Ngày 13/7, Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) cảnh báo, đại dịch Covid-19 đã gây ra một “trường hợp khẩn cấp giáo dục chưa từng có” với 9,7 triệu trẻ em bị ảnh hưởng do trường học đóng cửa và có nguy cơ không bao giờ quay trở lại lớp học.
Khoảng 1,6 tỷ thanh thiếu niên và trẻ em trên toàn cầu đã phải nghỉ học do dịch Covid-19. Ảnh: AFP
Tổ chức từ thiện Cứu trợ trẻ em có trụ sở tại Anh đã trích dẫn số liệu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công bố vào tháng 4 cho thấy, khoảng 1,6 tỷ thanh thiếu niên và trẻ em trên toàn cầu đã phải nghỉ học do dịch Covid-19. Con số này tương đương với 90% học sinh và sinh viên trên toàn thế giới.
“Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, chương trình giáo dục của toàn bộ thế hệ trẻ em trên thế giới bị gián đoạn”, tổ chức này nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nền kinh tế bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 có thể khiến 90-117 triệu trẻ em rơi vào cảnh đói nghèo và hệ lụy của nó là các em phải bỏ học.
Trong bối cảnh nhiều thanh thiếu niên buộc phải đi làm, hay các bé gái phải kết hôn sớm để hỗ trợ gia đình, điều này có thể khiến 7-9,7 triệu trẻ em mãi mãi không thể quay lại trường học.
Đồng thời, Tổ chức Cứu trợ trẻ em cho biết, cuộc khủng hoảng Covid-19 có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt 77 tỷ USD cho ngân sách giáo dục tại những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2021.
“Khoảng 10 triệu trẻ em có thể không bao giờ trở lại trường học, đây là một trường hợp khẩn cấp giáo dục chưa từng có và chính phủ các nước cần khẩn trương đầu tư vào việc học cho trẻ em”, Inger Ashing, Giám đốc điều hành Tổ chức Cứu trợ trẻ em cho biết.
Tổ chức từ thiện kêu gọi các chính phủ và các nhà tài trợ đầu tư thêm vào kế hoạch giáo dục toàn cầu nhằm giúp trẻ em quay trở lại trường học khi tình hình dịch bệnh trở nên an toàn hơn. Từ nay tới lúc đó, các em cần được hỗ trợ học từ xa.
Theo bà Ashing, những trẻ em nghèo nhất là những người tụt hậu xa nhất với giáo dục và không thể tiếp cận với việc học từ xa hay bất kỳ hình thức giáo dục nào trong thời gian nửa năm học vừa qua.
Nếu cuộc khủng hoảng giáo dục này vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng của nó tới tương lai của trẻ em sẽ kéo dài, bà Ashing cảnh báo. Theo đó, mục tiêu đảm bảo mọi trẻ em đều được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng vào năm 2030 sẽ bị đẩy lùi thêm nhiều năm nữa.
Theo báo cáo của Tổ chức Cứu trợ trẻ em, 12 quốc gia có trẻ em phải đối mặt với nguy cơ bị tụt hậu về giáo dục sau dịch Covid-19 gồm Nigeria, Mali, Chad, Liberia, Afghanistan, Guinea, Mauritania, Yemen, Pakistan, Senegal và Bờ Biển Ngà./.