Mỗi năm trên thế giới có khoảng... 180 tỉ lon nhôm được sản xuất dưới dạng những lon nước giải khát. Con số nghe thật khủng khiếp, nhưng ít ra so với nhựa thì lon nhôm được đánh giá là thân thiện hơn với môi trường rất nhiều.
Nhưng biết gì không, hóa ra bên trong chiếc lon nhôm ấy lại ẩn giấu một bí mật hết sức bất ngờ mà dám cá rằng không nhiều người biết. Mới đây, kênh Youtube MEL Science đã cho đăng tải một đoạn video hé lộ bí mật này, và nó nhận được hàng chục ngàn lượt chia sẻ từ cộng đồng mạng.
Nội dung là về một thí nghiệm như sau. Đầu tiên lấy một lon nước ngọt, cạo sạch lớp sơn màu phủ bên ngoài sao cho lộ ra vỏ nhôm trắng bên trong. Sau đó, ngâm lon nước trong dung dịch thông tắc bồn cầu (loại có chứa natri hydroxide) trong vòng 2h đồng hồ.
Dung dịch kiềm sẽ phản ứng hòa tan lớp nhôm, và tưởng như sẽ khiến số nước giải khát kia hòa lẫn vào dung dịch. Nhưng không! Kết quả, ta có một lon nước... trong suốt, vì lớp trong cùng của lon nước ngọt là một lớp màng nhựa dẻo.
*Lưu ý: Thí nghiệm sử dụng hóa chất nguy hiểm, không tự ý làm tại nhà.
Bí mật đằng sau các lon nước ngọt bằng nhôm mà không nhiều người biết
Lớp nhựa có mục đích tốt
Đoạn video nhanh chóng nhận được sự chia sẻ dữ dội của cộng đồng mạng, vì việc xuất hiện lớp nhựa này đã khiến nhiều người tỏ ra ngạc nhiên. Nhưng mục đích của nó là gì?
Trước tiên cần biết rằng các loại nước ngọt có gas đều có chứa CO2 bão hòa - thứ tạo nên bong bóng và cảm giác "nổ" lùng bùng trong miệng mỗi khi chúng ta uống. Nhưng CO2 trong nước sẽ khiến dung dịch có tính acid, và đây là một vấn đề.
Nếu các dung dịch này tiếp xúc trực tiếp với bề mặt nhôm, nó sẽ tạo phản ứng ăn mòn, khiến nước xuất hiện "vị kim loại" và làm hỏng hương vị thực sự. Hơn nữa, nếu nồng độ nhôm lọt vào cơ thể quá cao có thể gây ngộ độc, khiến xương và não phát triển bất thường.
Bởi vậy, các nhà sản xuất buộc phải thêm vào một lớp nhựa mỏng, nhằm ngăn không cho nước tiếp xúc trực tiếp với bề mặt kim loại.
"Lớp nhựa này rất quan trọng, vì nó là tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm trong suốt 50 năm qua." - Matt Meehan, chuyên gia từ Hiệp hội Nhôm cho biết.
Liệu có ảnh hưởng gì đến việc tái chế?
Thật may mắn là không vì từ lâu lon nhôm vẫn được đánh giá là dễ tái chế hơn so với các vật dụng bằng nhựa. Theo Meehan, quá trình tái chế một lon nhôm sẽ diễn ra như sau:
"Đầu tiên, lon sẽ bị dập nát trước khi đưa vào lò nung. Tại đây, các vật liệu không phải kim loại sẽ nhanh chóng bị đốt cháy, với mức độ khí thái đạt tiêu chuẩn EPA."
"Nhìn chung, lon nhôm thân thiện hơn cho môi trường nếu so với nhựa, vì khả năng tái chế của nhôm vẫn cao hơn rất nhiều."