Tiền bạc phân minh chỉ là vấn đề đơn giản khi không có hai chữ "tình cảm" xuất hiện. Chứ khi sống chung hoặc đã kết hôn, câu chuyện sẽ rất khác. Không muốn đưa hết tiền cho đối phương, nhưng cũng không muốn thờ ơ chẳng đóng góp gì. Vậy là cả hai rơi vào "thế khó".
Mới đây, một cô gái cũng có tâm sự về tình cảnh tương tự. Hiện tại cô và bạn trai - cũng là chồng sắp cưới, mới dọn về sống chung được 2 tháng. Tuy nhiên nhiều khi những xích mích, bất đồng về tiền bạc khiến cô có cảm giác "sượng trân" với chính người mình chuẩn bị kết hôn.
Trong bài đăng của mình, cô viết: "Em năm nay 24 tuổi, lương 20 triệu. Chồng sắp cưới 26 tuổi, lương 40 triệu. Công việc của em thì thường xuyên phải tăng ca nên hay về muộn, anh thì làm ở nhà nhưng lười nấu nướng dọn dẹp, nên bọn em quyết định thuê người giúp việc hết 8 triệu/tháng.
Ảnh minh họa
Em cảm giác chỉ những khoản chi tiêu chung thì anh mới chi tiền, còn lại những thứ khác thì không bao giờ chủ động mua cho em. 2 tháng nay thì anh chuyển cho em 20 triệu/tháng, trong đó tiền nhà và tiện điện nước dịch vụ hết 7 triệu, tiền giúp việc 8 triệu, là còn dư ra 5 triệu.
Mỗi lần nói chuyện, anh sẽ nói là chỗ em còn 5 triệu đúng không và không hề nhắc tới tiền ăn uống này. Vậy ý của anh là anh chi tiền nhà và tiền giúp việc, còn em chi tiền ăn đúng không mọi người?
Hôm trước anh bảo em đưa lại cho anh 10 triệu - là tiền dư trong 2 tháng ở chung. Em nghe thấy sượng trân mà lấn cấn lắm luôn nhưng vẫn đưa, xong thì anh lại có vẻ bình thường. Mọi người cho em lời khuyên, góc nhìn với" .
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người thẳng thắn và đưa ra chung 1 quan điểm: Đằng trai thì không thẳng thắn, còn đằng gái thì lại có suy nghĩ ỷ lại. Chuyện rõ mười mươi là bạn trai muốn cô lo tiền ăn uống, anh lo tiền nhà và tiền giúp việc - điều này rất bình thường và không có gì phải phàn nàn, ngoại trừ việc đôi bên không nói rõ để thống nhất.
Ảnh minh họa
"Mình là con gái nhé và mình thấy bạn nam đang chi hơi nhiều. Ở chung mà bạn ấy chi tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền giúp việc thì đương nhiên bạn cũng phải biết ý mà tự hiểu mình nên lo khoản tiền ăn chứ. Bạn cũng có lương mà chứ có phải không đâu? Còn nếu cảm thấy như vậy không ổn thì cũng nói chuyện thẳng thắn xem sao, chứ chưa cưới mà đã thế này thì ở chung mấy năm nữa khả năng là bất ổn lắm" - Một người phân tích.
"Chắc bạn trai nghĩ bạn tự hiểu nên không nói thẳng ra việc bạn lo tiền ăn uống đấy. Mặc dù dự định là sẽ kết hôn nhưng chưa đám cưới, chưa đăng ký kết hôn thì cũng chưa có gì chắc chắn đâu, mình có gia đình rồi nên mình thấy vậy. Bạn nam đang rất ổn, còn bạn thì nên tinh tế và suy nghĩ chủ động hơn, không nên nghĩ ở chung là đối phương phải lo hết cho mình vì họ là đàn ông" - Một người thẳng thắn.
