13 năm đã trôi qua, nhìn lại những đổi thay của cả 1 thế hệ với những chiếc iPhone

Bài viết: Long 98,Thiết kế: Minh thần kì, Theo Trí Thức Trẻ 14:15 14/10/2020

13 năm đã trôi qua từ ngày chiếc iPhone đầu tiên ra đời với tiếng nhạc chuông huyền thoại Marimba, nhưng cảm xúc của những iFan lớn lên và trưởng thành cùng dòng smartphone của Táo Khuyết vẫn chưa bao giờ thay đổi.

Có 1 từ tôi rất thích trong tiếng Anh là “nostalgia” vì sự mềm mại trong thanh âm đồng nhất với ý nghĩa mà nó gợi đến. “Nostalgia” - hay sự hoài niệm - là cảm giác bạn thấy mỗi khi ngửi mùi sách vở mới, mùi đất sau cơn mưa, mùi món ăn ưa thích mẹ hay nấu thời ấu thơ, tiếng gà gáy mỗi sáng sớm, tiếng trẻ em nô đùa mỗi khi đi qua ngôi trường cũ; hay trong trường hợp của tôi và nhiều người lớn lên, trưởng thành từ giai đoạn sau năm 2007, là Marimba - nhạc chuông mặc định của iPhone từ trước thời iOS 7.

Đoạn âm thanh ngắn ngủi này không chỉ gợi nhớ tôi đến những buổi sáng thức dậy mệt nhoài để chuẩn bị đến trường sau cả đêm dài chơi game, mà còn là những lần xốn xang và háo hức đến “vỡ cả tim” khi số máy hiện lên trên màn hình điện thoại là của crush. Âm thanh này đặc trưng đến mức mà mỗi khi nó vang lên trong 1 bộ phim, ta đều có thể dễ dàng nhận ra nhân vật trong cảnh đó đang sử dụng iPhone. Kể cả với nhạc chuông mặc định sau này là Opening, cảm giác đó vẫn không hề thay đổi.

Có lẽ, không một chiếc điện thoại nào đặc biệt với người trẻ như iPhone. Kể từ lần đầu xuất hiện, iPhone đã cùng chúng ta đi một hành trình dài qua từng tháng năm, đánh dấu mọi cột mốc, mọi xu hướng trong đời sống quanh ta. Nhìn lại sự phát triển và thay đổi của iPhone, chúng ta cũng có thể nhìn lại chính một quãng thời gian trưởng thành của mình. 

13 năm đã trôi qua, nhìn lại những đổi thay của cả 1 thế hệ với những chiếc iPhone - Ảnh 1.

Là 1 người thuộc thế hệ cuối 9X, điều dễ hiểu là tôi không có điều kiện được sở hữu những chiếc iPhone đời đầu như iPhone 2G, 3G hay 3GS, mà cùng lắm chỉ được “trên tay” nhờ người thân vào những dịp hiếm hoi. Vào khoảng cuối những năm 2000, đầu 2010, điện thoại có màn hình cảm ứng cũng không còn quá xa lạ, nhưng không có chiếc nào như iPhone cả.

Tôi vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu được cầm trên tay chiếc iPhone 3GS của cô ruột tôi. Nhìn bề ngoài thì nó cũng chẳng có gì ấn tượng với 1 mặt lưng bằng nhựa, camera và 1 màn hình. Nhưng mọi thứ thay đổi khi máy bật lên và thấy chiếc điện thoại này có đủ mọi ứng dụng ngay màn hình chính, chẳng cần phải vào 1 menu gì cả. Giao diện của iOS khi đó chẳng là gì nếu đem so với thời điểm hiện tại, nhưng ở thời điểm đó, nó thực sự đã là 1 chân trời mới với đủ thao tác như chạm và hiệu ứng chuyển cảnh mượt mà.

Đó là trước khi tôi được cầm vào iPhone 4.

