Phỏng vấn là dịp để nhà tuyển dụng cũng như ứng viên có cái nhìn rõ nét hơn về đôi bên. Đứng ở góc độ người đi làm, ứng viên luôn muốn rõ ràng câu chuyện phạm trù công việc, lộ trình thăng tiến, phúc lợi, lương thưởng, văn hóa công ty để xem bản thân có thực sự thích hợp với công ty hay không.
Còn đứng ở góc độ nhà tuyển dụng, bên cạnh những kinh nghiệm cũng như kỹ năng và cá tính của ứng viên được thể hiện thông qua CV, nhiều công ty còn tranh thủ đặt ra những câu hỏi tình huống hóc búa, nhằm xác định được ứng viên có phải là mảnh ghép khuyết thiếu mà mình đang tìm kiếm hay không.
Thật vậy, những câu hỏi hóc búa luôn là cách thức vô cùng hiệu quả để thử khả năng suy nghĩ, phân tích tình huống, phán đoán, tư duy logic cũng như cá tính của mỗi ứng viên. Có những trường hợp, chỉ với một câu hỏi cho hai ứng viên ứng tuyển vào 2 vị trí khác nhau; mặc dù họ có cùng câu trả lời, nhưng chỉ 1 người được nhận. Câu chuyện bên dưới đây là minh chứng rõ ràng cho trường hợp tưởng chừng như nghịch lý này.
Như chúng ta đã biết, sách là một công cụ học tập có chi phí thấp nhưng đem lại lợi nhuận rất cao. Hiểu được tầm quan trọng của việc đọc và cũng thường xuyên dành thời gian đọc sách mỗi ngày, nhưng tại sao có người đạt hiệu quả rất tốt, có người lại như “công dã tràng”? Thử thách ứng viên bằng một câu hỏi hóc búa liên quan đến việc đọc sách, một công ty đã tìm ra cho mình được mảnh ghép phù hợp.
Cụ thể, trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng hỏi hai ứng viên, một người ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh, một người ứng tuyển vị trí nhân viên sáng tạo nội dung cùng một câu hỏi: “Theo anh chị, người đọc 1.000 cuốn sách và người đọc 1 cuốn sách 1000 lần, ai lợi hại hơn?”.
Dù không ngồi trong phòng phỏng vấn cùng một thời điểm; tuy nhiên, không hẹn mà gặp, đáp án của cả hai ứng viên đều là người đọc 1.000 cuốn sách hẳn nhiên sẽ lợi hại hơn. Bởi họ cho rằng, bể học mênh mông và rộng lớn, càng đọc nhiều chúng ta càng tiếp thu được nhiều kiến thức, làm giàu thêm trình độ của bản thân, mở rộng nhân sinh quan cũng như tầm nhìn và hiểu biết về thế giới.
Tuy nhiên, nhà tuyển dụng lại không nghĩ vậy. Bằng chứng đến từ việc chỉ có ứng viên ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh trúng tuyển, còn người làm nội dung lại không. Giải thích cho vấn đề này, nhà tuyển dụng chia sẻ rằng, đối với vị trí nhân viên kinh doanh, cần một người luôn chạy theo số lượng, hướng đến doanh số, tìm càng nhiều hợp đồng về cho công ty càng tốt. Do đó, họ cần có tư duy hướng đến số lượng theo như chỉ tiêu ban giám đốc và cấp trên đề ra.
Ngược lại, đối với một nhân viên sáng tạo nội dung, cần một cá nhân có góc nhìn đa dạng, nhiều chiều đồng thời có chiều sâu, tinh tế, nhạy bén trong việc hiểu được tâm tư, cảm nghĩ của khách hàng. Do đó, vị trí này cần một cá nhân nhạy cảm, suy nghĩ thấu đáo, giống như việc đọc đi đọc lại 1 cuốn sách 1.000 để ngộ ra những điều mà những người chỉ đọc qua 1 lần có thể chưa tỏ tường.
Thật vậy, với mỗi vị trí khác nhau, nhà tuyển dụng sẽ có những yêu cầu khác nhau để tìm kiếm con người. Không quan trọng bạn thông minh và tài giỏi đến đâu, điều quan trọng nằm ở việc bạn phù hợp với công ty và đội nhóm đến mức độ nào để trở thành một mảnh ghép vừa khít cho bức tranh tổng thể.
Phương thức của công ty kể trên có thể đúng, có thể sai; tuy nhiên, đó cũng là một cách hay để họ chọn được người phù hợp dành cho tập thể mình. Không chỉ riêng việc phỏng vấn, mà trong đời sống công sở hàng ngày cũng vậy. Đâu đó sẽ tồn tại vô vàn tình huống mà hai bộ phận khác nhau không thể cùng đưa ra một câu trả lời. Cho nên, nếu chẳng may rơi vào tình huống này, chị em công sở nên suy nghĩ thấu đáo mục tiêu mà người hỏi muốn để đưa ra câu trả lời hợp lý, thông minh và ăn điểm.