Có nhiều tiền hơn nên giới nhà giàu cũng có không ít những thói quen ''khác người", miễn là đáp ứng được hết các yêu cầu mà họ đưa ra, thì tiền chưa bao giờ là vấn đề.
Chẳng khó để chúng ta có thể nhìn thấy cuộc sống của người giàu có trên các trang mạng xã hội, các phương tiện truyền thông. Những trò chơi xa xỉ, những chiếc siêu xe đắt tiền hay những chuyến nghỉ dưỡng trên du thuyền tư nhân không phải là hình ảnh xa lạ, nhưng không phải tất cả những người giàu đều như thế.
Washington Post đã phỏng vấn một số nhân viên làm trong ngành du lịch và phục vụ để hỏi thăm về những yêu cầu kỳ quặc nhất mà họ từng nhận được từ những vị khách siêu giàu của mình. Và kết quả sẽ không khiến mọi người phải thất vọng.
Hướng dẫn viên du lịch tại thành phố New York, Christina Stanton, đã tiết lộ về trải nghiệm khi làm việc với vợ chồng một nhà tài phiệt người Nga.
Cụ thể, khi ba đứa trẻ được đưa đi chơi với một hướng dẫn viên riêng, Staton đưa người vợ đến một cửa hàng xa xỉ, nơi đã đóng cửa chỉ để đón tiếp riêng hai người. Tại đây, người vợ mua những đôi giày cao gót. Staton ước tính rằng trong suốt 4 ngày đi cùng cô, người vợ đã chi khoảng 4 triệu USD.
Bao trọn một cửa hàng để vợ thoải mái mua sắm
Khi Staton biết được tên của khách hàng vào cuối chuyến đi, cô đã lên Google tìm kiếm và nhận ra rằng chồng của người phụ nữ đó là một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới. Mặc dù sự giàu có đó cùng đáng ngạc nhiên như cách mà họ trả tiền cho hoá đơn, nhưng có một chi tiết lại khiến cô hướng dẫn viên lành nghề chú ý hơn cả.
Khi gia đình tụ tập lại cùng nhau để dùng bữa tại một nhà hàng, cô phát hiện rằng ''gia đình sẽ không nói chuyện với những người phục vụ, mà chỉ nói chuyện với những vệ sĩ riêng của họ". Khi một trong những đứa trẻ muốn có ống hút nhưng người phục vụ lại quên mất điều đó, cách người vệ sĩ nói chuyện với phục vụ khiến Staton cảm giác như ''anh ta sắp giết ai đó bằng tay không''.
Nhà lập kế hoạch du lịch Sandra Weihnachten thường xuyên nghe được những câu chuyện về giới nhà giàu từ bạn bè và những người quen làm việc trong các khách sạn năm sao. Một lần, cô đã chia sẻ câu chuyện về một vị khách người Nga khá ''khó tính". Theo yêu cầu, khách sạn đã đặt một số lượng lớn nước khoáng có ga để phục vụ riêng cho ông, nhưng thay vì để uống, vị khách này chỉ dùng nó để gội đầu, và từ chối bất kỳ một loại nước khoáng nào ngoài nhãn hiệu này.
Mua nước khoáng có gas để gội đầu
Trong trường hợp khác, một yêu cầu ngớ ngẩn đã được kể lại bởi phát ngôn viên của Nightfall Group. Cụ thể, khi thuê biệt thự tại Los Angeles, vị khách đã yêu cầu người quản lý mang đến cho mình một nàng tiên cá cho bữa tiệc sắp được tổ chức.
Ngoài ra, họ còn nhận được các yêu cầu quy mô lớn hơn. Chẳng hạn, một vị khách hàng đã yêu cầu khách sạn lắp đặt cho mình một chiếc két sắt có thể kiểm soát nhiệt độ trong căn hộ cho thuê 1 tuần. Mục đích của chiếc két là dùng để cất giữ hũ tro cốt của mẹ cô ấy.
Không những thế, có vụ khách hàng còn muốn ông già Noel và những chú tuần lộc thật xuất hiện tại căn hộ của mình vào đêm Giáng sinh. Những yêu cầu có phần quá quái dị này thường khó có thể được thực hiện.
Vị khách yêu cầu một nàng tiên cá cho bữa tiệc của mình
Vào cuối tháng 2 năm 2021, trong khi mối lo lắng về việc đi lại giữa đại dịch đang lên đến đỉnh điểm và các hạn chế nghiêm ngặt đã trở thành quy định chung, hãng cho thuê máy bay Monarch Air Group đã nhận được đơn hàng di chuyển từ Santa Barbara (Hoa Kỳ) đến Vancouver (Canada). Các phi công đã rất hoang mang khi hành khách duy nhất của họ xuất hiện.