Cho đến tận bây giờ - 10 năm sau, nhiều người vẫn cho rằng iPhone 4 là kết tinh của mọi yếu tố hoàn hảo nhất dưới thời Steve Jobs. Thiết kế vuông vắn, đều đặn cùng 2 mặt kính trước sau và phần khung kim loại, camera mài phẳng, với kích cỡ vừa phải thoải mái trong lòng bàn tay đã khiến iPhone 4 trở thành tượng đài về thẩm mỹ, và như nhiều người gọi, là “vedette” của Apple.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ để khiến iPhone 4 trở thành tượng đài và là 1 trong những cú hích đẩy Apple lên hàng những công ty sản xuất điện thoại thành công nhất mọi thời đại. Vào WWDC năm đó, Steve Jobs phát biểu rằng “iPhone 4 là bước nhảy vọt lớn nhất kể từ chiếc iPhone đầu tiên”.

Ông đã không nói sai. iPhone 4 là chiếc iPhone đầu tiên, cũng là 1 trong những smartphone đầu tiên mang trên mình chiếc camera trước cùng màn hình Retina. Mặc dù chất lượng hình ảnh chẳng phải xuất sắc, nhưng chính chiếc camera này đã thay đổi cuộc sống của chúng ta theo cách mà không ai có thể lường trước được. Lần đầu tiên, khái niệm “selfie” và “video call” đã được phổ biến đến công chúng. “Selfie” thực sự đã tạo ra 1 cuộc cách mạng bùng nổ chưa từng thấy về cách mà chúng ta chụp ảnh. 

13 năm đã trôi qua, nhìn lại những đổi thay của cả 1 thế hệ với những chiếc iPhone - Ảnh 2.

Cộng hưởng với sự “phổ cập” của Blog 360, Facebook và sau này là Instagram, trào lưu này đã sớm trở thành 1 nét văn hóa quá quen thuộc trong đời sống của mọi người chứ không riêng gì giới trẻ nữa. Có điều, “tự sướng” với camera trước là chưa đủ, tự sướng với iPhone qua gương vào những năm 2011-2013 mới thật sự là “đỉnh”.

Người lớn thời đó vẫn chẳng thể hiểu “bọn trẻ con” làm cái gì với cái điện thoại mà cứ giơ giơ lên trước mặt rồi chu chu môi, nhưng đến thời điểm này, sẽ chẳng có gì là đáng ngạc nhiên nếu bố mẹ bạn bỗng dưng hỏi “Dùng app nào seo-phì cho đẹp hả con?”.

Đó chỉ là 1 trong những cách mà iPhone nói riêng hay thế giới hi-tech đã nhào nặn cuộc sống của chúng ta.

13 năm đã trôi qua, nhìn lại những đổi thay của cả 1 thế hệ với những chiếc iPhone - Ảnh 3.

Đến nay, đã 13 năm trôi qua kể từ khi chiếc iPhone đầu tiên ra đời. Trùng hợp là, chừng ấy cũng chính là khoảng thời gian để 1 thế hệ được định nghĩa hẳn hoi trong sách vở - Gen Z - trưởng thành.

iPhone ra đời và phát triển cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội và nội dung số. Giai đoạn cuối thập niên 2000, đầu 2010, hàng loạt những người khổng lồ công nghệ thống trị mảng truyền thông xã hội trỗi dậy và tạo ra cách mạng cho Internet: Facebook, YouTube, Instagram... Ngoài việc thổi lửa cho 1 nét văn hóa selfie, họ còn góp phần định hình và nhào nặn lối sinh hoạt và cách suy nghĩ của cả 1 thế hệ trải qua thời niên thiếu nổi loạn cùng cuộc cách mạng ấy.

Gen Z, với việc là thế hệ đầu tiên được sử dụng smartphone vào giai đoạn định hình nhân cách trong cuộc sống, đã trở nên “nghiện” điện thoại di động hơn mọi thế hệ khác. Điều đặc biệt hơn là họ “nghiện” iPhone. Theo 1 số liệu thống kê vào năm 2015, 2/3 số teen Mỹ sở hữu iPhone. Điều đó cũng không mấy khác biệt ở các nước phát triển hay thậm chí là các đô thị tại Việt Nam. Không hiểu tại sao, iPhone nói riêng và đồ Apple nói chung có 1 sức hấp dẫn kỳ lạ hơn hẳn các hãng khác, minh chứng là cơn sốt chờ đón sự kiện ra mắt iPhone hàng năm của Apple luôn cao hơn, hay thậm chí là lượt tìm kiếm iPhone trên Google luôn vượt trội mọi đối thủ khác từ xưa đến giờ.

13 năm đã trôi qua, nhìn lại những đổi thay của cả 1 thế hệ với những chiếc iPhone - Ảnh 4.