"Mình nghĩ 2 bạn nên học cách chi tiêu tiết kiệm trước khi cưới nhau, chứ còn độc thân chưa vướng bận con cái mà đã tiêu cỡ này thì khả năng lúc có con sẽ thấy không đủ với mức thu nhập 60 triệu/tháng/2 người đâu" - Một người khuyên.
Để tình cảm không rạn nứt vì bất đồng quan điểm trong chuyện dùng tiền, tiết kiệm, các cặp đôi - dù đã cưới hay chưa, cũng đều nên cùng nhau ngồi xuống và làm rõ 4 điều dưới đây.
1 - Mức thu nhập và các khoản nợ của mỗi người
Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát chỉ là chuyện khả thi khi chúng ta chưa về chung một nhà. Không ai muốn lấy chồng, lấy vợ xong lại phải gánh thêm cả những khoản nợ mà bản thân mình chẳng phải người đi vay. Lúc ấy, bỏ thì thương, vương thì tội, cả hai chẳng ai vui vẻ, hạnh phúc được.
Ảnh minh họa
Bởi thế, thành thật với nhau về mức thu nhập hoặc các khoản nợ, không chỉ thể hiện sự tôn trọng dành cho đối phương, mà còn hạn chế nhiều cuộc xung đột không đáng có trong hôn nhân.
2 - Làm rõ trách nhiệm tài chính của từng người khi sống chung
Sau khi thành thật với nhau về mức thu nhập hiện tại cũng như các khoản nợ, có 3 câu hỏi mà các cặp đôi nên cùng nhau tìm ra câu trả lời.
- Ai là người quản lý tài chính khi chung sống?
- Tỷ lệ đóng góp của mỗi người cho các khoản chi phục vụ đời sống, khoản tích lũy, khoản tiết kiệm phục vụ các mục tiêu lớn (sinh con, mua nhà, mua xe,...)?
- Mỗi người sẽ dành bao nhiêu % thu nhập để phục vụ sở thích cá nhân của mình?
Không làm rõ 3 vấn đề này từ ban đầu, đời sống hôn nhân rất có thể sẽ rơi vào tình trạng bất đồng như cơm bữa vì mỗi người một nhu cầu, một quan điểm khác nhau trong chi tiêu. Thời độc thân thì chẳng nói làm gì, nhưng giờ đã về chung một nhà rồi, làm rõ 3 điều phía trên chính là cách dung hòa cho sự khác biệt trong nhu cầu và quan điểm chi tiêu của mỗi người.
3 - Cùng nhau "thử" gánh vác trách nhiệm quản lý tài chính
Bàn bạc, thống nhất là bước đầu. Sau đó, cả hai có cùng nhau thực hiện được đúng như những gì đã đề ra hay không lại là chuyện khác.
Ảnh minh họa
Để giảm thiểu sai số trong việc quyết định ai nên là người "nắm tay hòm chìa khóa", tốt nhất là mỗi người đều nên thử gánh trọng trách này một thời gian. Có thử mới biết kế hoạch đề ra, vai trò của từng người trong việc đóng góp, quản lý tài chính đã phù hợp hay chưa. Rồi từ đó, mới tìm được hướng xử lý, giải quyết.
4 - Thành thật về các thói quen chi tiêu chưa tốt của bản thân
Không có gì khó hơn việc thừa nhận "tôi đã sai", đặc biệt là với những người có cái tôi quá cao. Tuy nhiên, hãy nghĩ đơn giản rằng, chúng ta không có ai là hoàn hảo. Người giỏi kiếm tiền rất có thể cũng sẽ là người tiêu tiền như nước. Người giỏi tiết kiệm có thể sẽ có lúc hơi "khắc nghiệt" với bản thân khi nghĩ tới chuyện hưởng thụ cuộc sống.
Tất cả những điều đó đều rất bình thường. Vấn đề quan trọng chỉ là bạn có nhận ra cái chưa đúng của bản thân, để điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống gia đình hay không mà thôi.