1 SAI LẦM khi dùng máy giặt khiến quần áo "hôi như cú", âm thầm tích tụ "ổ vi khuẩn" viêm da

Phác Thái Anh, Theo phunuso.baophunuthudo.vn 09:00 24/05/2025
Chia sẻ

Nên thay đổi sớm thói quen này để đảm bảo máy giặt hoạt động hiệu quả và quần áo luôn thơm, sạch.

Không thể phủ nhận, máy giặt đã giúp con người tiết kiệm đáng kể thời gian và công sức. Thay vì giặt tay từng chiếc áo chiếc quần, giờ đây chỉ cần nhấn nút, mọi thứ gần như được "tự động hóa". 

Mặc dù là trợ thủ đắc lực trong mỗi gia đình, nhưng nếu không chăm sóc đúng cách, máy giặt hoàn toàn có thể là nguồn gây hại âm thầm cho sức khỏe. Đặc biệt, có một thói quen tưởng như vô hại sau khi giặt đồ có thể khiến máy giặt trở thành "ổ vi khuẩn". Nếu không thay đổi sớm, việc giặt đồ không chỉ kém hiệu quả mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây kích ứng da, dị ứng da.

1 SAI LẦM khi dùng máy giặt khiến quần áo

Vì sao máy giặt dễ trở thành nơi tích tụ vi khuẩn?

Máy giặt là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển: ẩm ướt, thiếu ánh sáng và có chất bẩn sót lại từ quần áo. Đặc biệt là các khe, rãnh, gioăng cao su - những nơi khó vệ sinh và ít ai để ý đến. Nấm mốc, vi khuẩn dễ dàng sinh sôi nếu không được xử lý kịp thời.

Một số khảo sát tại Trung Quốc cho thấy, trong 70 chiếc máy giặt gia đình được kiểm tra, 81,3% có lượng vi khuẩn vượt ngưỡng an toàn; 60,2% phát hiện có nấm mốc và 100% đều có sự hiện diện của vi khuẩn E.coli - nguyên nhân gây ra các bệnh đường ruột, da liễu và phụ khoa.

1 SAI LẦM khi dùng máy giặt khiến quần áo

Thói quen sai lầm khiến vi khuẩn "sinh sôi gấp bội" sau khi giặt đồ

Đóng nắp máy giặt ngay sau khi dùng xong chính là thủ phạm mà nhiều người không hề nhận ra.

Đây là một thói quen rất phổ biến trong nhiều gia đình: giặt xong là tiện tay đóng nắp máy lại để trông "gọn gàng" và tránh bụi bặm bay vào. Tuy nhiên, hành động tưởng chừng vô hại này lại khiến môi trường bên trong máy giặt trở nên lý tưởng cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển.

Khi nắp máy bị đóng kín, độ ẩm bên trong không được thoát ra ngoài, đặc biệt là sau những mẻ giặt bằng nước ấm hoặc nước nhiều bọt xà phòng. Hơi nước đọng lại sẽ tạo thành môi trường yếm khí, ấm và ẩm - điều kiện hoàn hảo để vi sinh vật sinh sôi. Không khí không lưu thông cũng đồng nghĩa với việc vi khuẩn, nấm mốc không bị "kiềm chế" mà có thể nhân lên nhanh chóng, bám vào thành lồng giặt, khay chứa nước xả, thậm chí lây sang quần áo trong các lần giặt tiếp theo.

Về lâu dài, quần áo giặt xong có thể có mùi khó chịu, hoặc thậm chí gây kích ứng da, đặc biệt là với người mặc đồ lót hoặc quần áo tiếp xúc trực tiếp với cơ thể.

1 SAI LẦM khi dùng máy giặt khiến quần áo

4 việc cần làm để giữ máy giặt luôn sạch, quần áo thơm tho

1. Mở nắp sau khi giặt ít nhất 2-3 giờ

Sau khi giặt xong, hãy mở nắp máy giặt để thông thoáng, giúp hơi ẩm bay hơi tự nhiên. Tốt nhất là nên để mở hoàn toàn cho đến khi bên trong khô hẳn. Nếu nhà chật hoặc có trẻ nhỏ, bạn có thể để mở hé trong vài giờ cũng đã giúp giảm nguy cơ sinh vi khuẩn đáng kể.

1 SAI LẦM khi dùng máy giặt khiến quần áo

2. Vệ sinh lồng giặt định kỳ

Đừng để vẻ ngoài sạch bóng của máy giặt đánh lừa bạn. Bên trong lồng giặt là nơi tiếp xúc trực tiếp với quần áo bẩn nên rất dễ bám cặn bẩn, nấm mốc.

- Với máy giặt cửa ngang: nên sử dụng viên tẩy lồng giặt 1-2 tháng/lần.

- Mỗi năm, nên tháo rời lồng giặt để vệ sinh sâu một lần. Có thể tự làm nếu biết kỹ thuật, hoặc thuê dịch vụ chuyên nghiệp để đảm bảo sạch triệt để.

3. Đừng bỏ qua khay chứa nước giặt và nước xả

Nhiều người không để ý, nhưng khay đựng nước giặt/nước xả vải cũng là nơi dễ bị mốc nếu không vệ sinh thường xuyên. Đặc biệt với máy giặt cửa ngang, sau vài tháng sử dụng, khay đựng có thể tích tụ cặn xà phòng, dễ phát sinh nấm mốc.

Do đó, hãy tháo khay ra định kỳ (thường chỉ cần nhấn nút hoặc gạt nhẹ), rửa sạch, phơi khô rồi lắp lại.

1 SAI LẦM khi dùng máy giặt khiến quần áo

4. Làm sạch lưới lọc xơ vải và ống xả

Lưới lọc xơ vải (trong máy giặt lồng đứng) cần được vệ sinh mỗi 1-2 tuần nếu dùng thường xuyên. Nếu để lâu, xơ vải sẽ quay ngược trở lại vào quần áo, khiến đồ giặt xong vẫn bám bẩn, thậm chí làm tắc ống thoát.

Ống xả và bộ lọc nước thải (thường nằm ở góc dưới bên phải máy giặt) cũng cần làm sạch mỗi vài tháng. Mở nắp, xoay van để tháo bộ lọc ra, rửa sạch cặn bẩn và tóc vướng lại, sau đó lắp lại như cũ.

Nguồn: Zhuanlan

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày