Thuốc cho F0 đang thiếu
Theo số liệu do Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cung cấp, tính đến sáng ngày 30/8, số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà trên địa bàn TP.HCM là 85.298 người, trong đó có 60.581 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 24.717 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi.
Công tác quản lý điều trị, nhất là việc phát thuốc điều trị cho các F0 tại nhà và điều trị tại các cơ sở y tế tuyến dưới đang được thành phố tích cực triển khai, tuy nhiên tại một số địa phương cung cấp thuốc cho F0 đang thiếu.
Liên quan vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo, các Trung tâm y tế quận, huyện khi nhận được các túi thuốc cho F0 phân bổ xuống thì phát ngay cho các Trạm y tế lưu động để đưa đến các F0 nhanh nhất. Cần ưu tiên phát túi thuốc ngay cho F0 mà không cần phải chờ tới sau khi cập nhật ca của họ lên phần mềm.
Thành phố hiện đã chuẩn bị 150.000 túi thuốc trong đó có chứa gói thuốc A, B và đã cấp phát 74.000 túi thuốc này về cho các Trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức để chuyển đến cho các F0 đang điều trị tại nhà.
Với gói thuốc C, tính đến thời điểm này Bộ Y tế đã cấp cho thành phố 16.000 túi, dự kiến vài ngày tới sẽ bổ sung thêm 34.000 liều thuốc này.
Túi thuốc cho bệnh nhân F0
Các túi thuốc dùng như thế nào
Chiều 30/8/2021, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố, thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP. Hồ Chí Minh cho biết hiện nay thành phố đã triển khai phát các túi thuốc cho bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà và có những lưu ý cho người bệnh khi sử dụng túi thuốc này.
Các lưu ý khi dùng các gói thuốc A, B, C
Túi thuốc phát cho F0 đang điều trị tại nhà sẽ bao gồm 3 gói A, B, C và sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân.
Trong đó, gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng. Thuốc hạ sốt sẽ được dùng khi người bệnh sốt trên 38,5 độ C, có thể lặp lại mỗi 4 - 6 giờ nếu vẫn còn sốt. Các loại vitamin uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên. Gói thuốc này dùng trong 7 ngày.
Gói thuốc B bao gồm các loại thuốc kháng viêm có chứa corticoid và thuốc chống đông, đủ dùng trong 3 ngày.
Đây là những loại thuốc đặc trị, phải có ý kiến chỉ định của bác sĩ. Đối với thuốc ở gói B, người bệnh cần lưu ý chỉ sử dụng trong một số tình huống đặc biệt, có triệu chứng sớm của suy hô hấp như cảm thấy khó thở, thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần mỗi phút hoặc đo SpO2 dưới 95%.
Nếu chưa liên hệ được bác sĩ, người bệnh có thể tự uống thuốc kháng viêm và thuốc chống đông nhưng không quá 3 ngày. Trong thời gian này người bệnh cần tiếp tục liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ.
Gói thuốc C có thuốc Molnupiravir. Đây là thuốc kháng virus đang ở trong giai đoạn thử nghiệm trong chương trình nghiên cứu của Bộ Y tế. Thuốc hiện chưa được Cục quản lý Dược của Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
Trong chương trình cấp thuốc cho F0 điều trị tại nhà, gói thuốc C được sự chỉ đạo của Bộ Y tế thêm vào túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà và phải có những điều kiện khi sử dụng thuốc. Người bệnh cần phải ký "Phiếu chấp thuận tham gia chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19 nhẹ" trước khi được cấp phát và sử dụng.
Gói thuốc C chỉ dành cho F0 đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau khi xét nghiệm test nhanh hoặc RT-PCR, có triệu chứng nhẹ, thể hiện qua nhịp thở dưới 20 lần/phút, nồng độ SpO2 cao hơn hoặc bằng 96%.
Gói thuốc C có lượng thuốc đủ dùng trong 5 ngày. Mỗi ngày uống 4 viên, chia làm 2 lần, mỗi lần 2 viên. Tổng liều là 1.600mg cho 1 ngày. Theo các nghiên cứu, bệnh nhân sẽ có sự cải thiện, giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân mắc COVID-19 vừa và nhẹ sau 5 ngày điều trị, nhờ đó giảm tỉ lệ nhập viện, giảm tử vong.