"Chiếc thẻ tín dụng đầu tiên mà mình sở hữu có hạn mức là 7 triệu đồng. Và mình được cấp qua lần đăng kí sử dụng thẻ cùng hệ thống ngân hàng mà công ty sẽ thanh toán lương.
Lúc nhận thẻ cứ nghĩ chắc chẳng bao giờ dùng đến mà thế nào cũng có ngày mình phải đối mặt với chuyện nợ tín dụng và mất tới 6 tháng để trả hết. Mình nghĩ sai lầm trong cách sử dụng thẻ của mình cũng là điều mà nhiều người trẻ gặp phải." - Hằng (28 tuổi), hiện đang làm nhân viên văn phòng tại một công ty ở Hà Nội chia sẻ.
Những câu chuyện xoay quanh chiếc thẻ tín dụng trong thời hiện đại có lẽ không còn quá xa lạ. Đối với nhiều người, chiếc thẻ có thể là điều may mắn - cũng có thể là nỗi sợ hãi.
Song, dù là gì thì chúng ta cũng vẫn cần khẳng định lại với nhau 1 điều, thẻ tín dụng là khi bạn không có tiền trong thẻ, ngân hàng cho bạn vay 1 khoản theo đúng hạn mức đăng ký, sau khoảng thời gian (tuỳ quy định của từng ngân hàng, thường là 45 ngày) bạn sẽ phải trả lại. Nếu không thì cần trả thêm lãi cho khoản dư nợ chưa được thanh toán. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều người trở thành "nô lệ" tín dụng, đi làm chỉ đợi đến ngày có lương để trả nợ.
Người trẻ và những chiếc thẻ tín dụng vẫn luôn là trải nghiệm khó quên dù trang bị kiến thức kĩ càng đến đâu đi chăng nữa. (Ảnh: NVCC)
Theo chia sẻ, 1 quãng thời gian dài ban đầu kể từ khi nhận thẻ, Hằng không kích hoạt vì nỗi lo nợ tín dụng. Thế rồi cũng đến ngày cô nàng cũng phải đối mặt với chuyện nợ nần như nhiều bạn trẻ khác.
"Khi đó, dù mới ra trường nhưng mình luôn cố gắng cân đối các khoản chi tiêu để không phải sử dụng đến. Thế rồi, sau 1 sự cố, cuối cùng mình cũng phải kích hoạt. Phải thừa nhận là, khi giải quyết xong vấn đề liên quan đến tiền bạc, mình cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng.
Vì hạn mức thẻ của mình chỉ có 7 triệu nên ngay tháng sau mình cày cuốc gấp rút để tất toán toàn bộ. Lần đầu vay tiền qua thẻ tín dụng của mình trôi qua dễ dàng như thế nên lúc đó mình nghĩ: Tính ra có thẻ cũng tiện!"
Sau lần đầu tiên đó, Hằng có cái nhìn khác về chuyện dùng thẻ và bắt đầu coi nhẹ hơn. Cũng kể từ đó, cô nàng sử dụng thẻ tín dụng thường xuyên hơn ngay cả khi chi tiêu hàng ngày vẫn nằm trong khoản thu nhập hàng tháng. Thẻ tín dụng cũng được nâng lên hạn mức 15 triệu nên chi tiêu càng thêm thoải mái.
"Thời gian đầu sử dụng thẻ, mình không thiếu tiền nhưng lúc đó lại có suy nghĩ muốn bảo toàn thu nhập trong thẻ thanh toán nên cứ "phóng tay" quẹt thẻ tín dụng cho các chi tiêu vào việc mua sắm mà không tính toán gì.
Kiểm tra hạn mức thẻ tín dụng thấy nhiều nhiều thì bắt đầu chuyển qua sử dụng tiền trong thẻ thanh toán. Trong khi lẽ ra số tiền trong ví đó cần phải dành để thanh toán dư nợ thẻ tín dụng cho tháng sau. Tháng đó, dư nợ bắt đầu nhiều hơn những tháng trước. Song, vẫn nằm trong khả năng chi trả của mình.
