Với nhiều sĩ tử đang chinh chiến với kì thi THPT quốc gia, Lịch sử là môn học khô khan, khó nhằn với quá nhiều sự kiện, số liệu cần phải ghi nhớ. Trên facebook, một bạn học sinh lớp 12 đang cảm thấy mệt mỏi và than thở: “Mình đang ngồi "nhai" đề cương môn Sử đây ạ. Thật sự mình chán ghét cái cảnh này lắm rồi, ròng rã mấy tháng trời toàn phải ngồi học vẹt mà cứ học đến đâu là kiến thức lại trôi tuột đi đến đó, không tài nào nhớ nổi…”.
Nếu như học-thuộc-lòng chưa bao giờ là một phương pháp hiệu quả đối với môn Lịch sử thì đâu là bí kíp để “nuốt trôi” môn học này một cách ngọt ngào?
1. Tận dụng tối đa sơ đồ tư duy
Nào! Thay vì cầm cuốn đề cương cắm cụi học thuộc lòng tới rát cả cổ họng, từ bây giờ bạn hãy vận dụng cách học bằng sơ đồ tư duy (Mind Map) hay còn gọi là sơ đồ hình cây xem sao. Với mỗi bài học, bạn hãy xác định nội dung cơ bản và các nội dung liên quan, tương ứng với hình vẽ nhánh lớn và các nhánh nhỏ…
Cách học này giúp được bạn nhớ được những kiến thức lịch sử một cách hệ thống, logic nhất. Hãy phát huy khả năng vẽ vời của mình bằng những hình ảnh, màu sắc sống động để càng ghi nhớ được lâu hơn nhé!
2. Gắn sự kiện lịch sử với sự kiện của bản thân
Thú nhận đi, bạn đang cảm thấy điên đầu khi phải ghi nhớ quá nhiều mốc lịch sử phải không? Những dữ kiện ngày-tháng-năm cứ nhảy loạn xạ hết cả lên, cho dù bạn đã đọc đi đọc lại hàng trăm lần để cố nhét chúng vào đầu?
Có một bí kíp rất thú vị mà bạn có thể áp dụng là hãy gắn các sự kiện lịch sử với sự kiện của bản thân, đảm bảo bạn sẽ nhớ mãi không quên. Ví dụ như, ngày 19/08/1945 là ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội thì ngày 19/08 là ngày sinh nhật của mẹ mình; ngày 29/08 là ngày mình… tỏ tình với “gấu” thì ngày 30/8/1945 là ngày vua Bảo Đại thoái vị, chế độ phong kiến Việt Nam hoàn toàn sụp đổ; Đội Việt Nam độc lập đồng minh ra đời ngày 19/05/1941 trùng ngày, tháng với sinh nhật Bác Hồ (19/05/1890)…
Rất hay ho phải không? Với cách học này, bạn sẽ nhớ nằm lòng những sự kiện lịch sử quan trọng một cách dễ dàng; khi vào phòng thi cho dù có lo lắng hay hồi hộp đến đâu, bạn cũng không quên được đâu.
3. Viết, viết, viết
Việc viết thật nhiều, thật nhiều sẽ giúp sĩ tử học thuộc các kiến thức lịch sử nhanh và nhớ rất lâu, không “trôi tuột” đi như học vẹt. Hãy cầm bút và viết lại những kiến thức cần ghi nhớ bằng sự tập trung cao độ, mỗi một lần viết lại là một lần bạn khắc sâu kiến thức vào trong trí nhớ của mình. Cho đến khi, thậm chí chẳng cần phải vắt óc suy nghĩ nhiều, bạn vẫn có thể viết câu trả lời ngon ơ như một thói quen. Đó là khi bạn đã thật sự sẵn sàng để bước vào phòng thi rồi đấy!
Với những sự kiện, dữ liệu lịch sử quá rắc rối, khó ghi nhớ, bạn có thể viết lại trên một tờ note xinh xinh và dán vào phía trước bàn học; cạnh màn hình máy tính… hay bất cứ vị trí thân thuộc nào để hàng ngày dễ dàng quan sát. Chắc chắn, kiến thức lịch sử rắc rối ấy sẽ đi vào trí nhớ của bạn lúc nào không hay.
4. Đừng sợ các con số
Nỗi kinh hoàng của rất nhiều sĩ tử ôn thi môn Lịch sử là phải ghi nhớ những số liệu khô khan, phức tạp như: Quân ta đã tiêu diệt được 2.293 tên địch, 6.650 tên khác bị thương; bắn rơi 59 máy bay, thu giữ 3 xe tăng, 28 đại bác… Nhiều bạn cho rằng cần phải học thuộc lòng, đưa chính xác những con số “kềnh càng” này vào bài thi thì mới được đánh giá cao và đạt điểm tối đa?
Thực tế là chẳng có đáp án nào và cũng có giám thị nào chấm xem bạn có thống kê chính xác số tên địch bị thương và số máy bay bị bắn rơi hay không đâu. Vì thế, đừng tự tạo áp lực với việc cố học thuộc những số liệu này nhé, trong bài thi, bạn chỉ cần nêu số liệu tương đối; nêu đúng và đủ các ý như đề thi yêu cầu là đã có thể ghi điểm rồi.
Hãy chờ đón những video tiếp theo của Bikipmuathi.vn vào thời gian sắp tới. Không chỉ riêng khối tự nhiên, các môn xã hội như Văn, Sử, Địa, Tiếng Anh cũng sẽ có video chia sẻ rất nhiều bí quyết hay.
Bikipmuathi.vn - Hành trang cho các sĩ tử sắp bước vào kì thi Đại Học. Tất tần tật những gì bạn cần biết, muốn biết và nên biết về mùa thi năm nay đều sẽ được cập nhật một cách nhanh chóng và đầy đủ nhất. Đừng bỏ lỡ điều gì nhé