Cái giỏi của một người làm diễn viên, không phải là cả cuộc đời đóng được ít hay nhiều phim, mà là sau mỗi vai diễn rút ra được điều gì, và sau này khi nhắc đến những tuyến nhân vật nhất định, khán giả phải ồ lên rằng: "Chính là cái hồn nhân vật nằm trong diễn xuất này đây".
Trong cả điện ảnh lẫn truyền hình, có những nhân vật thường xuyên xuất hiện. Ví dụ như các ông bố bà mẹ hoặc một người phụ nữ khổ hạnh nào đấy... Dường như số phận của các nhân vật này phim nào cũng vậy, giống như những nhân vật clone (các phiên bản sao y bản chính) vậy. Và thú vị hơn khi có những diễn viên lại chuyên thủ các vai này. Điển hình như 3 cái tên dưới đây.
Đã quen mặt với những vai diễn của một người bà cầu toàn, khó tính và cổ hủ, nhưng NSƯT Lê Thiện lại rất được lòng khán giả vì dù vai diễn có đáng ghét đến đâu, chỉ cần bà nở nụ cười xuề xoà, thì mọi chuyện sẽ bay biến hết. Một loạt những vai bà nội trong các phim Vừa Đi Vừa Khóc, Dù Có Gió Thổi, Cá Rô Em Yêu Anh,… đã minh chứng điều đó.
Xuất thân từ đoàn Văn công, "bà nội của truyền hình Việt Nam" từng bông đùa rằng mình hình như càng về già mới càng đắt lời mời đóng phim. Phải khi đã về hưu được chục năm, bà mới nhận được lời mời vào vai một bà cụ 80 tuổi tên Mỹ trong Dù Có Gió Thổi.
Đó cũng là lần đầu tiên xuất hiện trước máy quay của bà. Dù có rất nhiều bỡ ngỡ và lo lắng, nhưng với cách diễn tưng tửng, giọng nói đặc biệt, cộng với sự phối hợp ăn ý của nghệ sĩ hài Anh Tuấn, họ đã trở thành một cặp nhân vật được khán giả trông đợi nhất mỗi khi phim chiếu.
Cho đến Vừa Đi Vừa Khóc, NSƯT Lê Thiện từng khiến khán giả ghét cay ghét đắng vì sự cổ hủ và ích kỉ của một người bà tuổi đã bước sang thất thập cố lai hi. Đông Dương (Minh Hằng) là cháu, phải sống trong cảnh mệt mỏi vì lừa dối bà rằng mình là con trai. Dù rất buồn vì mẹ mất do bà ép phải đẻ đến khi nào được con trai thì thôi, nhưng Đông Dương vẫn nghe lời bà, chấp nhận sống cuộc sống không phải là mình để bà sống nốt những năm tháng tuổi già.
Vì không ép được cháu cưới Thêu (Nhã Phương), bà đã từng đuổi đứa cháu đích tôn ra khỏi nhà vì bà nghĩ nó sẽ sợ. Rồi bà còn cấm tiệt cháu không được giao du với con trai vì sợ sẽ "lây bệnh bê đê".
Sự cổ hủ ấy cuối cùng lại rất đáng thương, vì không phải bà thèm thuồng gì một đứa cháu trai, mà bà sợ rằng sau này đi gặp ông bà ông vải sẽ đắc tội do không có cháu trai nối dõi.
Mới đây nhất, bà cũng có một vai diễn nhỏ rất đáng yêu trong Tháng Năm Rực Rỡ, ấy là vai bà nội bị đãng trí của Hiểu Phương nhà quê.
Có một điều mà chắc chắn phải công nhận rằng, các vai diễn muốn giao cho diễn viên, cũng phải xét trên yếu tố ngoại hình đầu tiên. Không thể để một người nhìn rất đài các đóng vai bà nông dân đi giẫm đất, càng kệch cỡm hơn nếu để người có phong thái giản đơn quá trèo lên một cái ghế uy quyền và giàu sang.
Chả thế mà có những diễn viên dù rất hiền hậu, nhưng vì cái chân chất trong hiền hậu nên mãi vẫn chỉ đóng được những vai nhà quê nghèo khó. Một trong số những cái tên đáng lưu tâm, ấy là diễn viên Minh Phương.