“Sẽ không ngoa khi nói iPhone và Gen Z đều trưởng thành cùng nhau. Từ chiếc iPhone đầu tiên sở hữu camera trước, iPhone đã đi 1 hành trình dài tới chiếc túi của những người trẻ luôn khao khát thể hiện bản thân.”

Đầu tiên phải nói đến thiết kế. Phong cách thiết kế của iPhone và iOS đi theo triết lý của những người sáng tạo ra nó - “Form follows function”, hay “Thiết kế phải đi theo chức năng”. Quả thật, những đời iPhone từ thời Steve Jobs hay kể cả là những đời kế cận như iPhone 5 trở về sau vẫn tuân theo ngôn ngữ thiết kế tối giản và không có gì cầu kỳ, nhưng vẫn phát triển cùng xu hướng mới qua mỗi năm. Điều quan trọng là, Apple vẫn luôn trung thành với 1 ngôn ngữ thiết kế, để đảm bảo sản phẩm của mình chưa bao giờ là xa lạ với những người dùng thân quen. Thật vậy, một khi đã quen sử dụng iPhone và iOS, bạn sẽ không còn muốn quay lại những sản phẩm khác. Tính trực quan, giao diện đẹp, mượt mà đã đảm bảo thỏa mãn trải nghiệm của người dùng và quan trọng là tất cả các yếu tố đó đã được cân nhắc cho thật liền mạch, dễ hiểu, dễ sử dụng và dễ làm quen. Từ nút cuộn và nhấn trên chiếc iPod đầu tiên, đến bánh xe chọn giờ báo thức cho đồng hồ báo thức trên iOS tiền-14, Apple vẫn khiến người dùng của mình thích thú và khiến mọi thao tác dễ dàng như nằm trọn trong lòng bàn tay, theo đúng nghĩa đen. 

Tại sao điều này lại quan trọng? 1 “insight” của tập khách hàng trẻ như Gen Z là họ không quá quan tâm đến những yếu tố công nghệ khô cứng và phức tạp như số Megapixel của camera, số nhân của chip, hay là tốc độ xử lý của máy. Điều họ cần là 1 chiếc máy có thiết kế đẹp, không cầu kỳ “hoa lá cành”, dễ sử dụng, chụp ảnh ổn và quan trọng là không tốn thời gian chăm sóc nhờ có 1 hệ điều hành và phần cứng ổn định. Apple đã làm rất tốt tất cả những điều này. Ngoài ra, cũng nhờ 1 hệ điều hành với giao diện và trải nghiệm “gây nghiện”, lại ổn định và hiếm khi giật lag, Apple đã khiến cho người dùng của mình gần như “lọt hố” nếu dùng sản phẩm của họ. Cứ thế, 1 chiếc sẽ thành 2 chiếc,... iPhone đã chinh phục và khiến cho một phần lớn giới trẻ không thể sử dụng hệ sinh thái khác.

Thứ khiến cho giới trẻ “phát sốt” mỗi năm iPhone ra mắt và hết trầm trồ từ camera trước trên iPhone 4 đến cảm ứng vân tay trên iPhone 5S, màn hình lớn trên iPhone 6 Plus, tràn viền trên iPhone X và dual cam trên iPhone 7 Plus là vì mọi “update” của Apple đều giúp họ thỏa mãn những nhu cầu giải trí đa phương tiện và selfie 1 cách dễ dàng - những nhu cầu chủ yếu của người dùng trẻ.

Quan trọng nhất, iPhone tạo ra 1 hệ sinh thái riêng của “những người dùng Apple” so với phần còn lại của thế giới công nghệ. iPhone sử dụng 1 hệ điều hành hoàn toàn riêng, và mỗi năm chỉ ra mắt rất giới hạn một vài sản phẩm vào đúng 1 thời điểm nhất định trong năm. Điều đó tạo cho iPhone sự “độc nhất” và có giá trị như 1 món đồ “hypebeast” - tức là nó không chỉ có vai trò là 1 món đồ công nghệ, mà còn gánh vác nhiệm vụ của 1 món “trang sức” thể hiện đẳng cấp.

