Xu hướng tiêu dùng nổi bật nửa đầu 2022: Bùng nổ du lịch, xe điện và mua đồ cũ

Phương Kim, Theo NDH 13:57 09/07/2022
Chia sẻ

Có những món đồ và dịch vụ tưởng chừng đã “ngủ quên” thì nay được khơi dậy.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, thế giới đón nhận nhiều biến động về giá cả khiến thói quen chi tiêu của người dân Việt Nam cũng như trên toàn thế giới thay đổi.

Bùng nổ du lịch

Sau hai năm không thể đi chơi, “du lịch” gần như là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong nửa đầu năm nay, đặc biệt là trong vòng 3 tháng qua, khi nhiều nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng mở cửa hoàn toàn.

Trên thế giới, sự nhộn nhịp đã gần như hồi phục hoàn toàn với cảnh tượng đông đúc ở các sân bay hay bãi biển nổi tiếng. Tại châu Âu, lượng khách du lịch đến các quốc gia như Thụy Sĩ, Italy, Anh hay Hà Lan không những động mà còn có thời điểm “quá tải”. Các sân bay luôn phải tiếp nhận lượng lớn hành khách, các cửa kiểm soát an ninh luôn kín người, thậm chí hành khách còn phải tràn ra đường để xếp hàng chờ đến lượt làm thủ tục.

Xu hướng tiêu dùng nổi bật nửa đầu 2022: Bùng nổ du lịch, xe điện và mua đồ cũ - Ảnh 1.

Sân bay đã nhộn nhịp trở lại nhờ sự bùng nổ du lịch, nhưng đi kèm với đó cũng là tình trạng tắc nghẽn, đông đúc đến "nghẹt thở". Ảnh: Getty

Tại Đông Nam Á, du lịch Thái Lan cho thấy dấu hiệu phục hồi tích cực sau khi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch. Từ ngày 1/1 đến 26/6, lượng du khách đến xứ sở chùa vàng đạt 2,03 triệu người, theo South China Morning Post. Nước này đã bỏ yêu cầu khai báo trước khi nhập cảnh đồng thời gỡ bỏ hầu hết hạn chế trong dịch đối với ngành du lịch, kinh doanh.

Bùng nổ du lịch được coi là tín hiệu hồi phục kinh tế nhưng nó cũng đi kèm với sự mệt mỏi. Tại các sân bay, cảnh tượng hàng dài người đứng chờ check-in hoặc vật vờ qua đêm vì delay, nhỡ chuyến không còn là chuyện hiếm. Ở các thành phố du lịch, vào những ngày lễ, phòng khách sạn luôn “cháy” và hầu như khó thuê xe để đi lại. Một số thành phố ở châu Âu thậm chí còn phải áp dụng chính sách mới để đối phó. Điển hình có thể kể đến như việc nộp đơn trực tuyến xin giấy phép vào thăm di tích ở Pháp, áp dụng biển số chẵn – lẻ ở Italy hay lệnh cấm tiêu thụ đồ uống có cồn ở Tây Ban Nha.

Còn ở Việt Nam, du lịch cũng bùng nổ. Người dân thoải mái đi du lịch cả nội địa và quốc tế. Trong đó, những điểm đến thu hút nhất phải kể đến Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng… Theo công ty du lịch Vietravel, tính đến cuối tháng 6, đơn vị đã nhận được hơn 155.000 lượt booking và dự kiến trong suốt dịp hè (từ tháng 5 đến tháng 8) sẽ phục vụ khoảng 250.000 lượt khách. Từ đầu tháng 7 trở đi, lượng khách có thể sẽ tăng cao hơn.

Lượng tìm kiếm của khách quốc tế về du lịch Việt Nam tăng nhanh thứ tư thế giới, theo số liệu của Tổng cục Du lịch. Các thị trường đang tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam là Mỹ, Singapore, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Đức, Thái Lan, Canada, Anh.

Xu hướng tiêu dùng nổi bật nửa đầu 2022: Bùng nổ du lịch, xe điện và mua đồ cũ - Ảnh 2.