Nếu như trong Sống Chung Với Mẹ Chồng, người ta để ý 10 phần tới bà mẹ chồng ghê gớm nhất vịnh Bắc Bộ là bà Phương, thì cũng không thể nào quên được một bà mẹ chồng khác rất tội nghiệp là bà Điều. Vì quý cháu nên bà bỏ lại nhà cửa, khăn gói ra chăm con dâu và cháu nội.
Nhưng vốn là người nhà quê, bà không thể theo kịp lối chăm con kiểu Tây của con dâu. Thói quen đi lại tự nhiên không đánh tiếng, không gõ cửa của bà cũng nhiều phen làm con cái giận tím mặt. Và dù rất muốn ở lại, nhưng bà lại phải lặng lẽ dọn đồ về quê vì không muốn gây khó chịu cho con cái.
Một loạt những vai với tính chất bi luỵ, héo hon khác phải kể đến đó là vai cô Lễ trong Truyện Đời Thường, vai bà Son trong Đất Và Người, vai người đàn bà mù trong Nắng Trong Mắt Bão.
Một cái tên khác cũng rất được lòng khán giả dù nghề diễn chỉ là nghề tay ngang, đó là diễn viên Văn Tùng. Với gương mặt hiền hậu và mái tóc bạc đặc biệt ấn tượng, diễn viên Văn Tùng đã rất xuất sắc khi đóng những nhân vật có cuộc sống giàu sang, vì thế mà con cái ăn chơi, đua đòi.
Một trong những người hay được gọi ông là ba nhất, chính là Lương Mạnh Hải. Từ Bỗng Dưng Muốn Khóc cho đến Vừa Đi Vừa Khóc, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đều tin tưởng giao vai trò "quản lý" quan trọng này cho Văn Tùng.
Trong Bỗng Dưng Muốn Khóc, diễn viên Văn Tùng phải làm mặt lạnh, phải nghiêm khắc trừng phạt Bảo Nam (Lương Mạnh Hải) vì thói đua đòi lêu lổng với đám bạn nhà giàu ham chơi. Ông dù rất thương con nhưng cũng sẵn sàng đuổi con ra khỏi nhà trong khi con không còn một xu dính túi, để con hiểu được giá trị của đồng tiền, hiểu được những vất vả, khó khăn mà cha mẹ phải chịu đựng để gây dựng cơ đồ.
Ngược lại, sang đến Vừa Đi Vừa Khóc, hình như sau một thời gian dài được "ba" chấn chỉnh, Lương Mạnh Hải giờ đây đã ngoan ngoãn, biết tu trí làm ăn hơn, khiến ba là diễn viên Văn Tùng cũng nhẹ gánh.
Thế nhưng ông lại bị đẩy vào một tình huống khác, đấy là trường hợp nghi ngờ con mình là đồng tính. Đó là một trong những vai diễn đòi hỏi sự đấu tranh nội tâm rất nhiều, bởi vợ thì đi mất, cả cuộc đời với ông vốn quý nhất chỉ có cậu con trai. Vẫn biết rằng không ai có thể lựa chọn được giới tính thực của mình, nhưng để bắt chấp nhận, có lẽ đó không phải điều dễ dàng gì, nhất là ở Việt Nam.
Theo lẽ thường, các bậc cha mẹ sẽ tìm mọi cách để con "thẳng" trở lại. Nhưng may thay, với ngoại hình rất hợp để hiền hậu, cộng hưởng với đó là giọng nói ôn tồn, ấm áp, ông đã khiến cậu con trai của mình không hề hoang mang, mà còn rất hạnh phúc vì được cha thấu hiểu.
Vẫn mô tuýp nhân vật như thế, ta lại bắt gặp lại trong Glee Việt với ông bố của Gia Khánh (Dũng Khánh). Nhưng lần này khó hơn, bởi không chỉ định hướng con, ông còn phải bảo vệ con trước cuộc sống đầy những sự kì thị bủa vây.
Thực ra, khi đã nhận vai diễn thì các diễn viên sẽ luôn có cách để hoàn thành thật tốt, thật có hồn. Thế nhưng "trăm hay không bằng tay quen". Với nghề diễn cũng vậy, cái gần gũi với khán giả nhất vẫn là phong thái của người diễn viên.