Đó là Bella, một chú chó lai giữa giống Husky Siberian và chó phốc sóc, đã được đưa về nhà trên một chuyến đi trị giá 60.000 USD.
Đây không phải là trường hợp duy nhất liên quan đến những chú chó. Jens Maier - chủ khách sạn Dolder Grand, Zurich - cũng đã chia sẻ về trải nghiệm của mình với chú chó của vị khách siêu giàu.
''Cô ấy yêu cầu chúng tôi sắp xếp một bãi cỏ vuông để chú chó có thể đi vệ sinh trong phòng. Chúng tôi cảm thấy kỳ quặc, nhưng luôn sẵn sàng để đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng", Jens nói.
Các nhân viên đã đề nghị được dắt chú chó đi dạo quanh những con đường thay vì đi vệ sinh trong phòng, nhưng vị khách khăng khăng từ chối và yêu cầu một bãi cỏ phải được chuyển đến trong vòng 2 giờ.
Tất nhiên, Jens không thể chạy xuống cửa hàng chỉ để lấy một mét vuông cỏ. May mắn thay, với sự giúp đỡ của một người bán hoa địa phương, cô đã tìm được một ít cỏ nhân tạo trong thời gian ngắn. Người phụ nữ rất vui mừng khi biết được yêu cầu của mình được thoả mãn.
Trong khi một số người giàu có và nổi tiếng thích phô trương sự xa hoa của mình, thì nhiều người lại lựa chọn giữ kín. Rob DelliBovi, người sáng lập công ty du lịch RDB Hospitality cho biết nhiều khách hàng yêu cầu họ phải ký thỏa thuận để bảo mật thông tin.
Một lần, tại khu nghỉ dưỡng sang trọng Kalon Surf, một người phụ nữ đã gọi điện tới và hỏi rằng liệu có ai đi cùng trong danh sách đặt phòng của chồng bà ấy hay không, tuy nhiên nhân viên không thể chia sẻ thông tin.
''Quyết định và quyền riêng tư là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi", chủ sở hữu công ty cho biết.
Nhân viên sẽ không tiết lộ bất cứ thông tin gì về khách hàng
Dù người phụ nữ đã giải thích rằng bà biết chuyện chồng ngoại tình và muốn hỏi để xác nhận thông tin, thì khách sạn vẫn không thể thay đổi chính sách đã quy định. Cuối cùng, người vợ đã kết thúc cuộc nói chuyện bằng một yêu cầu: ''Liệu khách sạn có thể nhờ huấn luyện viên lướt sóng xô ông ta vào cơn sóng lớn nhất và khiến ông ta bị thương hay không?''.
Đối với nhiều người trong ngành khách sạn, điều khiến họ khó hiểu không phải là nội dung của các yêu cầu, mà là lý do tại sao khách hàng lại đưa ra yêu cầu như thế.
Curtis Crimmins, từng là hướng dẫn viên tại khách sạn năm sao và hiện là người sáng lập công ty khởi nghiệp Roomza, đã kể về yêu cầu kỳ lạ của một vị khách giàu có mà anh từng phục vụ. Theo đó, vị khách này đã yêu cầu một con ếch cây cho con gái của mình.
Trị giá đến 50.000 USD, nhưng chú ếch lại bị bỏ lại
Crimmins phải xin được phê duyệt của Bộ Nông nghiệp nếu muốn đưa một con ếch vào nước này: ''50.000 USD cho một con ếch bị bỏ lại phòng khi họ rời đi".
Schigt đã giao dịch với những khách hàng giàu có kể từ khi ông mở cơ sở kinh doanh ở Costa Rica vào năm 2011. Sau khi làm việc trong hơn một thập kỷ, ông nhận ra rằng hầu hết các vị khách đều dễ phục vụ, nhưng một số ít khác lại thường tỏ ra không hài lòng.
Đối phó với những khách hàng khó tính là một tình huống xấu ở cả hai mặt. Nhân viên không những không thể xoa dịu những vị khách này, mà còn khiến cho họ không có thời gian để lo cho những vị khách khác.
Đôi khi, việc nhân viên yêu thích những khách hàng dễ tính cũng là một cách để giải quyết vấn đề. Điều đó sẽ khiến những khách hàng khó tính nhận ra rằng những người còn lại được vui vẻ và được chú ý nhiều hơn.
''Trước đây, chúng tôi nhận ra rằng mình đang dành 80% thời gian chỉ cho 20% khách hàng. Những vị khách đó rất khắt khe, và dù có làm gì thì họ cũng chẳng vui vẻ", Schigt nói. Hiện tại, ông đang cố đào tạo nhân viên của mình cố gắng làm hài lòng mọi người, nhưng đồng thời cũng không được quên đi những vị khách khác.