Bãi biển Hạ Long, Quảng Ninh môt ngày tháng 5. Ảnh: Phương Kim

Cắm trại tiếp tục nở rộ

Bắt đầu nóng lên từ 2021 nhưng đến năm nay, ngành kinh doanh dịch vụ cắm trại dường như càng nở rộ hơn. Ở Trung Quốc, do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân đất nước này không thể ra nước ngoài du lịch nên cắm trại là hình thức thư giãn phổ biến. Điều này vô tình giúp ngành du lịch đang trì trệ của Trung Quốc có sự khởi sắc. Các khách sạn cũng vào cuộc, khi cung cấp dịch vụ trải nghiệm cắm trại với tầm nhìn ra biển ở Tam Á, Hải Nam…

Còn ở Việt Nam, cắm trại cũng lên ngôi, với các điểm camping mọc lên ở khắp nơi, đặc biệt là khu ngoại ô, cách các thành phố khoảng 40-60 km. Tiêu biểu ở Hà Nội có các khu như Ba Vì, Hòa Bình hoặc xa hơn nữa là Thanh Hóa, Ninh Bình. Người cắm trại có thể đi trong ngày hoặc qua đêm đều được và mức phí cũng không quá lớn, sắm sửa một lần là có thể dùng trong thời gian dài.

Cùng từ trào lưu này, thị trường nảy sinh thêm một xu hướng tiêu dùng nữa, đó là mua đồ dùng cắm trại. Mức giá của các đồ dùng cắm trại khá đa dạng, từ vài trăm đến vài triệu, thậm chí có người còn chịu chi vài chục triệu sắm đồ đi chơi. Đặc biệt, những thương hiệu xa xỉ thế giới cũng lấn sân vào lĩnh vực này, như balo cắm trại của Prada hay khu cắm trại trong nhà của Fendi…

Xu hướng tiêu dùng nổi bật nửa đầu 2022: Bùng nổ du lịch, xe điện và mua đồ cũ - Ảnh 3.

Khi cắm trại lên ngôi, từ đồ bình dân đến xa xỉ đều vào cuộc. Ảnh: Weibo Prada

Xe điện nhận nhiều sự quan tâm

Giá xăng tăng vọt trong những tháng qua làm ảnh hưởng không nhỏ đến thói quen chi tiêu cho việc đi lại của người dân. Theo đó, thay vì đi xe xăng, thì có không ít người chuyển sang dùng xe điện, cả ôtô và xe máy.

Trên thế giới, cụ thể là thị trường Mỹ, trong 6 tháng đầu năm ghi nhận tăng trưởng đáng kể về xe điện với 208.000 xe được giao trong quý I. Còn ở châu Âu, tiếp nối tầm ảnh hưởng của xe điện từ năm 2021, năm tiếp tục là năm bùng nổ của loại xe này tại châu lục với thị phần xe điện tăng 12,6%.

Các hãng xe cũng ghi nhận doanh số xe điện tăng cao. Cụ thể, hãng Ford báo cáo tổng doanh số xe điện tăng 220% so với cùng kỳ năm 2021. Tại Mỹ, hãng này tăng doanh số xe điện lên 4 lần trong tháng 5.

Xu hướng tiêu dùng nổi bật nửa đầu 2022: Bùng nổ du lịch, xe điện và mua đồ cũ - Ảnh 4.

Ioniq 5 của Hyundai Kia EV6 đã làm mưa làm gió trên thị trường ôtô điện ở Mỹ. Ảnh: Lianhe Zaobao

Ở Việt Nam, ôtô điện còn chưa quá phổ biến nhưng mặt hàng xe máy điện cũng được quan tâm nhiều trong nửa đầu năm vừa qua, một phần do giá xăng tăng cao liên tục. Hãng xe Dat Bike hồi tháng 5 cho biết sức tiêu thụ xe máy điện của hãng tăng mạnh gấp 3, 4 lần so với đầu năm. Các ông lớn như Honda, Yamaha... cũng rục rịch ra mắt xe máy điện để đón đầu nhu cầu của thị trường.

