Đã có không ít những bộ phim lấy sự thành đạt của người phụ nữ làm chuẩn để diễn tả cuộc sống của họ trong thời hiện đại này. Thế nhưng thường thì trong mọi bộ phim xoay quanh chủ đề này, đi đến tận cùng con đường thì công danh và địa vị chưa bao giờ là thứ người phụ nữ thực sự tìm kiếm. Điển hình như 4 người phụ nữ hiện đại trong 3 bộ phim sau đây.
Vào năm 2013, đạo diễn Hàm Trần cùng ekip lần đầu tiên đưa tới cho khán giả một bộ phim mà người phụ nữ không còn đổ mồ hôi vì sức nóng của những căn bếp, thay vào đó là quay cuồng trong văn phòng với biết bao deadline từ công việc. Anne Thái An (Kathy Uyên) có một mối tình đẹp tại New York với chồng sắp cưới là Kiệt (Petey Majik Nguyễn). Thế nhưng chuyện tình yêu này chỉ đẹp ở vẻ ngoài. Còn thực chất cả hai đều lạc lõng trong mối quan hệ của chính mình.
Trong thời gian Kiệt đi công tác tại Việt Nam, cả hai thường xuyên phải sử dụng skype để nói chuyện. Anne vô tình thấy đôi giày cao gót trong phòng Kiệt nên đã để tên Thái An và lén lút về Việt Nam để điều tra. Mọi chuyện bị đẩy đi xa hơn khi Thái An cố tình khiến một người mẫu dính scandal vì nghi ngờ cô này dan díu với Kiệt. Kết quả, Kiệt đòi chia tay cô, sếp bên Mỹ cũng sa thải vì cô không đảm bảo công việc.
Những tưởng cô sẽ đau khổ, nhưng không. Thái An rất hạnh phúc vì cuối cùng cũng tự do làm điều mình thích, tự sáng tạo tác phẩm thời trang theo ý mình. Sau khi bình tĩnh lại, cô đã xin lỗi Hà My (cô người mẫu dính scandal) và làm lành với Kiệt. Thế mới thấy, dù luôn cố gắng với mục tiêu sự nghiệp đã vạch ra trước, nhưng sau cùng thì Annie vẫn sẵn sàng từ bỏ mọi thứ chỉ để giữ lại người đàn ông của đời mình. Thứ tồn tại duy nhất với cô chính là tình yêu với Kiệt chứ không phải được ghi danh trên một tờ tạp chí nổi tiếng.
Tiếp tục là một phim của đạo diễn Hàm Trần, có vẻ như anh thích khai thác chủ đề "nữ chủ". Nếu Thái An chỉ là một nhân viên không có nhiều thời gian cho chồng sắp cưới nên không thể có được niềm tin từ Kiệt, thì Oanh của Bạn Gái Tôi Là Sếp còn hơn cả thế. Oanh hẹn hò với chàng nhân viên cấp dưới là Cường (Đỗ An). Nhưng tréo ngoe là trong công ty của hai người lại có quy định không được yêu đồng nghiệp, và nếu có tiến tới hôn nhân thì một trong hai người phải nghỉ việc.
Oanh vội trốn vì thấy đồng nghiệp đi qua
Hẳn khán giả sẽ không quên được cảnh, khi đi trong công ty thì Oanh luôn giữ khuôn mặt lạnh như băng, đầu ngẩng cao và được mọi người nhìn với ánh mắt đầy thánh phục, thế nhưng ra khỏi cửa, cô liền đổi thái độ. Lúc nào cũng đi đứng vội vã, luôn nhìn trước ngó sau rất lén lút vì sợ bị bắt gặp. Và thương nhất là khi cô thở dài nói với Cường rằng không biết bao giờ họ mới có thể công khai mối tình này.
Bộ phim này tiếp tục đặt ra vấn đề để người phụ nữ phải chọn lựa, một là đàn ông hai là địa vị. Và tất nhiên, cái kết phim hướng đến chính là "sao không được chọn cả hai?". Cuối cùng Oanh cũng đã cùng Cường vượt qua được thử thách khó nhằn trong công việc cũng như những rào cản về địa vị, yêu đương trong công ty để có được hạnh phúc vẹn tròn.
