Cụm từ "ngôi nhà đinh" (nail house) được sử dụng để chỉ những ngôi nhà, tòa nhà không chịu giải tỏa ở Trung Quốc. Trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa ở Trung Quốc, hiện tượng "nhà đinh" đã trở nên phổ biến tại nước này. Dưới đây là 3 ngôi nhà đinh được mệnh danh là "cứng đầu" nhất Trung Quốc:
Vào ngày 3 tháng 8 năm 2020, cầu cao tốc Hải Dũng Châu ở thành phố Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông đã được khánh thành và thông xe. Tuy nhiên, điều làm người ta chú ý là ở "góc khuất" lọt thỏm giữa làn đông và tây của cây cầu có một ngôi nhà cũ chỉ khoảng 40m2, phá vỡ cấu trúc thiết kế liền mạch của công trình.
Ngôi nhà nhỏ là nơi sinh sống cả 3 thế hệ già trẻ nhà bà Liang. Theo đài truyền hình Quảng Đông, khi tiến hành thi công cầu cao tốc Hải Dũng Châu, phía chủ đầu tư không thể phá ngôi nhà một tầng lợp mái ngói ở giữa đường do gia đình bà Liang và chính quyền không đạt được thỏa thuận đền bù. Cứ như thế, nhiều năm trôi qua, căn nhà vẫn nằm "hiên ngang" ngay giữa cầu cao tốc, gây nhiều tranh cãi trong dư luận nước này.
Theo Sohu, bà Liang là người duy nhất trong tổng số 47 hộ gia đình và 7 công ty thuộc diện di dời vẫn còn "bám trụ" ở đó. Những hộ chuyển đi đã được các nhà chức trách đền bù bất động sản tương ứng hoặc bồi thường tiền mặt, tuy nhiên, gia đình bà Liang đã từ chối tất cả hình thức bồi thường này.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, một đề xuất hào phóng đã được đưa ra là bồi hoàn 2 căn hộ cùng 1,3 triệu NDT tiền mặt nhưng bà Liang muốn được bồi thường tới 4 căn hộ và 2 triệu NDT. Trong khi đó, bà Liang thẳng thắn cho rằng việc kiên quyết ở lại là có lý do rõ ràng chứ không hề vô lý như nhiều người nghĩ. Cuối cùng, do đàm phán bất thành với chủ nhà, chủ đầu tư không còn lựa chọn nào khác là thay đổi thiết kế công trình ban đầu và cho xây các làn cầu uốn quanh ngôi nhà của bà Liang. Giờ đây, gia đình bà phải chấp nhận sống ở đó, chịu tiếng ồn và khói bụi của xe cộ đi qua mỗi ngày.
Tháng 3/2007, hình ảnh một ngôi nhà nhỏ nằm "cheo leo", đơn độc giữa một hố đất sâu 10m gây xôn xao cõi mạng xứ Trung. Theo đó, bức ảnh này được chụp tại số 17 đường Hạc Hưng, Dương Gia Bình, quận Cửu Long Pha, thành phố Trùng Khánh. Chủ căn nhà là vợ chồng chị Ngô Bình, là một trong 280 hộ gia đình nằm ở khu vực được quy hoạch để xây dựng một trung tâm thương mại lớn.
Theo Sina, trong suốt 2 năm, gia đình gồm 3 thế hệ này từ chối di dời đến chỗ khác vì không bằng lòng với khoản tiền bồi thường trị giá 3,5 triệu NDT (khoảng 453.000 USD). Mong muốn của gia chủ là được đền bù một ngôi nhà cùng diện tích và ở vị trí có thể kinh doanh thương mại, đồng thời đền bù thêm một khoảng tiền mặt nhưng không được chấp thuận. Vì vậy, họ kiên quyết bám trụ ngay cả khi chủ đầu tư đã phá bỏ những ngôi nhà xung quanh, bị cắt điện, nước và đào móng sẵn để chuẩn bị tiến hành xây dựng trung tâm thương mại.
Ngày 22/3/2007 là hạn chót "buộc phá dỡ" do Tòa án Cửu Long Pha thành phố Trùng Khánh phán quyết. Tuy nhiên gần đến sát ngày, vợ chồng chị Ngô vẫn không có ý định "dọn nhà" mà còn mua thêm một số nhu yếu phẩm hàng ngày để dự trữ. Thậm chí, chồng chị Ngô còn treo một biểu ngữ và cờ trên nóc nhà để phản đối quyết định của tòa.
Cuối cùng, sau một phiên điều trần, Tòa án quận Cửu Long Pha của Trùng Khánh đã ra phán quyết ủng hộ quyết định của Cục Quản lý Nhà ở về việc di dời và đưa ra thời hạn thực hiện thông báo, yêu cầu gia đình chị Ngô phải phá dỡ nhà trước ngày 22 cùng tháng. Nếu không thực hiện thì tòa án sẽ cưỡng chế.
Sau một quá trình đàm phán lâu dài, vụ việc gây tranh cãi này chỉ chấm dứt khi gia đình chị Ngô chấp nhận khoản đền bù một căn hộ mới cùng khoản tiền đền bù một triệu NDT. Vào tháng 4/2007, ngôi nhà này cuối cùng bị xóa sổ.
Tại thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, có một ngôi nhà 3 tầng được mệnh danh là "ngôi nhà ngoan cố nhất vùng" vì gia chủ không chịu chuyển đi mà kiên trì bám trụ trong suốt hơn 10 năm nay dù được bồi thường với giá tiền cao ngất ngưởng.
Theo trang 163.com, chủ nhân của ngôi nhà 120m2 này là một người đàn ông họ Dương đã sống ở đây từ những năm 1990. Năm 2012, khu vực nơi gia đình ông Dương sinh sống thuộc diện được quy hoạch để chia thành các khu công nghiệp. Người dân địa phương chấp nhận khoản đền bù và nhanh chóng rời đi. Chỉ có gia đình người đàn ông này là nhất quyết ở lại.
Qua nhiều lần thương lượng, ông Dương đưa ra 2 lý do để từ chối việc di dời. Theo người đàn ông này, vì gia đình đã gắn bó với ngôi nhà của mình từ rất lâu, có nhiều kỷ niệm nên không muốn chuyển đi. Tuổi đã cao, ông cũng có suy nghĩ lá rụng về cội nên muốn được ở trên mảnh đất của gia đình đến lúc cuối đời. Lý do còn lại là vì ông không hài lòng với số tiền đền bù mà chủ đầu tư đưa ra. Thế nhưng khi được đề nghị bồi thường với con số 100 triệu NDT, ông Dương cũng nhất quyết từ chối.
Gặp gia chủ quá ngoan cố, phía chủ đầu tư quyết định tiến hành phá dỡ khu vực xung quanh trước. Họ còn cố ý chất đầy đất, cát, đá quanh nhà ông Dương để buộc gia đình này phải rời đi. Dần dần, căn nhà này gần như lọt thỏm xuống dưới hố sâu vì bị đống đất cát vây quanh, nền đất được nâng lên. Chưa hết, chủ đầu tư còn cắt luôn điện nước của gia đình ông Dương nhưng hành động dứt khoát này không khiến người đàn ông này thay đổi quyết định của mình.