Nhưng lâu dần, mình có cảm giác như bản thân không thiếu tiền, mình dễ dãi hơn với việc chi tiêu và nó khiến cho mình bắt đầu vượt kiểm soát trong tiêu dùng. Hơn nữa, các chiến dịch hoàn tiền khi mua sắm hay tích điểm đổi quà của ngân hàng làm mình thấy đang mua được món hời, nhanh chóng có được món mình thích mà không cần đợi lương mới mua được.
Đỉnh điểm, có 1 lần mình quẹt thẻ 40 triệu/tháng trong khi thu nhập lúc bấy giờ chỉ dao động trong khoảng 17-20 triệu đồng. Tiêu nhiều nhưng không có khoản nào ra tấm ra món, không ghi chép lại nên đến cuối cùng mình thấy bản thân chẳng có gì, chỉ thêm khoản nợ to đùng. Với nhiều người, con số này không là gì nhưng với những người trẻ mới ra trường như mình hồi đó thì bấy nhiêu đó cũng là đủ để hoảng sợ và sống trong lo lắng, stress mỗi ngày" - Hằng nói thêm.
Số tiền nợ thẻ tín dụng gấp đôi thu nhập (chưa kể chi tiêu trong tháng cùng các khoản chi phí phát sinh, tiền thuê nhà, điện nước,...) nên Hằng tiếp tục mở thêm thẻ tín dụng của ngân hàng khác và ra cây ATM để rút ra thanh toán cho đúng kì.
Tuy nhiên, tuỳ theo từng ngân hàng nên có thể rút được tiền mặt với các hạn mức khác nhau (khoảng 50-70%) nên số tiền rút được ở 1 thẻ vẫn không đủ để trả. Hằng tiếp tục mở thêm thẻ khác và lặp lại hành động tương tự mà quên rằng lãi suất cho mỗi lần rút như vậy là rất cao. Tránh phát sinh lãi và có tiền xoay vòng trả nợ cho 1 chiếc thẻ đã từ từ đưa cô nàng 9x vào cảnh nợ nần như thế.
"Hồi đó, mình tặc lưỡi kiểu miễn sao có tiền trả hết nợ cho thẻ cũ là được. Nhẩm tính 1 hồi cứ nghĩ chắc cũng nhanh chóng trả hết như lần 1 thôi. Nhưng lúc đó, mình đã sai. Vòng xoáy vay tiền của thẻ này để trả cho thẻ khác ấy cứ xoay vòng từ tháng này qua tháng khác. Khoản lương hàng tháng khi được chuyển vào tài khoản đều "bay" sạch không còn chút dấu vết.
Song, may mắn hơn, mình kiểm soát được nên ngay lập tức điều chỉnh lại chi tiêu cũng như làm việc cật lực để kiếm tiền trả nợ."
Lỡ tay 1 tháng nhưng phải mất tới 6 tháng để trả hết khoản nợ đã giúp Hằng rút ra được nhiều bài học cho bản thân. Hiện tại, cô nàng vẫn đang sở hữu 2 chiếc thẻ tín dụng nhưng đã không còn phải lo lắng, hoang mang như ngày nào.
Hiện tại, Hằng chỉ sử dụng thẻ tín dụng để đi siêu thị mua sắm với số tiền tối đa 4 triệu đồng/tháng. (Ảnh: NVCC)
Tuổi trẻ có những đặc quyền, 1 trong số đó là "được sai" và sai thì sửa. Sau lần đó, Hằng coi sai lầm về tiền bạc là khôn phí và cô nàng đã nhanh chóng tìm cách để sửa chữa.
"Từ nhỏ tới lớn, bố mẹ luôn nhắc nhở mình phải cần kiệm để không nợ nần. Mình được cảnh cáo về những khoản nợ thường xuyên, liên tục và bố mẹ cũng không bao giờ để mình thiếu thốn bất kể điều gì nên sau lần đó mình sợ lắm. Không dám nói với ai nên hồi đó mình vật vã sống khổ sở 6 tháng liền, không dám ăn cũng không dám tiêu gì hết chỉ để trả hết nợ.
Khoảng thời gian đó mình stress liên miên, sút cân liên tục đến nỗi bây giờ nhắc lại vẫn thấy sợ nhưng cũng kể từ đó mình rút ra bài học cho việc dùng thẻ tín dụng.