Sở dĩ iPhone “có giá trị” đến vậy là vì tư duy mua sắm và tiêu dùng của Gen Z. Khác với các thế hệ trước, Gen Z sử dụng mạng xã hội và tương tác trên các nền tảng này với 1 mức độ dày đặc. Thói quen đó khiến cho họ có xu hướng lựa chọn sản phẩm dựa trên “visual engagement” (tạm dịch: tương tác về thị giác). Họ bị ảnh hưởng lớn và nhận thông tin đa phần từ các influencer, KOL, các video review trên mạng, các sự kiện ra mắt sản phẩm, video quảng cáo và phản ứng trên mạng xã hội. Với 1 thế hệ ít được dẫn dắt và chỉ bảo hơn bởi cha mẹ mà đa phần thời gian gắn với các mạng xã hội, các influencer ảnh hưởng lớn đến định nghĩa cái gì là “cool” đối với họ. Biết vậy, thử đoán xem đa phần người nổi tiếng sử dụng điện thoại hãng nào? Ngoài ra, theo nhiều nghiên cứu, Gen Z cũng trung thành và chọn sản phẩm dựa phần nhiều vào nhãn hiệu hoặc sự phổ biến trong vòng bạn bè.

Nói như vậy không có nghĩa là các sản phẩm khác không đẳng cấp, mà chỉ đơn thuần là chiến lược ấy của Apple đã khiến iPhone thỏa mãn được nhu cầu và tâm lý thể hiện bản thân đồng thời cũng phải đi theo trào lưu của Gen Z.

Tôi còn nhớ, suốt những năm đi học từ 2012 cho đến 2016, tức là suốt từ cuối cấp 2 cho đến khi mới vào đại học, mỗi khi đến “mùa iPhone” - sau tháng 9 hàng năm - sẽ có vài nhân vật được xưng danh vào “bảng vàng rich kid”. Cái thời còn “trẻ trâu” lớp 8, lớp 9, đối với chúng tôi mà nói, iPhone 4, iPhone 5 hay thậm chí iPod Touch Gen 5 là những dấu hiệu “quyền lực” đích thực, không chỉ vì việc chúng thể hiện rằng gia đình của những đứa bạn sở hữu chúng rất có điều kiện, mà còn vì chúng gần như “chi phối” mọi hoạt động trong giờ ra chơi. Gần như 90% số giờ giải lao của chúng tôi sau khi biết 1 đứa bạn mới được bố mẹ mua cho iPhone/ iPod là dành cho việc “trên tay”, ngắm nghía và sau đó là túm tụm thay nhau chơi… Temple Run, cờ vua, Fruit Ninja. Cái cảm giác chờ đợi được đến lượt mình chơi 1 ván Temple Run phải nói còn gây nôn nóng hơn cả việc đợi quán net có máy trống.

13 năm đã trôi qua, nhìn lại những đổi thay của cả 1 thế hệ với những chiếc iPhone - Ảnh 5.

Cũng phải đến giữa cấp 3, tôi mới được sở hữu chiếc iPhone đầu tiên - iPhone 6. Tất nhiên, lúc đó chúng tôi đã bớt “trẻ trâu” hơn và iPhone cũng không còn quá “quyền lực” như thời trước. Với đám con trai, rõ rồi, chúng tôi vẫn “nghiện game”, và mượn nhau để đá FIFA 14 suốt giờ ra chơi (đến lứa em tôi - khoảng 2 - 3 năm sau đó - LQM ra đời và thay thế hoàn toàn những game cá nhân). Với con gái, chắc bạn cũng đoán ra, đứa bạn có iPhone luôn “vinh dự” được trưng dụng máy để phục vụ chụp ảnh cho mọi cuộc selfie hoặc chụp ảnh tập thể (mặc cho việc iPhone khi đó chụp ảnh có khi chẳng hơn gì, có khi còn thua nhiều dòng Samsung Galaxy). 

Kể cả đến năm đầu đại học của tôi, xu hướng đó chỉ có phần giảm đi chứ không thay đổi. Đến thời điểm này, iPhone đã phổ biến đến mức số lượng người dùng chúng cũng phải ngang ngửa số người dùng của tất cả các hãng khác cộng lại. Thế nhưng, khi cậu bạn cùng lớp tôi mang đến 1 chiếc iPhone 7 Plus được “thửa” từ bố, chiếc máy ấy vẫn gây ra 1 cơn sốt nho nhỏ trong nhóm bạn gái thân thiết với cậu ta chỉ nhờ việc nó có camera kép và Portrait Mode “xoá phông ảo diệu”.

