếu can thiệp đúng cách và đúng thời điểm, vết thâm của bạn sẽ mờ đi sau 1-2 tuần. Sau đó, bạn nên bắt đầu một liệu trình dưỡng da và sinh hoạt khoa học để ngăn ngừa mụn quay lại: Hạn chế trang điểm, tẩy trang và rửa mặt sạch sẽ, dưỡng ẩm kết hợp bảo vệ da bằng kem chống nắng hàng ngày là cách tốt nhất để phòng tránh mụn. Mỗi tuần 1 lần, hãy dành ra một ngày không bôi mỹ phẩm và detox da với nước xông hoặc một ly nước chanh ấm bạn nhé!