Cái giá phải trả cho 1 lần "phóng tay" đã khiến mình giác ngộ và "rút chân" kịp thời" - Hằng nói thêm.
Kiểm soát ham muốn của bản thân để "làm chủ" những chiếc thẻ là bài học lớn nhất mà Hằng đã và đang làm. Từ sở hữu 4 chiếc thẻ để xoay vòng trả nợ, Hằng chỉ còn sử dụng 2 thẻ tín dụng để đáp ứng mục đích duy nhất là mua sắm tiêu dùng trong tháng, chủ yếu để đi siêu thị.
"Tính mình thích đi du lịch, lúc đầu mình cũng nhận được nhiều ưu đãi từ thẻ tín dụng cho khoản này lắm nhưng nghĩ lại toàn đi theo kiểu bộc phát, hứng lên là đi luôn nên muốn áp dụng cái này chắc cũng khó nên hiện tại mình chỉ dùng thẻ để đi siêu thị. Và mình chỉ quẹt tối đa hạn mức là 4 triệu đồng/tháng cho nhu cầu này." - Hằng chia sẻ.
Vì ở 1 mình, nhu cầu ăn uống không nhiều nên Hằng dự tính chi 4 triệu để mua sắm (sữa tắm, dầu gội đầu, đồ ăn...) với tần suất 1 tuần 1 lần. Trong đó mỗi lần đi siêu thị sẽ mua tối đa 1 triệu đồng. Mỗi lần đi mua sắm, Hằng đều tích điểm bằng thẻ khách hàng thân thiết của siêu thị để đổi quà hoặc trừ tiền cho các giao dịch sau.
Áp dụng thêm 1 số ưu đãi từ thẻ tín dụng VIB mà cô bạn sử dụng đi siêu thị, có đợt Hằng có thể tiết kiệm được tới 30% tiền mua sắm siêu thị, tương đương khoảng 600k/đợt. Tuy nhiên, các đợt như vậy không nhiều nên cô nàng áp dụng để được đổi quà hoặc giảm giá. Sau đó thanh toán ngay khi tới kì lương nên không phải trả lãi. Tính ra, Hằng cũng tiết kiệm được vài trăm nghìn đồng/tháng và số tiền dư ra này được chuyển thẳng vào tài khoản tiết kiệm.
"Tuyệt đối không rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, vạch rõ chi tiêu nào sử dụng thẻ tín dụng và áp dụng triệt để khuyến mãi, ưu đãi từ thẻ chính là lưu ý giúp mình không còn phải lo lắng nữa.
Bằng cách này, mình cũng kiểm soát được khoản tiền ra và cân đo đong đếm cho tài chính cá nhân. Thời gian đầu mọi thứ không dễ dàng gì mấy vì đang tiêu pha thoải mái đến việc chi gì tiêu gì cũng phải lên kế hoạch và ghi chép cụ thể nhưng nhờ thế mà bây giờ mình không còn phải lo lắng về thẻ tín dụng nữa", Hằng cho biết.
Hằng cũng bật mí, mỗi ngày cô bạn đều kiểm tra lại khoản chi từ thẻ tín dụng và note lại cụ thể bằng ứng dụng Money Lover để kiểm soát. Nhờ vậy, cô nàng đã dần làm chủ được chiếc thẻ tín dụng mà mình đang sở hữu và kiểm soát được chi tiêu hằng tháng, đồng thời còn tiết kiệm thêm 1 khoản không nhỏ.
Chúng ta đều biết mình có phải là người vô trách nhiệm với tiền bạc hay không. Nhưng nhiều khi chúng ta cố tình ngó lơ và đưa ra những lựa chọn không tốt chút nào. Đó có thể là những lần sẵn sàng chi tiền triệu cho 1 chiếc váy mà không biết có mặc đến lần thứ 2 hay không, cũng có thể là những khi mua 1 loạt đồ ăn thức uống rồi không kịp dùng hết và phải vứt đi... Vì vậy, cách tốt nhất để cải thiện tình hình tài chính cá nhân và kiểm soát được thẻ tín dụng chính là thay đổi hành vi, dù là nhỏ nhất.