Tất nhiên, cộng đồng nào cũng có “fan this, fan that” và có fan cuồng, fan chân chính... Nhưng nếu chưa dùng iPhone, chưa trải nghiệm Apple, thì bạn sẽ không thể hiểu được tại sao người ta lại cứ xếp hàng dài cả cây số trước mỗi cửa hàng Apple khi iPhone mới ra mắt, không khác gì cảnh fan hypebeast “cắm trại” trước các store mỗi khi có 1 đôi sneaker mới được mở bán vậy, cũng không thể hiểu tại sao người dùng iPhone chẳng bao giờ quan tâm đến việc thay đổi tiếng nhạc chuông mặc định. Là 1 người dùng Android chuyển sang iOS, tôi có thể xác nhận điều này.

“Mặc dù ra mắt sản phẩm mới quanh năm, các sản phẩm thuộc đối thủ cạnh tranh vẫn không thể sánh bằng ‘số lẻ’ độ hot của iPhone. iPhone thì vẫn thế, dù là mùa ra mắt hay không đi chăng nữa thì vẫn cứ ‘sốt xình xịch’ quanh năm suốt tháng.”

13 năm đã trôi qua, nhìn lại những đổi thay của cả 1 thế hệ với những chiếc iPhone - Ảnh 6.

Có 1 định kiến trong giới công nghệ là dù cho Apple có tung ra sản phẩm nào và gắn mức giá nào lên đó, iFan vẫn không ngần ngại móc hầu bao “hiến máu”. “Không có lửa thì không có khói”, định kiến này không tự dưng mà xuất hiện.

Mặc cho mọi chỉ trích suốt nhiều năm qua, hết từ dải antenna lộ liễu hay cụm camera lồi trên iPhone 6, đến cái tai thỏ trên iPhone X hay “trà sữa chân châu” trên camera iPhone 11 Pro Max, người dùng iPhone vẫn cứ dùng iPhone, và có phàn nàn thì phàn nàn, họ cũng chẳng vì những điểm có thể đáng chê đó mà từ bỏ Apple. Có lẽ là vì iFan quá trung thành chăng, hay vì Apple vẫn đang chung thủy với những nguyên tắc của mình?

Những câu hỏi đó có thể chưa trả lời ngay được, nhưng có 1 điều chắc chắn là Apple đã chinh phục được trái tim Gen Z và Millennials - những thế hệ chủ lực của lực lượng lao động và nhóm tiêu dùng mạnh nhất trong những năm tới. Điều đó đã phần nào đảm bảo cho tương lai của Nhà Táo, miễn là họ vẫn phát huy và giữ được những giá trị hiện có.

Có lẽ nắm được điều này mà những năm gần đây, chiến lược của Apple cũng đã bắt đầu nhắm vào việc chiều lòng tệp người dùng chủ lực của mình khi có hàng loạt quyết định vốn là điều khó đoán với sự bảo thủ ngày xưa của họ như tăng kích thước màn hình, ra mắt các mẫu iPhone giá mềm, đa dạng màu sắc... Một nghiên cứu mới đây cho thấy quảng cáo của Apple đang ngày càng nhắm vào người trẻ khi 33% số người dùng Android thuộc Gen Z được hỏi cho rằng quảng cáo Fly Market của Apple có cảm nhận mạnh mẽ rằng đây là sản phẩm dành cho họ.

Tim Cook nhận định đây là một kỷ nguyên mới của iPhone, với những cải tiến cực kỳ đột phá. Những chiếc iPhone của năm 2020 có sự khác biệt rất rõ ràng trong thiết kế: vuông vức hơn, nam tính hơn và đẹp hơn. Khả năng quay chụp cũng trở nên thực sự xịn, khi Apple biến 2 dòng cao cấp nhất là iPhone 12 Pro và Pro Max trở thành những thiết bị đầu tiên có khả năng ghi hình với chuẩn Dolby Vision. Và đó là chưa kể đến con chip A14 Bionic - một con chip quá mạnh với chuẩn thiết kế 5nm, được Apple đánh giá là nhanh hơn so với tất cả các smartphone khác đang có mặt trên thị trường. Tựu trung, tất cả khiến cho dòng iPhone mới của năm nay trở nên cực kỳ đáng để chờ đợi.