28 tuổi lương 7 triệu, nhìn tài khoản tiết kiệm chỉ thấy bất an

Ngọc Linh, Theo Đời sống pháp luật 21:00 14/07/2025
Chia sẻ

Nghĩ đến công việc, tiền nong mà chỉ biết thở dài.

Khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều người vẫn thường dành cho nhau những lời động viên - đại ý rằng: Thời buổi đâu đâu cũng thấy cắt giảm nhân sự như lúc này, có việc để làm, có lương nhận đều hàng tháng đã là may mắn rồi.

Điều đó đương nhiên là không sai, nhưng cũng không thể đúng với tất cả. Không ít người vẫn đang có việc, nhận lương đều đặn hàng tháng, song vẫn chưa thể cảm thấy hài lòng. Chẳng phải vì lười làm ham chơi, đơn giản chỉ là: Thu nhập không đủ sống.

28 tuổi lương 7 triệu, nhìn tài khoản tiết kiệm chỉ thấy bất an- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tâm sự của cô gái 28 tuổi trong câu chuyện dưới đây là một trường hợp như vậy.

Lương 7 triệu: Không dám ăn hàng, hạn chế cả tiệc tùng cưới hỏi…

Hiện tại, cô gái này đang làm nghề phụ bếp. Thu nhập mỗi tháng nhận về tay tròn trĩnh 7 triệu đồng. Lương không cao, còn đang “gánh” một hợp đồng bảo hiểm trị giá 300 triệu nên nhìn chung chi tiêu phải rất chắt chiu. Tiết kiệm gần như là điều hiếm khi xảy ra.

“Mỗi tháng em gửi cho mẹ 2 triệu, 2 triệu để dành đóng bảo hiểm (hợp đồng bảo hiểm của em trị giá 300 triệu, đóng theo tháng). Phần còn lại thì để trang trải chi phí sinh hoạt, cũng không nhiều nhặn gì nên em hiếm khi mua quần áo hay ăn ngoài, cưới hỏi tiệc tùng em cũng hạn chế luôn.

Bao năm qua đi làm, giờ nhìn lại thấy mình dường như không khá lên chút nào mọi người ạ… Tiền tiết kiệm hiện giờ chỉ bằng đúng nửa tháng lương nên em rất lo. Chẳng may có chuyện gì không suôn sẻ thì cũng không biết phải xoay sở thế nào nữa. Em cũng tính đi học gì đó để chuyển nghề, tìm công việc khác thu nhập khá hơn, nhưng tiền đi học với em cũng là một vấn đề lớn. Quanh đi quẩn lại vẫn là bế tắc…” - Cô viết.

28 tuổi lương 7 triệu, nhìn tài khoản tiết kiệm chỉ thấy bất an- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Trong phần bình luận của bài đăng, phần lớn mọi người cũng chỉ biết động viên cô gái này. Bởi với mức thu nhập 7 triệu, quả thực khó mà tiết kiệm được nhiều, không phải vay mượn cũng đã là một điều đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, cũng có người thẳng thắn chia sẻ rằng lương chưa cao, tình hình tài chính chưa ổn định thì không nên mua bảo hiểm.

“Mua bảo hiểm phòng thân thì tốt nhưng thu nhập còn hạn chế thì nó lại trở thành gánh nặng và cũng cản trở bản thân học hỏi, phát triển thêm. Lỡ ký rồi thì đành phải cố thôi vì giờ bỏ là coi như mất trắng” - Một người bình luận.

“28 tuổi mà lương có 7 triệu thì có phải đi vay cũng nên vay để đầu tư học hành, còn có kiến thức mà chuyển nghề bạn ạ. Nếu làm bếp thì bạn có thể cân nhắc bán đồ ăn online, tuy nhiên nếu không có vốn thì cũng khó, chưa kể giờ kinh doanh buôn bán thì đều khó khăn cả, không có kiến thức để làm đúng thủ tục pháp lý thì tuyệt đối đừng nhăm nhe nghĩ tới việc buôn bán. Tóm lại chẳng gì bằng làm văn phòng, nhưng phải có kiến thức, có bằng cấp cơ. 28 tuổi không còn quá trẻ nhưng cũng chẳng bao giờ muộn để bắt đầu. Chúc bạn vững tâm nhé” - Một người phân tích.

Nên chuẩn bị tài chính thế nào trước khi mua bảo hiểm?

Giống như câu chuyện của cô gái phía trên, nếu mua bảo hiểm khi thu nhập và nền tảng tài chính chưa ổn định, khả năng cao là chúng ta sẽ cảm thấy rất áp lực, cũng mất đi ngân sách để đầu tư, phát triển bản thân.

Chính vì vậy, trước khi đặt bút ký vào hợp đồng bảo hiểm, bạn bắt buộc phải suy nghĩ kỹ và đảm bảo được những yếu tố cơ bản dưới đây.

1 - Có quỹ khẩn cấp

Quỹ khẩn cấp là khoản tiền bạn sẽ dùng để trang trải chi phí sống nếu chẳng may thất nghiệp hoặc gặp những biến cố liên quan đến việc duy trì nguồn thu nhập. Khoản tiền trong quỹ khẩn cấp nên tương đương với tiền sinh hoạt phí (tiền thuê nhà, ăn uống, đi lại) trong vòng 3-6 tháng.

28 tuổi lương 7 triệu, nhìn tài khoản tiết kiệm chỉ thấy bất an- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Chưa có quỹ khẩn cấp mà đã mua bảo hiểm là quyết định khá mạo hiểm vì nếu bạn không may thất nghiệp vào đúng tháng tới hạn đóng phí bảo hiểm, tưởng tượng xem, lúc đó mình sẽ xoay sở ra sao? Đóng phí bảo hiểm thì không có tiền trang trải cuộc sống, mà dùng tiền đóng phí bảo hiểm để trang trải cuộc sống thì lại mất quyền lợi bảo hiểm.

Vấn đề nan giải là vì thế và cách duy nhất để hạn chế tình trạng ấy là bắt buộc phải có quỹ khẩn cấp trước khi mua bảo hiểm.

2 - Có khoản tiết kiệm để đầu tư

Đừng nhầm lẫn quỹ khẩn cấp với tiền tiết kiệm. Khoản tiết kiệm này là để bạn đầu tư cho bản thân (đi học thêm, đi du lịch) hoặc đầu vào những thị trường tiềm năng khác. Khi còn trẻ, việc học hỏi và trải nghiệm là rất cần thiết, đôi khi, đó còn là chìa khóa để bạn tìm thêm việc và đa dạng hóa nguồn thu.

Chính vì thế, đừng xem nhẹ khoản tiết kiệm để đầu tư lúc còn trẻ. Bạn có thể ưu tiên tạo quỹ khẩn cấp trước, rồi tới khoản tiết kiệm để đầu tư, cuối cùng mới là tới việc mua bảo hiểm.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày