Công việc của các bác sĩ, y tá trong tất cả các bệnh viện là cứu sống bệnh nhân bằng bất cứ giá nào và bất kỳ tình huống nào, thế nhưng lòng tốt của họ đôi khi lại mắc phải những vấn đề liên quan đến pháp lý mà nằm mơ người ta cũng không ngờ được. Vụ việc liên quan đến Bệnh viện St. Peter ở Helena (Mỹ) và bác sĩ Virginia Lee Harrison mới đây là một ví dụ.
Theo cáo trạng từ phía tòa án, vào ngày 21 tháng 3 năm 2016, bệnh nhân tên Rodney Knoepfle lên cơn đau tim, tình trạng đã rất nguy kịch. Ông được các bác sĩ trong bệnh viện, trong đó có bác sĩ Virginia, nhanh chóng làm hồi sức tim và thoát chết.
Ảnh minh họa.
Thực tế, trước khi vụ việc xảy ra, ông Rodney đã bày tỏ nguyện vọng không muốn được hồi sức. Tuy nhiên, trong lúc cấp bách, bác sĩ đã "quên mất" yêu cầu của ông và vẫn hành động như bản năng, ra sức cứu người.
Sang ngày hôm sau, tim của ông Rodney vẫn đập rất chậm, cơ thể không có phản ứng, các bác sĩ đặt nội khí quản và cho ông dùng andrenalin, từ đó giúp thoát khỏi tử thần thêm một lần nữa. Giữ được tính mạng sau 2 lần nguy kịch, ông Rodney được cấy máy tạo nhịp tim và được đưa vào viện dưỡng lão vào ngày 1 tháng 4 năm 2016, nhưng ông cho rằng bác sĩ đã không làm đúng theo yêu cầu của mình nên quyết định đâm đơn kiện Bệnh viện St. Peter và bác sĩ Virginia vì làm trái nguyện vọng của mình.
Năm 2018, ông Rodney qua đời ở tuổi 69 nhưng vụ kiện được vợ ông cùng các luật sư tiếp tục theo đuổi.
Thẩm phán tuyên phạt Bệnh viện St. Peter và bác sĩ Virginia Lee Harrison phải nộp 209.000 USD bồi thường cho các chi phí y tế và 200.000 USD (tổng số tiền gần 10 tỷ đồng) cho nỗi đau về thể xác tinh thần mà ông Rodney đã phải chịu đựng - Ảnh minh họa.
Kiểm tra hồ sơ y tế của Rodney ghi rõ, các nhà điều tra nắm được thông tin rằng ông Rodney đã "nói miệng" với bác sĩ về nguyện vọng của mình đồng thời đeo một băng xanh ở tay (DNR) thể hiện ý nguyện không muốn được hồi sức. (DNR là viết tắt của Do Not Resuscitate có nghĩa là "Đừng hồi sức/Không hồi sức", đây là lựa chọn của các bệnh nhân sẽ được chữa trị như thế nào vào giai đoạn cuối của bệnh. DNR có thể giúp các gia đình tránh được các khó khăn và lựa chọn đau đớn).
Sau khi cứu bệnh nhân, bác sĩ Virginia ghi trong bệnh án rằng ông Rodney và vợ không muốn dùng nội khí quản và hồi sức thêm nữa, nhưng đồng ý các phương pháp cứu chữa khác.
Ngày 23 tháng 5 mới đây, Tòa án bang Montana đã kết luận Bệnh viện St. Peter và bác sĩ Virginia Lee Harrison phạm lỗi bất cẩn dẫn đến xâm phạm quyền bệnh nhân của ông Rodney Knoepfle, không chỉ 1 lần mà tới 2 lần.
Thẩm phán tuyên phạt Bệnh viện St. Peter và bác sĩ Virginia Lee Harrison phải nộp 209.000 USD bồi thường cho các chi phí y tế và 200.000 USD (tổng số tiền gần 10 tỷ đồng) cho nỗi đau về thể xác tinh thần mà ông Rodney đã phải chịu đựng.
Ngày 24/5, người phát ngôn của Bệnh viện St. Peter, Andrea Groom, cho biết bệnh viện không có bất kỳ bình luận nào về các vấn đề pháp lý.
(Nguồn: usnews)