Xuất hiện mẫu thiết kế trang phục bị cho là "bốc mùi" nhất dành cho Trân Đài đi thi quốc tế!

Hải Lan, Theo Trí Thức Trẻ 08:38 12/04/2021

Liệu Trân Đài có can đảm sử dụng mẫu thiết kế này không nhỉ?

Cuộc thi dành cho các mỹ nhân chuyển giới Đại Sứ Hoàn Mỹ 2020 đã tìm ra được 2 đại diện Việt Nam tại đấu trường nhan sắc quốc tế Miss International Queen: Trân Đài & Lương Mỹ Kỳ. Trước mắt, Quán quân Trân Đài sẽ chinh chiến tại Thái Lan vào tháng 10 năm 2021.

Xuất hiện mẫu thiết kế trang phục bị cho là bốc mùi nhất dành cho Trân Đài đi thi quốc tế! - Ảnh 1.

Ngay từ bây giờ, mọi công việc chuẩn bị cho màn ra quân của Trân Đài đang được ráo riết thực hiện. Tương tự như Miss Universe Vietnam, cô nàng cũng có hẳn 1 cuộc thi thiết kế trang phục dân tộc dành cho mình và một số bản vẽ đã được ban tổ chức công bố trên trang Fanpage. Bạn tưởng những ý tưởng như Cá viên chiên, Đèn dầu, Xe nước mía... đã độc lạ rồi ư? Vậy thì phải xem thiết kế dưới đây!

Có thể thấy, thí sinh này vô cùng "can đảm" khi là người đầu tiên sử dụng ý tưởng mà hiếm nhà thiết kế nào dám đưa lên trang phục của mình, đó chính là... nhà vệ sinh.

Xuất hiện mẫu thiết kế trang phục bị cho là bốc mùi nhất dành cho Trân Đài đi thi quốc tế! - Ảnh 2.

Bản vẽ có tên "Cầu tõm - 9 củ thành 10" do một thí sinh sinh năm 2004 thực hiện, cô nàng trình bày ý tưởng:

Lấy ý tưởng từ "Cầu tõm", hay được gọi với cái tên "hạnh phúc giản đơn", tôi muốn truyền tải một nét văn hoá rất riêng trong đời sống của người Việt Nam từ xa xưa đến nay lên bộ trang phục dân tộc. Có thể hơi "táo bạo" trong ý tưởng nhưng với tôi và rất nhiều người Việt Nam, "Cầu tõm" là một phần ký ức tuổi thơ hồn nhiên và thời niên thiếu hài hước, gắn liền với con sông, bờ đê... cùng những con người chân chất, thật thà ở vùng quê nghèo.

Nhắc đến "Cầu tõm", ai cũng nghĩ đến miền Tây, nhưng ít ai biết rằng cầu tõm được nhắc nhiều nhất và đi vào thơ ca là ở khu vực Hà Nam Ninh (nay là Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định) và đặc biệt gắn liền với giai thoại "9 củ thành 10" mà không phải ai cũng biết.

"Hà Nam 9 củ thành 10

Cho dân Cầu tõm mỉm cười ăn khoai

Ước mơ bao tháng năm dài

Ông ăn củ nứt phần tôi củ lành"

Câu thơ này vẫn được các cụ và các bạn trẻ sử dụng nghêu ngao, nếu ai có dịp về Hà Nam chắc chắn sẽ nghe. Và cho đến ngày hôm nay, "Cầu tõm" vẫn là hình ảnh rất quen thuộc của người dân, đặc biệt ở miền Tây. Người dân nơi đây, dù cuộc sống ngày càng hiện đại hơn, có điều kiện hơn về mọi thứ nhưng họ vẫn giữ gìn nét "truyền thống" này, nhà nào cũng có một chiếc "Cầu tõm" và cũng gắn liền với 1001 câu chuyện hài hước, bình dị chốn miền quê.

Có thể nói, "Cầu tõm" chính là nét văn hoá rất riêng của người Việt chúng ta, ai chưa một lần trải nghiệm thì qua bộ trang phục có thể hiểu hơn về "hạnh phúc giản đơn" này.

Phần trên trang phục được làm từ gỗ cây và khi trình diễn thì có thể bung cửa ra để lộ bộ trang phục lộng lẫy bên trong, phần tà áo màu xanh thướt tha tái hiện lại hình ảnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy mộc mạc, nhưng bộ trang phục lại rất sang trọng và lộng lẫy, lên sân khấu vẫn toả sáng. Dù bộ trang phục có được chọn hay không, tôi vẫn rất vui khi tự mình chia sẻ những ký ức về tuổi thơ của mình bên "Cầu tõm".

Dưới phần bình luận, nhiều ý kiến tranh cãi xoay quanh thiết kế này. Nhiều người cho rằng tuy có ý tưởng độc lạ nhưng bản vẽ này sẽ khó có thể được chọn, thậm chí có người còn nói đây là mẫu thiết kế "nặng mùi" nhất từ trước tới giờ!

Ảnh: Internet