1. Bát tráng men có màu hoặc nhiều hoạ tiết hoa văn
Một số loại bát được tráng men màu trông rất đẹp và bắt mắt, nhưng thực tế lại tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khoẻ. Màu men nổi không phải lúc nào cũng được sử dụng kỹ thuật cao nên khó đảm bảo tính an toàn. Nhất là khi gặp ma sát hoặc nhiệt độ cao từ thức ăn nóng, các chất tạo màu này có thể bị phai hoặc trôi, trực tiếp nhiễm vào thực phẩm.
Chưa kể, để tiết kiệm chi phí, nhiều nhà sản xuất còn dùng loại bột màu rẻ tiền để tạo nên những chiếc bát tráng men đẹp mắt. Sự thực là bên trong bát chứa cả "ổ độc tố" vì toàn kim loại nặng như chì, thuỷ ngân...
2. Bát nhựa
Bát nhựa thường làm từ nhựa dẻo hoặc nhựa tổng hợp. Khi tiếp xúc với nhiệt có thể làm sản sinh các chất độc hại như benzen, formaldehyde, xylene... Những hoá chất này xâm nhập ngược vào thực phẩm có thể gây nguy hại cho sức khoẻ người dùng.
Lời khuyên đó là bạn không nên sử dụng bát nhựa lâu dài. Nếu dùng, cần lưu ý không để món ăn nóng vào bát nhựa và không cho bát vào lò vi sóng. Quan trọng nhất là phải mua sản phẩm có chứng nhận an toàn. Bởi trên thị trường tồn tại một số loại bát nhựa được làm chất liệu kém an toàn, bản thân chúng đã chứa nhiều hóa chất nguy hiểm điển hình là BPA. Chỉ cần bạn dùng trong thời gian dài, kể cả không để bát tiếp xúc với nhiệt nóng cũng đủ hại sức khoẻ.
3. Bát thuỷ tinh
Bát thuỷ tinh sẽ không gây hại nếu bạn mua đúng, dùng đúng. Loại bát này phù hợp để đựng thức ăn lạnh, nguội chứ không nên đựng các loại thực phẩm quá nóng. Bởi vì thuỷ tinh tuy cứng nhưng lại khá giòn, hoàn toàn có thể vỡ tan tành khi gặp chênh lệch nhiệt độ.
Bên cạnh đó, bát thuỷ tinh không nên dùng những loại sáng bóng hoặc có hoạ tiết màu mè bắt mắt. Rất có thể chúng chứa hoá chất độc hại là chì hoặc cadmium nên mới tạo được hiệu ứng long lanh rực rỡ. Nếu sử dụng bát thuỷ tinh, hãy chọn sản phẩm không màu, trong suốt và không quá bóng để đảm bảo sức khoẻ cho bản thân và gia đình.
4. Bát sứ xương
Bát sứ xương được làm từ bột xương động vật và đất sét, có đặc tính trong suốt, nhẹ và mỏng. Loại bát này khá đắt đỏ, nếu mua được với giá rẻ thì bạn nên kiểm tra lại sản phẩm. Vì rất có thể bát không sử dụng bột xương động vật mà đã bị trộn lẫn bởi các loại nguyên vật liệu kém chất lượng.
Thậm chí, một số hàng "dỏm" nếu không sản xuất đúng quy trình hoặc không xử lý đúng cách, có thể lẫn tạp chất và dẫn đến sự lây nhiễm vi khuẩn từ xương động vật. Bạn nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ lưỡng khi dùng bát sứ xương. Đặc biệt lưu ý, thành phần chính của bát là bột xương động vật nên có thể không phù hợp với người ăn chay và thuần chay.
Nguồn: Zhiyou