Nhưng bạn tin không, nếu bạn đang là một phụ nữ quá tải, luôn thiếu thốn thời gian, thường thấy mình cũ kỹ, thiếu năng lượng, những sản phẩm trên đều khá hời hợt, chẳng thể có tác dụng lâu dài lên đời sống của bạn. Chí ít, đó là nhận định của Pooja Lakshmin, bác sĩ tâm thần và tác giả cuốn sách "Real Self-care" (tựa tiếng Việt: "Chăm sóc bản thân thật sự")
Theo Lakshmin, trước những áp lực nặng nề từ nhiều phía, phụ nữ hiện đại có xu hướng tìm đến những sản phẩm và giải pháp tức thời để trốn thoát hiện thực, thay vì thật sự làm gì đó để cải thiện cuộc sống của chính mình - từ bên trong.
Trong "Chăm sóc bản thân thật sự", Pooja Lakshmin chỉ ra 4 nguyên tắc sẽ đưa đến những thay đổi căn cơ, giúp cách mạng cuộc sống của phụ nữ.
"Chúng ta đang sống trong một nền văn hoá thích trừng phạt phụ nữ về việc đặt ra ranh giới và đòi không gian riêng", Pooja Lakshmin viết.
Là một bác sĩ tâm thần đã hỗ trợ rất nhiều phụ nữ, Lakshmin đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện giống nhau: Một cô gái miễn cưỡng làm thêm việc nhà thay vì yêu cầu bạn trai chia sẻ công việc; Một nữ nhân viên chấp nhận những yêu cầu vô lý tại cơ quan; Một người vợ bối rối trước yêu cầu quá đáng của gia đình chồng…
Theo Lakshmin, nguyên tắc đầu tiên của chăm sóc bản thân thật sự là thiết lập ranh giới: cương quyết với những nhu cầu và mong muốn của bản thân; và tìm cách cân bằng chúng với những nhu cầu của bạn đời, con cái, sếp…
"Ranh giới là nền tảng; nếu không có ranh giới, toàn bộ phần còn lại của việc chăm sóc bản thân sẽ không thể diễn ra", Lakshmi khẳng định.
Nhưng tại sao sự đòi hỏi ranh giới lại cực kỳ khó khăn với phụ nữ? Dường như có một "con quái vật tội lỗi" bên trong mỗi phụ nữ, khiến họ cảm thấy hổ thẹn khi yêu cầu không gian riêng cho bản thân.
Và theo Lakshmi, con quái vật này là hệ quả của việc phái nữ bị các hệ thống xã hội đối xử bất bình đẳng trong một thời gian dài. (Từ rất lâu trong quá khứ, phụ nữ đã phải chịu đựng những yêu cầu không có điểm dừng trong việc chăm sóc gia đình, đồng thời bị mặc định rằng phải thu nhỏ cái tôi của mình).
Trong "Chăm sóc bản thân thật sự", tác giả giới thiệu nhiều kỹ năng thiết lập ranh giới hiệu quả, như có "tính linh hoạt tâm lý" để đối diện tốt hơn với cảm giác tội lỗi; chọn ra ai là người mà bạn sẵn sàng bỏ ngoài tai; truyền đạt rõ về ranh giới của bản thân (luôn rõ ràng, đừng xin phép, tránh giải thích quá nhiều…)
Một thuật ngữ thú vị được tác giả nêu ra trong sách, là "chế độ hy sinh bản thân" (Martyr Mode). Phụ nữ bật chế độ này khi họ cảm thấy tự hào vì đã lo toan và làm rất nhiều thứ cho gia đình mình và những người xung quanh.
Họ là những người muốn bạn biết rằng họ đã đứng nấu ăn rất lâu, nhưng nếu nhận được lời khen thì họ vẫn sẽ từ chối. Họ là những người có vẻ như đang cạnh tranh với bạn xem ai đang chịu cực nhiều hơn… Và nghịch lý thay, khi bật chế độ này, phụ nữ muốn tận hưởng cảm giác được hy sinh, nhưng đồng thời cũng muốn sự hy sinh nhỏ bé của mình được công nhận.
Làm sao để phụ nữ có thể tắt chế độ độc hại này, đối xử với bản thân nhân ái và tử tế hơn? Lakshmi khuyến khích cách thực hành tư duy "đủ tốt": Rằng trước mỗi tình huống khó khăn, hãy đưa ra quyết định với mong muốn sẽ dung hòa được tất cả các bên - bao gồm cả bản thân bạn.
Bên cạnh đó, cô cũng cho rằng phụ nữ cần từ bỏ chủ nghĩa hoàn hảo, nhận sự giúp đỡ nhiều hơn, đồng thời để ý đến cơ thể của mình và xem nghỉ ngơi như một cách để "cách mạng"…
Tiếp theo, có một điểm chung mà Pooja Lakshmin thường xuyên bắt gặp ở nhiều phụ nữ: Sau khi đã nói không và rũ bỏ nhiều thứ KHÔNG MUỐN CÓ trong cuộc sống, họ bỗng cảm thấy lạc lõng và mất định hướng. Họ không chắc điều gì sẽ làm họ hạnh phúc.
Bước tiếp theo trong tiến trình cách mạng bản thân, theo Lakshmin, là dành không gian tâm trí để suy nghĩ về những gì thật sự giúp bạn phát triển và cảm thấy thỏa mãn.
Từ khoá ở đây là nghĩ về những GIÁ TRỊ quan trọng với bạn. Trong khi mục tiêu là những mong muốn hữu hình như "Tôi muốn chạy marathon" hoặc "Tôi muốn học cao học"; thì giá trị là những phẩm chất bạn muốn có khi hành động.
Trong sách, Pooja Lakshmin liệt kê ra một danh sách ngắn về các giá trị phổ biến: Như sự tự chủ, mạo hiểm, chính trực, trách nhiệm, trắc ẩn, lạc quan, sự táo bạo, biết lãnh đạo, can đảm, sáng tạo, ổn định, cống hiến, hài hước, kiên định…
Cô cũng đưa ra những hướng dẫn giúp bạn hiểu rõ hơn về những hoạt động, sở thích giúp nuôi dưỡng con người thực thụ của bạn…
Những lựa chọn cá nhân đột phá của phụ nữ có thể thay đổi hệ thống như thế nào? Pooja Lakshmin đưa ra rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng trong cuốn sách của mình.
Chẳng hạn, một lần dũng cảm "nói không" ở nơi làm việc đã mở cánh cửa cho một nữ giáo viên có một công việc kinh doanh trong mơ. Một quyết định nghỉ phép để chăm sóc sức khoẻ tâm thần của một nữ nhân viên đã dẫn đến những thay đổi về mặt chính sách ở cơ quan cô.
Nói cách khác, nếu bạn đi theo tiến trình cách mạng bản thân như trên: đặt ra ranh giới; trắc ẩn với bản thân; sống đúng giá trị… thì dần dần, sự thay đổi tích cực từ bên trong này sẽ lan toả đến gia đình cũng như những hệ thống mà chúng ta đang sống làm việc.
"Nó có nghĩa là đối mặt trực tiếp với sự độc hại và tổn thương mà nền văn hóa của chúng ta gây ra cho phụ nữ", tác giả khẳng định.