3 năm đi làm ở Hà Nội, cô bạn tiết lộ bí quyết chỉ tốn hơn 1 triệu tiền ăn/tháng mà bữa nào cũng ngập mặt thịt cá rau củ

C., Theo Trí Thức Trẻ 21:19 11/05/2020

Đọc xong, dân tình chỉ biết ước gì áp dụng cách này sớm hơn!

Với một người trẻ, sống xa nhà, đi ở nhà thuê mỗi ngày, cuộc sống thành phố đắt đỏ đôi lúc sẽ gây ra cảm giác mệt mỏi và áp lực. Thế nên tiết kiệm gần như là phương châm sống của nhiều người trẻ, trong đó có tôi. Nhưng làm sao để tiết kiệm, mỗi người có một cách khác nhau. 

Tôi, một cô nàng 25 tuổi, đã đi làm ở Hà Nội được gần 3 năm lại lựa chọn phương án "tăng xin giảm mua" từ nhị vị phụ huynh. Có thể một vài người sẽ cho rằng tôi ích kỉ, ăn bám hay không thể xin xỏ bố mẹ mãi được. Những điều này không sai nhưng tin tôi đi, bố mẹ sẽ rất vui nếu chúng ta nhờ cậy sự giúp đỡ của họ. Bởi thứ bạn nhận được không chỉ là số tiền tiết kiệm đâu, đó còn là sự yêu thương vô điều kiện nữa.

Những năm đầu khi mới ra thành phố đi học, chỉ khi nào về quê tôi mới tha lôi đủ thứ theo. Nhưng hồi đó còn rảnh, có đợt tháng nào tôi cũng về nên tháng nào cũng xách đồ ăn đi. Sau này lúc đã đi làm, khoảng cách vẫn là con số 300km nhưng số lần về nhà của tôi cứ thưa dần, thưa dần. 

Mà tôi vốn chẳng phải đứa chăm vào bếp hay ưa bày vẽ gì cho cam. Nếu phải chọn giữa ăn bánh mì và nấu cơm tử tế, tôi sẽ không do dự chọn bánh mì. Nếu phải chọn giữa nấu ăn và rửa bát, tôi sẽ vui vẻ rửa bát. 

Những thùng hàng viện trợ của bố mẹ tôi. 

Tính cách này của tôi, bố mẹ đều biết. Kết quả là sau vài ngày suy nghĩ và hỏi han, "anh chị nhà" đã biết cách gửi đồ ăn từ nhà ra viện trợ vì nỗi lo sợ một ngày nào đó tôi không chết đói cũng sẽ phát ốm. Dần dần thành quen, hễ hết đồ ăn hay thèm món gì, tôi lại "alo" cho bố mẹ. Mà thực ra không xin thì họ cũng lường đến ngày nào đó tôi ăn sắp hết để gửi. 

Trong suy nghĩ của bố mẹ tôi (và tất cả những ông bố bà mẹ khác), không có gì ngon hơn của nhà làm được. Bố mẹ không có nhiều tiền nhưng chăm chỉ, chịu khó thì dư thừa nên đến 90% số đồ ăn gửi cho tôi đều là của nhà. Thùng đồ ăn khi đến tay tôi luôn trong tình trạng chật cứng nào thịt lợn thịt gà, nào vài chục trứng, nào hải sản rồi cả ngô khoai và không thể thiếu rau, mùa nào thức nấy. 

Rau quả trong vườn nhà luôn sẵn sàng vượt đường xa để "gặp" tôi.

Lợn và gà nhà nuôi, cá em trai đi câu, rau mẹ trồng ngay trong vườn, ngô khoai cũng của nhà,... thứ duy nhất mẹ tôi mua có lẽ là cá và mực. Nhà tôi cũng gần biển, vài chục nghìn tiền cá là tôi có thể ăn thoải mái. Còn tôi, mỗi lần unbox đều háo hức và vui mừng chẳng khác gì đập hộp hàng hiệu.

Vì thế mà sẽ chẳng có những lo lắng về thuốc tăng trọng, thuốc trừ sâu hay chất bảo quản, tất cả đồ ăn mẹ gửi đều tươi rói, ngon lành. Và quan trọng nhất, khiến chúng ngon nhất chính là tình thương của bố mẹ dành cho tôi. Thế nên nếu nói những bữa cơm giá 0 đồng của tôi là vô giá cũng chẳng sai chút nào.

Chiếc tủ lạnh oằn mình chịu đựng sau mỗi chuyến hàng của bố mẹ.

Từ khi được bố mẹ "viện trợ", tôi nhận thấy mỗi tháng mình đều dôi dư một khoản. Nếu cần đưa ra con số thì nó rơi vào khoảng 1 triệu, có thể con số không lớn nhưng với lợi ích nó mang lại, là quả thực không có gì bằng tăng "xin giảm mua"!

Cụ thể, tính trung bình tiền ăn của tôi mỗi tháng là 2 - 3 triệu đồng, tuỳ vào việc đi ăn ở ngoài nhiều hay ít. Nhưng vì bố mẹ gửi, tôi sẽ phải nấu ăn ở nhà, không chỉ giảm tiền nguyên liệu so với mua ở thành phố mà cũng sẽ không đi ăn linh tinh ở hàng quán nữa. Như vậy, mỗi tháng, tôi có thể tiết kiệm cả triệu ngon ơ.

Khoản tiết kiệm đó tôi thêm thắt vào số tiền gửi bố mẹ giữ hộ mỗi tháng. "Anh chị nhà" bảo làm sổ tiết kiệm để tôi có chút vốn liếng sau này còn lấy chồng, có gia đình. Tôi chẳng biết bao giờ mới thoả mãn mong mỏi này nhưng mỗi lần khui thùng hàng hiệu "made by nhà", tôi đều tự hỏi: Cứ ở vậy để anh chị nhà nuôi được không...