Phim "nữ chủ" đang làm mưa làm gió hiện tại chính là Chàng Vợ Của Em. Chỉ trong 100 phút, đạo diễn đã cùng lúc khắc hoạ được cả hai người phụ nữ đều ở đỉnh cao sự nghiệp nhưng luôn thấy trống vắng hạnh phúc.
Ca sĩ Khánh Liên (Hồng Hạnh), mẹ của nữ chính Mai, khi ra đường luôn làm tóc chỉn chu, trang điểm đậm nét để giữ hình ảnh của một ngôi sao. Nhưng chẳng ai, kể cả Mai, biết được đằng sau mái tóc giả và lớp son phấn kia là sự xót xa của một nghệ sĩ hết thời, sống thui thủi một mình. Phân đoạn Khánh Liên ngồi một mình trước gương, lấy tay kéo bộ tóc giả xuống, cầm miếng bông lau sạch lớp trang điểm dày đặc, để lộ ra gương mặt đã phai úa theo thời gian khiến khán giả vô thức rùng mình.
Một ca sĩ nổi tiếng, danh ca vang bóng một thời hóa ra lại là một người mẹ "đứt nhịp" với đứa con gái ruột. Trong ký ức của Mai, mẹ chỉ là người đưa cho cô 100 nghìn đồng mỗi ngày, 200 nghìn khi ốm. Chính vì thế, Mai luôn muốn chạy xa khỏi người mang danh mẹ ấy nhưng đồng thời lại vô thức đòi hỏi sự quan tâm từ mẹ. Dần dần, họ càng xa nhau.
Bản thân Mai cũng không khác mấy mẹ mình. Cô luôn than thở vì sự vô tâm của mẹ nhưng chính công việc ở văn phòng của Mai cũng khiến cô không thể chăm sóc "đứa con" của mình là chú chó Heo. Mai tìm mọi cách chứng tỏ, thăng tiến vì muốn có cơ hội đi khỏi Việt Nam, đi xa khỏi mẹ mình vì cô nghĩ mình đã quen với cô đơn. Nhưng rốt cục Mai cũng nhận ra được, không ai có thể thành công một mình. Huống hồ phụ nữ thành công trong xã hội này vẫn chưa thực sự được công nhận. Mạnh (Hứa Vĩ Văn) chính là thực tế phũ phàng mà Mai hiểu được.
Nhưng rồi sau cùng, nhờ một người đàn ông mà chưa bao giờ Mai nghĩ mình sẽ bị hấp dẫn đã khiến cô hiểu ra giá trị đích thực của những thứ hạnh phúc mà cô đang đeo đuổi là gì. Không phải một cuộc đời rạng công danh mà là mỗi ngày được sống trong sự quan tâm và tình yêu của người thân, nhất là khi mình vẫn còn mẹ.
Chàng Vợ Của Em khiến khán giả cảm thấy hài lòng vì có được một đoạn kết toàn diện. Mai được đi tu nghiệp ở Nhật như cô mong muốn, nhưng đồng thời cô và mẹ cũng đã hàn gắn được quan hệ, lại còn có được tình yêu với Hùng (Thái Hòa). Đó chính là sự cân bằng mà tất cả những người phụ nữ nên hướng đến, chứ không riêng tình yêu hay sự nghiệp.
Dĩ nhiên việc cuộc sống chảy trôi khiến con người phải chạy theo để mưu sinh và lo toan là lẽ thường tình. Thế nhưng hy vọng không chỉ những người phụ nữ đều hiểu rằng, cuộc sống là hữu hạn, cố gắng phấn đấu cuối cùng cũng chỉ để mình cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày ở hiện tại. Thay vì cố đắp đổi thứ vật chất giàu sang đến mức huyễn hoặc mình chấp nhận từ bỏ những cảm xúc khác thì hãy thử chăm bón mảnh vườn tâm hồn của mình thêm rộn ràng.
Chàng Vợ Của Em đang khởi chiếu trên toàn quốc.