Hứng thú hơn với xe đạp

Không chỉ có xe máy điện, xe đạp cũng là một lựa chọn được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng trong bối cảnh giá xăng tăng. Trước đây, người đi xe đạp ở thành thị thưa vắng, trừ những người thường xuyên tập luyện thể thao bằng xe đạp, thì nay phương tiện này lại được nhiều người ưa chuộng. Không khó để bắt gặp người đi xe đạp và xu hướng này ngày càng nhiều, với đủ mọi lứa tuổi, từ người già, trẻ em đến giới trẻ trên các con phố. Theo Jing Daily, ở Trung Quốc, doanh số bán các sản phẩm xe đạp tăng 240% so với cùng kỳ năm ngoái với người mua sắm trẻ tuổi chiếm phần lớn.

Còn ở Việt Nam, dù chưa có thống kê cụ thể nhưng theo ghi nhận nhỏ lẻ ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, nhiều người cũng chuyển từ xe máy sang đi xe đạp. Phần lớn người mua thường chọn những dòng xe tầm trung, giá dao động từ 3,5 triệu đến - hơn 7 triệu đồng/chiếc. Những dòng cao cấp hơn có giá từ 10 - 30 triệu đồng/chiếc, thậm chí lên đến 70 - 80 triệu đồng/chiếc. Giá xe đạp cũng được ghi nhận tăng khoảng 10 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tạp chí Tài chính online.

Xu hướng tiêu dùng nổi bật nửa đầu 2022: Bùng nổ du lịch, xe điện và mua đồ cũ - Ảnh 5.

Những chiếc xe đạp trở thành trend trong năm nay. Ảnh: Chí Hiếu

Quen với đồ secondhand

Ở châu Âu, quần áo cũ ngày càng phổ biến và chiếm thị phần lớn. Người châu Âu nói chung không còn cảm thấy quần áo cũ nhàm chán nữa. Xu hướng này có được là nhờ các thương hiệu thời trang toàn cầu hướng đến tính bền vững. Từ cuối năm 2021, hàng loạt hãng lớn đã thực hiện cam kết này trong các hoạt động kinh doanh, như hồi tháng 11/2021, khoảng 130 nhà sản xuất hàng may mặc, bao gồm LVMH và Nike, đã ký Hiến chương ngành công nghiệp thời trang về hành động vì khí hậu.

Ngoài ra, có những yếu tố khác ảnh hưởng đến làn sóng mới này, như việc các ngôi sao nổi tiếng mặc các món đồ cũ đi dự sự kiện thảm đỏ, Kim Kardashian mặc lại váy của Marilyn Monroe là một ví dụ. Nhiều người bình luận rằng để trông thật đẹp đẽ, không nhất thiết phải mua đồ dùng mới.

Tại Mỹ, một nghiên cứu dành riêng cho trang buôn bán quần áo cũ ThredUp thực hiện nghiên cứu cũng đánh giá thị trường quần áo cũ tại Mỹ sẽ mở rộng quy mô lên gấp 3 lần trong vòng 10 năm, từ mức 28 tỷ USD của năm 2019 lên 80 tỷ USD trong năm 2029.

Xu hướng tiêu dùng nổi bật nửa đầu 2022: Bùng nổ du lịch, xe điện và mua đồ cũ - Ảnh 6.

Các chợ đồ cũ điện tử lên ngôi trong năm 2022. Ảnh: Getty

Tại Việt Nam, xu hướng mua sắm thời trang đã qua sử dụng cũng rất sôi động. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, các chợ đồ dùng secondhand rất tấp nập, giới trẻ thích thú lựa chọn quần áo phong cách cổ điển với mức giá dao động 150.000-300.000 đồng cho những món đơn giản hoặc 200.000-300.000 đồng cho những món cầu kỳ hơn.

Với điểm thu hút là mức giá cực rẻ, ngoài ra, nếu biết chọn lựa đúng còn có thể nhận được những sản phẩm có chất lượng cực kỳ tốt so với mức giá bỏ ra, thời trang secondhand được xem mảnh đất nhiều tiềm năng, là một xu hướng của thị trường thời trang, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như hiện nay.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày